Nhu cầu về than trên thế giới có đang giảm?

16:39 | 07/05/2024

|
(PetroTimes) - Tuần trước, G7 đã quyết định loại bỏ dần các nhà máy điện đốt than vào năm 2035. Đây là lần đầu tiên các nước công nghiệp phát triển đặt ra một chương trình nghị sự chung liên quan đến năng lượng hóa thạch gây ô nhiễm nhất. Nhưng than vẫn còn tương lai phía trước: Châu Á vẫn nổi bật với nhu cầu than kỷ lục.
Nhu cầu về than trên thế giới có đang giảm?
Bốc dỡ than tại cảng Liên Vân Cảng, tỉnh miền đông Giang Tô, Trung Quốc, ngày 22/1/2024. Ảnh AFP - STR

Theo số liệu năm 2021 của Viện Phân tích Khí hậu, các nước G7 chiếm 21% lượng phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, điều quan trọng là quyết định được đưa ra vào tuần trước phải được xem xét kỹ lưỡng.

Theo một nghiên cứu của công ty tư vấn Global Sovereign Advisory, thị trường ngày nay chủ yếu được thúc đẩy bởi châu Á, nơi tiêu thụ hơn 80% lượng than của thế giới vào năm 2022. Một thị trường do Trung Quốc thống trị với 55%, tiếp theo là Ấn Độ với 13%.

Trung Quốc gần đạt mức tiêu thụ cao nhất

Tình trạng này có thể sớm thay đổi: Trung Quốc - quốc gia có mức tiêu thụ đã tăng gấp ba lần trong hai thập kỷ qua - sẽ gần đạt mức tiêu thụ cao nhất, với mục tiêu giảm có thể thành hiện thực sớm nhất là trong năm nay theo những kịch bản lạc quan nhất, đặc biệt nhờ vào năng lượng tái tạo tăng trưởng theo cấp số nhân trong khi nhu cầu của Ấn Độ - vốn cũng đã tăng gấp ba lần trong hai thập kỷ gần đây - vẫn giữ xu hướng tăng lên.

Theo báo cáo của BloombergNEF được Global Sovereign Advisory trích dẫn, sự phụ thuộc vào than ở Ấn Độ có thể sẽ kéo dài đến năm 2040, khá rõ ràng vì than là nguồn sản xuất điện chính ở New Delhi và nếu đột ngột ngừng sử dụng than có thể gây nguy hiểm cho tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Nhưng gã khổng lồ Ấn Độ sẽ không đơn độc trong việc thúc đẩy nhu cầu châu Á trong những năm tới. Indonesia được kỳ vọng sẽ sớm vượt Nhật Bản để trở thành nhà tiêu thụ than lớn thứ 4 thế giới. Nhu cầu của nước này được thúc đẩy bởi việc sản xuất niken, được sử dụng trong pin: Ngành công nghiệp này cần một lượng lớn than cho quá trình hóa học sản xuất kim loại, cũng như ở dạng điện.

Các nước ASEAN khác cũng đang có nhu cầu ngày càng tăng, bao gồm Việt Nam, Philippines và Malaysia.

Giá than châu Á cao hơn châu Âu

Trong việc tái cấu trúc nhu cầu châu Á sắp tới, thật khó để dự đoán sự cân bằng giữa cung và cầu vào ngày mai, cũng như mức giá sẽ như thế nào. Công bố vào tháng 1/2024, báo cáo Cyclops về nguyên liệu thô đã chỉ ra giá than giảm do nhu cầu ở châu Âu giảm, nhưng mức giá sẽ vẫn cao ở châu Á.

Vì sao ngành than châu Á vẫn sẽ tồn tại lâu dài bất chấp quá trình chuyển đổi năng lượng?Vì sao ngành than châu Á vẫn sẽ tồn tại lâu dài bất chấp quá trình chuyển đổi năng lượng?
Trung Quốc: Liệu nhu cầu than có sắp đạt đỉnh khi năng lượng sạch phát triển?Trung Quốc: Liệu nhu cầu than có sắp đạt đỉnh khi năng lượng sạch phát triển?
Giá LNG giảm xuống mức thấp nhất trong gần ba năm, khiến thị trường giao ngay châu Á sôi độngGiá LNG giảm xuống mức thấp nhất trong gần ba năm, khiến thị trường giao ngay châu Á sôi động

Nh.Thạch

AFP