Sức hút khó cưỡng từ dầu giá rẻ của Nga

11:21 | 13/03/2024

|
(PetroTimes) - Hai năm kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng nổ và sau khi phương Tây áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt đối với Nga, một số quốc gia vẫn chọn duy trì quan hệ với Moscow, để có thể hưởng lợi từ dầu khí giá rẻ.
Sức hút khó cưỡng từ dầu giá rẻ của Nga

Sức hút của dầu giá rẻ

Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Mỹ, châu Âu và một số nước đã cắt giảm sự phụ thuộc vào các sản phẩm năng lượng của Nga, phát triển chuỗi cung ứng thay thế và tăng các nguồn khai thác dầu khí khác để đáp ứng nhu cầu. Phương Tây cũng từng bước áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ngành năng lượng Nga, nhằm gây tổn hại cho nền kinh tế nước này.

Doanh thu xuất khẩu năng lượng của Nga, bao gồm doanh thu từ than, dầu và khí đốt, đã giảm đáng kể trong 2 năm qua, từ mức trung bình trong 14 ngày là 65 triệu USD vào tháng 3-2022 xuống dưới 36 triệu USD vào tháng 7-2023. Doanh thu trung bình trong 14 ngày từ xuất khẩu của Nga sang Liên minh châu Âu (EU) giảm từ 826 triệu USD vào tháng 3-2022 xuống còn 75 triệu USD vào tháng 2-2024. Trong thời gian đó, kim ngạch nhập khẩu của Mỹ đã giảm từ 50 triệu USD xuống 0 USD. Những con số kể trên phần nào cho thấy tác động của các biện pháp trừng phạt đã được áp đặt đối với ngành năng lượng của Nga.

Khi một số quốc gia quyết định rời xa năng lượng của Nga thì những quốc gia khác lại xem đây là cơ hội để tăng cường nhập khẩu dầu và khí đốt giá rẻ từ Moscow. Trung Quốc đã tăng nhập khẩu trung bình trong 14 ngày từ 171 triệu USD vào tháng 3-2022 lên 267 triệu USD vào tháng 2-2024, trong khi Ấn Độ đã tăng từ 5,7 triệu USD lên 135 triệu USD.

Trung Quốc và Ấn Độ hiện là những nước nhập khẩu năng lượng lớn nhất của Nga. Cả hai nước này chủ yếu nhập khẩu dầu, tiếp theo là khí đốt và than đá. Thổ Nhĩ Kỳ cũng tăng cường nhập khẩu các sản phẩm năng lượng từ Nga.

Ngoài ra, dầu thô của Nga hiện chiếm khoảng 35% lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ. Quốc gia Nam Á đã bị chỉ trích vì tiếp tục mua năng lượng của Nga bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Dầu khí và Khí tự nhiên Ấn Độ Hardeep Singh Puri tin rằng, thế giới nên vui mừng vì họ mua dầu từ Nga thay vì từ các nguồn thay thế, chẳng hạn như Trung Đông - điều đang giúp giữ giá dầu quốc tế ở mức thấp. Còn Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nhiều lần khẳng định sẽ tiếp tục mua các sản phẩm năng lượng của Nga miễn là giá cả cạnh tranh.

Việc phương Tây đưa ra biện pháp trừng phạt đối với các sản phẩm năng lượng của Nga là nhằm làm giảm đáng kể nguồn thu từ dầu khí của Moscow. Tuy nhiên, khi Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục là những khách hàng hàng đầu của ngành năng lượng Nga, doanh thu vẫn ở mức cao.

Nga kiếm được 37 tỉ USD trong doanh số bán dầu thô cho Ấn Độ vào năm 2023, khi Ấn Độ tăng nhập khẩu dầu từ Nga lên 13 lần kể từ thời điểm xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Điều này gây lo ngại cho Mỹ, một đối tác chiến lược của Ấn Độ. Việc xuất khẩu dầu thô của Nga sang thị trường Ấn Độ cho tới nay là hoàn toàn hợp pháp và không chịu chi phối bởi bất kỳ lệnh trừng phạt nào. Giới quan sát cho rằng một lượng lớn dầu của Nga vẫn được tinh chế ở Ấn Độ và xuất khẩu sang Mỹ, đạt giá trị hơn 1 tỉ USD.

