Trung Quốc quan tâm đến các dự án thủy điện trên khắp thế giới

15:06 | 13/08/2020

|
(PetroTimes) - Chuyên gia Vanand Meliksetian của hãng tin Oil Price đưa ra những phân tích về việc các doanh nghiệp năng lượng Trung Quốc đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư trong lĩnh vực thủy điện từ nội địa ra các thị trường nước ngoài khi phát triển trong nước đang bước vào thời kỳ bão hòa. 
trung quoc quan tam den cac du an thuy dien tren khap the gioiNhập khẩu dầu của Trung Quốc giảm từ mức cao kỷ lục
trung quoc quan tam den cac du an thuy dien tren khap the gioiKhởi công xây dựng lò phản ứng nhiệt hạch lớn nhất thế giới ITER

Trong lĩnh vực thủy điện, hai yếu tố quan trọng cần nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng trước khi xây dựng một con đập để sản xuất điện là: sự dịch chuyển của dòng chảy; sự thay đổi nhanh chóng của độ cao. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc là quốc gia có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển lĩnh vực thủy điện. Dãy núi Himalaya - nóc nhà của thế giới cung cấp nguồn tài nguyên thủy năng dồi dào cho Trung Quốc. Trong tháng 7 vừa qua, Ô Đông Đức - một trong những con đập thủy điện lớn cuối cùng của Trung Quốc đã được hoàn thành. Trong khi có nhiều dự án đang trong các giai đoạn phát triển khác nhau, sự chú ý của Trung Quốc trong tương lai rất có thể sẽ chuyển hướng sang đầu tư nước ngoài và các công nghệ tái tạo trong nước. Trong hàng nghìn năm lịch sử, chưa bao giờ các nhà cầm quyền Trung Quốc lại phát triển tiềm năng thủy điện mạnh mẽ đến vậy. Chưa một công trình xây dựng tương tự như đập thủy điện Ô Đông Đức được xây dựng. Với việc hoàn thành công trình thủy điện Ô Đông Đức có công suất 10,2 GW khổng lồ ở vùng núi tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đang cạn kiệt các địa điểm tiềm năng để phát triển dự án thủy điện quy mô lớn.

trung quoc quan tam den cac du an thuy dien tren khap the gioi

Trong vòng 2 năm tới, dự án thủy điện Bạch Hạc Than, nằm cách Ô Đông Đức 170 km về phía hạ lưu của sông Kim Sa sẽ được hoàn thành. Bạch Hạc Than sẽ là con đập thủy điện lớn thứ hai tại Trung Quốc (sau đập Tam Hiệp) và lớn thứ tư thế giới với công suất 16 GW. Khi hai con đập Ô Đông Đức và Bạch Hạc Than kết hợp với nhau sẽ cho sản lượng điện được ước tính lớn hơn tổng công suất thủy điện của Philippines.

Tham vọng "thủy điện" của Trung Quốc vừa là một chính sách sản xuất điện năng, vừa là một biện pháp trị thủy, chống lũ lụt, góp phần cải thiện khả năng điều tiết các dòng sông lớn. Chương trình xây dựng các công trình thủy điện được thực hiện vào những năm 90 của thế kỷ XX với đập Tam Hiệp. Con đập này được khởi công vào năm 1994 và hoàn thành vào năm 2012 với tổng công suất phát điện đạt 22,5 GW. Kích thước của đập Tam Hiệp tương tự như đập Itaipu (Brazil/Paraguay) lớn thứ hai thế giới, có công suất phát điện nhỏ hơn Tam Hiệp 8 GW.

Các con đập thủy điện là một phần thiết yếu trong tổ hợp năng lượng của Trung Quốc. Trong khi gió và mặt trời đã thu hút được nhiều vốn đầu tư ở cả trong và ngoài Trung Quốc do xu hướng phát triển năng lượng tái tạo, thủy điện vẫn là nguồn cung cấp điện sạch lớn nhất ở Trung Quốc. Hiện tại, các đập thủy điện ở Trung Quốc có tổng công suất đạt 356,2 GW, chiếm tỷ trọng xấp xỉ 20% trong cơ cấu các nguồn điện năng.

