Tình hình Ukraine: "Nóng" vụ vỡ đập Kakhovka, Kiev đã bắt đầu phản công?

09:26 | 07/06/2023

|
Nga khẳng định vẫn kiểm soát ngoại ô Bakhmut, lãnh đạo Bucharest 9 nhấn mạnh cam kết về xung đột là một số tin tức mới nhất về tình hình Ukraine.
Tình hình Ukraine:
Vụ nổ tại đập Kakhovka (ảnh) đang là tâm điểm về tình hình Ukraine 24 giờ qua.

Ngày 6/6, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết Lực lượng Vũ trang Ukraine (VSU) đã triển khai phản công tại nhiều khu vực dọc theo chiến tuyến trong ba ngày qua.

Theo ông, Ukraine đã cố gắng tiến quân theo 7 hướng trong ngày 5/6, song đều bị lực lượng Nga đẩy lùi. Bộ trưởng Sergei Shoigu nêu rõ: “Tổng cộng... 71 lính Nga đã thiệt mạng, 210 người khác bị thương. 15 xe tăng, 9 xe chiến đấu bộ binh, 2 phương tiện và 9 khẩu súng bị phá hủy (trong cuộc phản công của Ukraine)”.

Bộ Quốc phòng Nga cũng khẳng định: “Quân đội Nga đã đẩy lùi cuộc tấn công của Lực lượng Vũ trang Ukraine. Cáo buộc từ các nguồn tin cá nhân về việc quân đội Nga từ bỏ Berkhivka là không đúng sự thật”.

Berkhivka nằm cách Bakhmut khoảng 3 km về phía Tây Bắc. Trước đó, ngày 24/2, người đứng đầu Tập đoàn quân sự tư nhân Wagner Yevgeny Prigozhin tuyên bố các lực lượng của ông đã kiểm soát vùng ngoại ô này. Tuy nhiên, vừa qua, chính nhân vật này lại cho rằng quân đội Nga đã từ bỏ một phần của khu vực nêu trên.

* Ngày 6/6, các nước tiếp tục lên tiếng về vụ vỡ đập Kakhovka, Ukraine khiến nhiều hộ gia đình phải sơ tán khẩn cấp.

Viết trên Telegram, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nêu rõ: “Vụ nổ đập không ảnh hưởng đến khả năng giành lại quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ của Ukraine”. Ông cho biết đã trao đổi với các chỉ huy quân sự hàng đầu và quân đội nước này vẫn đang ở tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao nhất.

Trong khi đó, bà Daria Zarivna, cố vấn truyền thông của Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, đã bày tỏ quan ngại về tác động tới môi trường của sự kiện này: “150 tấn dầu động cơ đã tràn xuống sông Dnipro do vụ nổ”.

Đáp lại, người phát ngôn Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov nói: “Chúng tôi đã có thể tuyên bố một cách dứt khoát (đây là) hành vi phá hoại có chủ ý của phía Ukraine. Một trong những mục đích của việc này là tước đoạt nguồn nước của Crimea”. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng cho rằng chính Ukraine phá hủy đập thủy điện Kakhovka là để chuyển một số đơn vị quân sự từ hướng Kherson sang khu vực phản công, đồng thời cáo buộc “chính quyền Kiev tiếp tục tấn công khủng bố”.

Về phần mình, một quan chức Mỹ cho hay nước này “vô cùng lo ngại” sau vụ vỡ con đập lớn hiện do Nga kiểm soát và Washington đang nỗ lực đánh giá tác động vụ việc.

Trong khi đó, phát biểu ngày 6/6 tại Ottawa, Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố vụ phá hoại đập thủy điện Kakhovka “là minh chứng nữa cho thấy hậu quả” của hành động quân sự của Nga tại Ukraine, tàn phá cuộc sống và sinh kế của người dân khu vực này.

Về phần mình, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres nhấn mạnh đây là một “thảm họa nhân đạo, kinh tế và sinh thái lớn. Ít nhất 16.000 người đã mất nhà cửa - nguồn cung cấp nước sạch và an toàn có nguy cơ ảnh hưởng đến hàng nghìn người khác”. Ông cho biết hiện tổ chức này đang phối hợp với Chính phủ Ukraine để gửi hỗ trợ bao gồm nước uống và dụng cụ lọc nước.

Ngoài ra, nhà lãnh đạo này cũng tuyên bố: “Các cuộc tấn công nhằm vào thường dân và cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng phải dừng lại. Chúng ta phải hành động để đảm bảo trách nhiệm giải trình và tôn trọng luật nhân đạo quốc tế”.

Cùng ngày, theo yêu cầu của cả Nga và Ukraine, Hội đồng Bảo an LHQ đã nhóm họp để thảo luận về vụ việc. Trong văn bản yêu cầu triệu tập, Kiev cáo buộc Moscow gây ra “hành động khủng bố về sinh thái và công nghệ. Ngược lại, Nga mô tả đây là “hành động phá hoại do Ukraine thực hiện”.

* Trong một tin liên quan, viết trên Telegram sau cuộc gặp Đức Hồng Y Matteo Zuppi - đặc phái viên hòa bình của Giáo hoàng Francis tại Kiev, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết: “Chúng tôi đã thảo luận về tình hình ở Ukraine và hoạt động phối hợp nhân đạo trong khuôn khổ công thức hòa bình của Ukraine... Chỉ có nỗ lực đoàn kết, sự cô lập ngoại giao và gây sức ép đối với Nga mới có thể tạo ra tác động, đem lại hòa bình công bằng cho Ukraine”.

* Cùng ngày, tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm Bucharest 9 (B9) diễn ra ngày 6/6 tại Bratislava của Slovakia, nguyên thủ quốc các quốc gia Trung và Đông Âu là Czech, Slovakia, Ba Lan, Hungary, Romania, Bulgaria, cùng 3 nước Baltic là Latvia, Lithuania và Estonia đã thảo luận về tình hình xung đột tại Ukraine.

Tuyên bố chung khẳng định "độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine là con đường duy nhất dẫn đến hòa binh” đồng thời chỉ trích Moscow, yêu cầu Nga “rút quân vô điều kiện khỏi lãnh thổ Ukraine”, kêu gọi tiếp tục các biện pháp trừng phạt về kinh tế đối với Nga và cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ toàn diện cho Ukraine.

Ngoài ra, các bên còn thảo luận về các vấn đề an ninh khác tại châu Âu, cụ thể tại Trung và Đông Âu, nhấn mạnh đến các mối đe dọa an ninh của tấn công hỗn hợp. B9 cũng kêu gọi tăng cường khả năng phòng thủ tại sườn phía Đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời ủng hộ nguyện vọng của Ukraine gia nhập tổ chức quân sự này.

Theo Baoquocte.vn

Ukraine làm gì khi thiếu khí đốt?

Ukraine làm gì khi thiếu khí đốt?

Công ty năng lượng quốc doanh Naftogaz của Ukraine, đang cố gắng đáp ứng nhu cầu của Ukraine bằng sản xuất trong nước, đã bắt đầu khoan một giếng khí đốt mới ở miền đông Ukraine, công ty cho biết hôm thứ Hai.