Nga phê chuẩn thỏa thuận chiến lược năng lượng 20 năm với Iran
![]() |
Tổng thống Iran Massoud Pezeshkian và người đồng cấp Nga Vladimir Putin sau khi ký thỏa thuận chiến lược vào ngày 17 tháng 1 năm 2025 tại Moscow. Ảnh Evgenia Novozhenina, AFP |
Thỏa thuận có thời hạn 20 năm này, được ký kết giữa lãnh đạo hai nước vào tháng 1 năm ngoái, ràng buộc Moscow và Tehran trong một liên minh dài hạn. Việc phê chuẩn này khẳng định cam kết chính trị và kinh tế mạnh mẽ giữa Nga và Iran trong bối cảnh địa chính trị bị chi phối bởi các lệnh trừng phạt kinh tế quốc tế nhắm vào cả hai quốc gia. Thỏa thuận cụ thể ban đầu bao gồm việc hợp nhất các nguồn lực và tích hợp các dự án năng lượng lớn trị giá hàng tỷ đô la.
Các khoản đầu tư khí đốt khổng lồ
Vào tháng 7/2022, Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom và Công ty Dầu khí Quốc gia Iran (NIOC) đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ về mặt tài chính, ước tính trị giá khoảng 40 tỷ đô la. Thỏa thuận này bao gồm việc phát triển các mỏ khí đốt Kish và North Pars của Iran, bên cạnh việc khai thác chung sáu mỏ dầu khác. Đồng thời, xây dựng các cơ sở hạ tầng lớn, chẳng hạn như các đường ống dẫn khí đốt xuất khẩu, cũng như các nhà máy khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), qua đó củng cố vị thế chiến lược của Nga ở khu vực Trung Đông.
Nga có thể cung cấp cho Iran tới 55 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm (Gm³/năm), tuy nhiên nguồn cung dự kiến ban đầu khiêm tốn, khoảng 2 Gm³/năm, sau đó tăng dần theo thời gian, dựa trên những gì các quan chức Nga đã thông báo. Để vận chuyển khối lượng khí đốt lớn này từ Nga sang Iran, thì phương án trung chuyển qua Azerbaijan đang được xem xét. Điều này cho thấy sự phức tạp của các liên minh năng lượng khu vực. Những giao dịch có thể mang lại lợi ích lớn cho Iran, giúp nước này tăng cường đáng kể năng lực năng lượng nội địa và mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác.
Hợp tác phát triển năng lượng hạt nhân dân sự
Thỏa thuận cũng dự báo sự tăng cường trao đổi công nghệ và đầu tư vào năng lượng hạt nhân dân sự. Việc cùng nhau xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới nằm trong chương trình nghị sự, tiếp nối những dự án hợp tác hạt nhân dân sự đã có trước đó giữa Moscow và Tehran trong những năm gần đây. Sự hợp tác này nằm trong chiến lược đa dạng hóa năng lượng của Iran và đáp ứng mục tiêu của Nga là mở rộng ảnh hưởng công nghệ hạt nhân của mình trên trường quốc tế. Chi tiết tài chính chính xác liên quan đến lĩnh vực hạt nhân vẫn chưa được công khai.
Thỏa thuận được ký trong bối cảnh ngoại giao căng thẳng, với áp lực kinh tế quốc tế dai dẳng đối với cả hai nước. Tuy nhiên, bằng cách đặt cược vào sự hợp tác lâu dài này, Moscow và Tehran dự định củng cố vị thế tương ứng của mình trên thị trường năng lượng khu vực và quốc tế, do đó mang lại một giải pháp thay thế cụ thể cho các thị trường truyền thống ở phương Tây. Giờ đây, điều còn lại là phải xem những biện pháp này sẽ được thể hiện một cách cụ thể như thế nào trên thị trường năng lượng toàn cầu trong những năm tới.
![]() |
![]() |
![]() |
Nh.Thạch
AFP