Thị trường dầu mỏ

“Nín thở” chờ OPEC

07:00 | 16/06/2018

|
(PetroTimes) - Các nhà đầu tư dầu mỏ đang “nín thở” chờ quyết định của OPEC trong cuộc họp ngày 22-6 tới, khiến thị trường dầu mỏ trong mấy tuần qua gần như bị “đóng băng”.

Giá dầu thế giới sáng 11-6 tiếp tục phản ánh thái độ thận trọng của giới đầu tư. Vào khoảng 4h00 GMT ngày 11-6, dầu ngọt nhẹ WTI giao tháng 7-2018 tại thị trường chứng khoán New York (Nymex) giảm 7 cents xuống còn 65,67USD/thùng, trong khi dầu Brent Biển Bắc giao tháng 8-2018 tăng 3 cents lên mức 76,49USD/thùng.

nin tho cho opec
Thị trường dầu mỏ thế giới đang “nín thở” chờ quyết định của OPEC

Những mức tăng giảm không đáng kể đó cho thấy các nhà đầu tư đang chờ xem liệu Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác có khả năng sẽ tăng sản lượng để bù đắp cho nguồn cung đang và sắp bị thiếu hụt từ Iran và Venezuela hay không.

Sự lo lắng đó hoàn toàn có cơ sở. OPEC và 10 đối tác, trong đó có Nga, đã cùng quyết định vào cuối năm 2016 hạn chế sản xuất để đẩy giá dầu tăng. Thỏa thuận này kéo dài đến cuối năm 2018. Nhưng giá dầu đã tăng rất nhiều trong thời gian gần đây, từ 30USD lên gần 70USD/thùng. Trong khi chờ OPEC và các đối tác họp tại Vienna vào ngày 22-6, Nga và Arập Xêút gần đây đã cho thấy khả năng gia tăng sản xuất trong nửa cuối năm 2018.

Tại diễn đàn kinh tế ở St.Petersburg, Nga, hạ tuần tháng 5, Bộ trưởng Năng lượng Arập Xêút Khaled al-Faleh nói: “Việc đưa dầu trở lại thị trường sẽ phải được thực hiện một cách chậm rãi. Việc nới lỏng thỏa thuận hạn chế sản lượng của OPEC và các đối tác có thể sẽ xảy ra trong nửa cuối năm nay”. Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cũng thừa nhận: “Nếu chúng ta thống nhất là cần thiết phải tăng sản lượng dầu thì điều đó cũng chỉ được thực hiện từ quý III năm nay”.

Đúng là tình hình sản xuất dầu tại Venezuela đang gặp vấn đề do khủng hoảng chính trị và kinh tế cũng như do các biện pháp cấm vận của Mỹ. Theo các thông tin được báo chí quốc tế công bố hồi đầu tháng 6 này, Venezuela rất có thể sẽ không thể đáp ứng nhu cầu của nhiều khách hàng trong tháng 6. Các chuyên gia nhận định: Ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela đang đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng. Có vẻ như đất nước này không còn khả năng thanh toán nợ bằng dầu thô nữa.

Tuy nhiên, hiện tại nguồn cung dầu không thiếu hụt nhiều lắm. Vì thực chất nếu nguồn dầu từ Venezuela giảm thì đã được bù đắp bằng sự gia tăng nguồn dầu của Mỹ. Theo tin từ Baker Hughes ngày 11-6, số lượng giếng dầu hoạt động của Mỹ trong tuần trước đã tăng lên 862 giếng, mức cao nhất kể từ năm 2015.

Như vậy, điều mà các nhà đầu tư lo ngại chính là khả năng nguồn cung từ Iran bị ngưng trệ do các biện pháp tái trừng phạt của Mỹ. Nhưng điều này chỉ diễn ra vào tháng 8 tới, tức thời điểm Mỹ chính thức áp lệnh trừng phạt với Iran. Hiện tại, sản lượng dầu xuất khẩu của Iran vẫn ở mức cao. Trong tháng 5-2018, lượng xuất khẩu dầu của Iran đã đạt 2,7 triệu thùng/ngày, theo báo cáo ngày 4-6 của Bộ Năng lượng Iran.

Theo giới quan sát, đó là mức cao kỷ lục mới kể từ sau khi các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Tehran được gỡ bỏ vào năm 2016, đồng thời đó cũng là câu trả lời nhằm đáp trả những đe dọa trừng phạt mới của Mỹ. Theo báo cáo chi tiết, Iran đã xuất khẩu 2,4 triệu thùng dầu và 300 nghìn thùng khí ngưng tụ mỗi ngày trong tháng 5. Trước đó, trong tháng 4, xuất khẩu dầu của Iran cũng đã đạt đến 2,6 triệu thùng/ngày.

Theo Công ty Dầu khí Petro-Logistics của Geneva, người mua dầu Iran không có lý do gì để khiến Iran, nhà sản xuất lớn thứ 3 của OPEC, phải giảm sản lượng. Phần lớn lượng dầu xuất khẩu từ Iran, ít nhất 1,8 triệu thùng/ngày, dành cho các khách hàng châu Á. Phần còn lại chủ yếu dành cho thị trường châu Âu, được các nhà phân tích, các thương nhân đánh giá rất dễ bị tổn thương trước các lệnh trừng phạt của Mỹ. Đầu tuần trước, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran B.Zangane đã bày tