Ả Rập Xê-út: Làm sao để vừa phát triển dầu khí vừa bảo vệ môi trường?

19:00 | 10/10/2023

|
(PetroTimes) - Thứ Hai (ngày 9/10), Ả Rập Xê-út vừa công bố một cơ chế giúp các doanh nghiệp bù đắp lượng khí thải nhà kính cũng như hỗ trợ mục tiêu đạt mức trung hòa carbon đến năm 2060.
Ả Rập Xê-út: Làm sao để vừa phát triển dầu khí vừa bảo vệ môi trường?
Các tập đoàn Ả Rập Xê-út tham gia PIF, sáng kiến ​​thị trường carbon Tadawul để giảm lượng khí thải

Cơ chế tín chỉ và bù đắp khí thải nhà kính (GCOM) dự kiến sẽ ra mắt vào đầu năm 2024, với mục tiêu tăng cường hợp tác giữa các quốc gia muốn đạt được tham vọng về khí hậu bằng cách hỗ trợ huy động nguồn tài chính trong các lĩnh vực cho nhiều dự án và hoạt động khác nhau.

Sáng kiến này đã được công bố trong Tuần lễ Khí hậu Trung Đông - Bắc Phi (MENA), một hội nghị do Liên hợp quốc tổ chức tại thủ đô Riyadh của Ả Rập Xê-út.

GCOM được mô tả là một cơ chế quốc gia, nhưng theo cố vấn chính sách quốc tế của Bộ Năng lượng Ả Rập Xê-út, bà Maria AlJishi, cơ chế này có khả năng hỗ trợ "những giao dịch quốc tế trong tương lai nếu Ả Rập Xê-út chọn tham gia vào cam kết".

Trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Điều 6 tạo điều kiện cho phép các quốc gia cùng hợp tác để đạt được các mục tiêu giảm phát thải, kể cả các giao dịch trong tín chỉ carbon.

Tín chỉ carbon là công cụ phổ biến với các công ty muốn bù đắp lượng khí thải CO2 và trung hòa carbon.

Nhưng những vụ bê bối gần đây cho thấy lĩnh vực này có thể mở ra nhiều cơ hội cho việc "tẩy xanh".

Một số trường hợp tiêu biểu như Walt Disney và ngân hàng JP Morgan, họ vừa bị cáo buộc đã mua tín chỉ carbon từ các dự án bảo vệ rừng trong khi những khu rừng này không bị đe dọa.

Bà Maria AlJishi khẳng định rằng chính quyền Ả Rập Xê-út muốn thiết lập những biện pháp bảo vệ nhằm chống lại "đếm kép và phát thải kép".

Năm 2021, Ả Rập Xê-út đã tuyên bố rằng họ đang hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đến năm 2060.

Nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới đã khẳng định rằng mục tiêu này sẽ đạt được "theo cách duy trì vai trò của vương quốc trong việc tăng cường an ninh và ổn định của thị trường năng lượng toàn cầu".

Tuy nhiên, những lời kêu gọi liên tục từ phía các quan chức Ả Rập Xê-út nhằm tăng cường đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch khiến các nhà bảo vệ môi trường hoài nghi về những cam kết của quốc gia dầu mỏ này.

Mỹ: Tranh cãi về việc có nên tăng tốc phát triển dầu khíMỹ: Tranh cãi về việc có nên tăng tốc phát triển dầu khí
Carbon Tracker tố cáo các quỹ tài sản lớn đầu tư khủng vào nhiên liệu hóa thạchCarbon Tracker tố cáo các quỹ tài sản lớn đầu tư khủng vào nhiên liệu hóa thạch

Ý Thiên

AFP