Trong khi đó, chi tiêu của Trung Quốc để nhập khẩu năng lượng từ Nga đạt gần 60 tỉ USD kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Trung Quốc đã nhập khẩu một loạt sản phẩm năng lượng của Nga với giá rẻ, khi Moscow tìm cách thiết lập các đối tác thương mại mới trước các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt do các nhà nhập khẩu hiện tại áp đặt. Trung Quốc đã được hưởng lợi từ việc nhập khẩu năng lượng chi phí thấp từ Nga, với việc giá dầu rẻ đã góp phần làm giảm hóa đơn năng lượng của Trung Quốc ước tính lên tới 18 tỉ USD.

Sức hút khó cưỡng từ dầu giá rẻ của Nga
Nguồn tài nguyên khổng lồ là “bộ đệm” vững chắc cho kinh tế Nga

Kinh tế Nga vẫn đứng vững

Với sức hút khó có thể chối từ của dầu giá rẻ, sau 2 năm diễn ra xung đột Ukraine, nền kinh tế Nga vẫn đứng vững trước các lệnh trừng phạt của phương Tây. Không những vậy, nền kinh tế Nga còn vượt xa kỳ vọng, đạt được mức tăng trưởng phục hồi và thể hiện sự bền bỉ. Kinh tế Nga chỉ suy giảm 2,1% vào năm 2022. Năm 2023, kinh tế Nga khiến thế giới phải chú ý khi tăng trưởng 3,6%, thương mại vẫn thặng dư, thâm hụt ngân sách đều trong phạm vi có thể kiểm soát.

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nhấn mạnh, điều rất quan trọng là động lực tăng trưởng đạt được dựa trên nội lực. Ưu tiên của Nga vẫn là tăng thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân Nga.

Trong báo cáo tháng 1 năm nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng đáng kể dự báo tăng trưởng của kinh tế Nga năm 2024 lên 2,6%, cao hơn mức 1,1% mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 10 năm ngoái. Con số này cũng cao hơn đáng kể so với dự báo của IMF đối với Anh (0,6%) và Liên minh châu Âu (0,9%).

Nguồn tài nguyên khổng lồ đang là “bộ đệm” vững chắc cho kinh tế Nga. Chris Weafer, cố vấn đầu tư từng làm việc tại Nga, cho rằng vấn đề này đã bị đánh giá thấp khi phương Tây thực thi các lệnh trừng phạt.

Dầu mỏ, khí đốt và các hàng hóa như uranium vẫn có tầm quan trọng lớn trên toàn cầu. Mỹ hiện vẫn phải mua uranium từ Nga với số lượng lớn.

Tháng 12-2022, Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cấm các hãng vận tải biển và hãng bảo hiểm cung cấp dịch vụ cho dầu Nga xuất khẩu nếu giá bán vượt 60 USD/thùng. Lệnh cấm tương tự được áp lên các sản phẩm dầu Nga từ tháng 2 năm ngoái. Thế nhưng, doanh số bán dầu vẫn ổn định như trước khi cuộc xung đột xảy ra.

Gần 1 năm qua, Nga vẫn bán được dầu với giá sát thị trường nhờ các nhà buôn tích cực gom tàu cũ và hàng loạt công ty mới gia nhập thị trường. Thực tế cho thấy, Nga đã đưa được dầu tới tay các khách hàng như Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan mà không cần tuân thủ trần giá.

Trong khi một số quốc gia trên thế giới đã định hình lại hoạt động thương mại năng lượng của mình để giảm sự phụ thuộc vào các sản phẩm năng lượng của Nga, thì các quốc gia khác lại tăng cường quan hệ với Moscow nhằm hưởng lợi từ mức giá năng lượng rẻ hơn.

Minh Quân