Thay đổi để phát triển

Khi đập Bạch Hạc Than được hoàn thành và bắt đầu sản xuất điện vào năm 2022, tất cả các dự án thủy điện có công suất sản xuất trên 10 GW tại Trung Quốc sẽ đạt công suất tối đa. Ngoài ra, 5/10 con đập lớn nhất thế giới sẽ nằm trên hai con sông Kim Sa và Dương Tử. Về lý thuyết, Trung Quốc vẫn còn tiềm năng xây dựng một con đập thủy điện khổng lồ nữa trên cao nguyên Tây Tạng với công suất thiết kế lên tới 38 GW. Tuy nhiên, vị trí xa xôi và sự nhạy cảm địa chính trị khiến điều này khó có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, chi phí điện gió và điện mặt trời đang giảm dần cũng gây áp lực nhiều hơn đến việc xây dựng những con đập khổng lồ. Các dự án điện gió, điện mặt trời mới không chỉ rẻ hơn mà còn có thể chia nhỏ trong khi các dự án thủy điện đòi hỏi nhiều năm xây dựng và mức đầu tư lớn.

trung quoc quan tam den cac du an thuy dien tren khap the gioi

Thay vào đó, các nhà hoạch định chính sách và các công ty năng lượng Trung Quốc có vẻ quan tâm nhiều hơn đến phát triển các dự án thủy điện có quy mô nhỏ và vừa, công suất từ 1-2 GW. Ngoài ra, các bộ lưu trữ điện năng đang ngày càng phổ biến hơn song song với sự gia tăng công suất lắp đặt điện gió và điện mặt trời. Chính vì tính chất không liên tục của năng lượng gió và điện mặt trời khiến nhu cầu lưu trữ điện năng gia tăng.

Thị trường Trung Quốc cho các con đập thủy điện lớn đang dần trở nên bão hòa. Sau nhiều thập kỷ đầu tư ồ ạt vào cơ sở hạ tầng, bao gồm cả việc xây dựng các con đập, lĩnh vực thủy điện Trung Quốc đã chiếm vị trí số 1 thế giới với tỷ trọng đạt gần 33% trong cơ cấu tổng công suất lắp đặt thủy điện toàn cầu năm 2019.

Sự chuyển dịch đầu tư từ trong nước sang nước ngoài của Trung Quốc được thể hiện rõ nét trong sáng kiến "Vành đai, Con đường" (BRI). Sáng kiến này là chiến lược mới nhất của Trung Quốc để gắn kết kinh tế với các quốc gia thân thiện. Dưới sự bảo trợ của BRI, các công ty Trung Quốc đua nhau đến những khu vực giàu tiềm năng thủy điện trên khắp thế giới, nơi khả năng sản xuất thủy điện đang dư thừa.

Đặc biệt, các nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm nhiều đến tiềm năng thủy điện ở lưu vực sông Mekong và Pakistan, đã tiến hành xây dựng một số con đập. Tuy nhiên, một số dự án không tránh khỏi sự tranh cãi. Tại Lào, một số dự án thủy điện trị giá hàng tỷ USD đang gây ra những thiệt hại về môi trường, cũng như khiến nhiều người dân địa phương phải di dời.

Gần đây, nhiều dự án thủy điện lớn được công bố ở Pakistan như một phần của BRI. Điều này được công bố sau sự kiện giao tranh giữa quân đội Trung Quốc và quân đội Ấn Độ khiến nhiều binh sĩ thương vong. Do đó, phía Trung Quốc có thể có động cơ địa chính trị vì địa điểm của các con đập nằm ở khu vực Kashmir đang tranh chấp.

Bất chấp những tranh cãi về môi trường và địa chính trị xung quanh nhiều dự án thủy điện ở Trung Quốc và nước ngoài, các con đập vẫn là nguồn thu nhập lớn và cung cấp điện giá rẻ cho các nước đang phát triển. Xét ở góc độ phát thải khí nhà kính của Trung Quốc, các con đập thủy điện đã ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng hơn.

