Đánh giá ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ đối với Iran
![]() |
Việc Mỹ gia tăng sức ép lên Iran có thể khiến giá dầu tăng cao. Ảnh AFP |
Đó là nhận định của Rystad Energy trong một báo cáo đăng tải trên trang web của công ty. Rystad cảnh báo rằng, “nếu các biện pháp trừng phạt được mở rộng, hậu quả sẽ không chỉ giới hạn ở Iran mà có thể định hình lại cục diện địa chính trị và gây chấn động thị trường năng lượng toàn cầu”.
Mặc dù chưa đạt đến mức “áp lực tối đa” – tức là xuất khẩu dầu của Iran giảm từ 1,5 triệu thùng/ngày xuống gần bằng 0 – nhưng Washington đang đẩy mạnh nỗ lực buộc Tehran quay lại bàn đàm phán về một thỏa thuận hạt nhân mới, Rystad cho biết.
Tuy nhiên, việc gia tăng sức ép có thể khiến giá dầu tăng cao, đi ngược lại mục tiêu giảm chi phí năng lượng để chống lạm phát mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cam kết trong bài phát biểu nhậm chức hồi tháng 1, Rystad lưu ý.
Vai trò của Trung Quốc và OPEC+
Dữ liệu của Rystad về dòng chảy thương mại dầu mỏ cho thấy gần như toàn bộ lượng dầu thô xuất khẩu của Iran đều được vận chuyển đến Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc để thực sự đạt được “sức ép tối đa”, Mỹ cần có sự hợp tác từ chính quyền Bắc Kinh.
Hiện vẫn chưa rõ liệu các biện pháp trừng phạt này có đủ mạnh để buộc Iran ngồi vào bàn đàm phán hay không. “Nếu Tehran vẫn giữ thái độ cứng rắn, Mỹ có thể sẽ áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mới”, Rystad nhận định.
“Dù tác động của các lệnh trừng phạt này vẫn còn hạn chế, nhưng chúng gửi đi một tín hiệu rõ ràng về ý định của chính quyền Mỹ trong việc gia tăng áp lực đối với Iran”, báo cáo nêu rõ.
Công ty cũng nhấn mạnh rằng quyết định tăng sản lượng của OPEC+ có thể ảnh hưởng lớn đến chiến lược của Mỹ trong việc siết chặt Iran.
“Giá dầu giảm gần đây - một phần do OPEC+ tăng sản lượng - có thể tạo điều kiện thuận lợi để Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt hơn đối với Iran”, Rystad cho biết.
Báo cáo cũng cho thấy xuất khẩu dầu thô của Iran đã tăng vọt trong tháng 1, đạt gần 1,5 triệu thùng/ngày – mức cao nhất kể từ tháng 5/2024 và cao thứ hai kể từ tháng 3/2019.
“Mức tăng này có thể phản ánh dự báo của Tehran về áp lực ngày càng lớn từ phía Mỹ trong thời gian tới”, Rystad nói thêm.
OPEC+ hưởng lợi
Trong một báo cáo của Skandinaviska Enskilda Banken AB (SEB) gửi đến AFP vào ngày 21/3, chuyên gia phân tích hàng hóa cấp cao Bjarne Schieldrop nhận định rằng, “nếu xuất khẩu dầu thô và condensate của Iran bị cắt giảm, thì đây lại là tin tốt cho phần còn lại của OPEC+”.
“Ông Donald Trump muốn giá dầu thấp. Nhưng mục tiêu thực sự của ông có thể không phải là đẩy dầu Iran ra khỏi thị trường, mà là buộc Iran quay lại bàn đàm phán về chương trình hạt nhân”, ông Schieldrop giải thích.
Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng, nếu chiến lược này không hiệu quả và Mỹ áp thêm các lệnh trừng phạt khiến dầu Iran bị loại khỏi thị trường, thì điều này lại vô tình có lợi cho OPEC+, nhất là khi khối này đang có mức công suất dự phòng rất lớn, khoảng 5-6 triệu thùng/ngày.
“Ngay cả khi toàn bộ xuất khẩu dầu thô và condensate của Iran biến mất, thế giới vẫn sẽ không gặp vấn đề gì trong việc đáp ứng nhu cầu dầu mỏ”, ông Schieldrop khẳng định.
Phản ứng quốc tế trước động thái của Mỹ
Nhà Trắng, đội ngũ của ông Trump, Bộ Ngoại giao Iran, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc và OPEC hiện chưa bình luận gì về báo cáo của Rystad và báo cáo của SEB.
Trước đó, ngày 4/2, Nhà Trắng công bố một bản tóm lược chính sách, trong đó khẳng định ông Trump đã ký một Bản ghi nhớ An ninh Quốc gia (NSPM) nhằm khôi phục chính sách “áp lực tối đa” đối với Chính phủ Iran.
Theo đó, NSPM yêu cầu Bộ trưởng Tài chính Mỹ gia tăng sức ép kinh tế đối với Iran, bao gồm các biện pháp trừng phạt và cơ chế thực thi đối với những cá nhân, tổ chức vi phạm lệnh trừng phạt hiện hành. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng được chỉ đạo sửa đổi hoặc hủy bỏ các miễn trừ trừng phạt hiện có, đồng thời phối hợp với Bộ Tài chính để thực hiện chiến dịch đẩy xuất khẩu dầu của Iran về mức 0. Bộ Ngoại giao Iran đã từ chối bình luận về vấn đề này.
Trong khi đó, OPEC ngày 3/3 thông báo rằng từ tháng 4, các nước gồm Ả Rập Xê Út, Nga, Iraq, UAE, Kuwait, Kazakhstan, Algeria và Oman sẽ bắt đầu nới lỏng mức cắt giảm sản lượng 2,2 triệu thùng/ngày.
![]() |
![]() |
![]() |
Nh.Thạch
AFP
- Ông Trump đi nước cờ hiểm: Áp thuế với dầu thô Nga
- Mỹ tiếp tục thu hồi giấy phép của các tập đoàn dầu khí đa quốc gia tại Venezuela
- Các tài sản năng lượng bị ảnh hưởng bởi căng thẳng Nga - phương Tây
- Động đất ở Myanmar làm rung chuyển hành lang chiến lược của Trung Quốc
- Giới giao dịch dầu khí châu Âu cân nhắc quay lại thị trường Nga