Nhận định:

Có thể nói, Trung Quốc không chỉ sở hữu tiềm năng dồi dào về thủy điện mà còn là quốc gia phát triển thủy điện số 1 thế giới hiện nay. Nguồn thủy điện sạch, giá rẻ đang đáp ứng 1/5 nhu cầu tiêu thụ điện năng của quốc gia đông dân nhất thế giới này. Tuy nhiên, trong bối cảnh lĩnh vực thủy điện đã phát triển đến mức độ bão hòa, kết hợp với siêu dự án cơ sở hạ tầng sáng kiến "Vành đai, Con đường" (BRI) thì việc xuất khẩu vốn, công nghệ thủy điện, xây dựng các dự án thủy điện lớn ở nước ngoài là chiến lược hợp lý và mang lại hiệu quả kinh tế bền vững cho các nhà đầu tư Trung Quốc. Ngoài ra, các dự án thủy điện ở nước ngoài còn góp phần giải phóng phần lớn sức lao động, sắt thép, vật liệu xây dựng dư thừa hiện nay. Các doanh nghiệp Trung Quốc đã và đang quan tâm đến các quốc gia, khu vực trên thế giới giàu tiềm năng thủy điện song chưa có điều kiện khai thác như Nam Mỹ, châu Phi, Nam Á và lưu vực sông Mê Kông.

Với sức mạnh tài chính, cam kết đảm bảo lợi ích kinh tế, nguồn thu ngân sách, đảm bảo an ninh năng lượng cho nước sở tại, các doanh nghiệp năng lượng Trung Quốc đã trúng thầu và xây dựng những công trình thủy điện lớn tại các nước kém phát triển (như Lào, Pakistan) bất chấp những tác động xấu đến hệ sinh thái, nguồn nước cho các khu vực hạ nguồn các con sông, di dân và tái định cư, xa hơn là an ninh lương thực, an ninh nguồn nước cho các nước lân cận nằm trên cùng lưu vực của một con sông, trong đó có Việt Nam, Campuchia nằm ở hạ nguồn sông Mê Kông. Một vấn đề khác cũng gây lo ngại cho các nước kém phát triển đối với các dự án cơ sở hạ tầng nói chung và các dự án thủy điện nói riêng do các nhà thầu Trung Quốc thực hiện là chất lượng các công trình này có thực sự đảm bảo an toàn khi xảy ra những hiện tượng thời tiết bất thường như mưa, lũ kéo dài.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành tại các khu vực Nam Mỹ, Nam Á, châu Phi, nhiều quốc gia đang phát triển trong các khu vực này lâm vào suy thoái kinh tế, thiếu hụt nghiêm trọng các nhu yếu phẩm, vật tư y tế để phòng chống dịch. Không ngoại trừ khả năng Trung Quốc sử dụng các công cụ ngoại giao kinh tế của mình để khởi động lại các dự án trong khuôn khổ BRI, trong đó có các dự án thủy điện ở các khu vực nêu trên. Khi mà đại dịch còn kéo dài, nhiều nước kém phát triển ngày càng khó khăn thì đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp năng lượng Trung Quốc đàm phán với nước sở tại về xây dựng các dự án thủy điện công suất lớn, kèm theo nhiều điều khoản ưu đãi hấp dẫn. Do đó, chiến lược đầu tư xây dựng các đập thủy điện ở nước ngoài của Trung Quốc sẽ tiếp tục được tăng cường trong thời gian tới.

Về dài hạn, không chỉ lĩnh vực thủy điện, việc mở rộng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo khác (điện gió, điện mặt trời) ở nước ngoài cũng được các doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm trong thời gian gần đây. Với tiềm lực là nhà sản xuất pin, linh kiện điện mặt trời lớn nhất thế giới, dường như chắc chắn Trung Quốc sẽ đẩy mạnh đầu tư, tham gia đấu thầu các dự án điện mặt trời tại các quốc gia đang phát triển giàu tiềm năng năng lượng mặt trời tại khu vực Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ, Nam Á và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, phía Trung Quốc mới đây cũng thông báo làm chủ hoàn toàn công nghệ điện gió. Điều này sẽ thúc đẩy Trung Quốc sớm trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực này.

Phạm TT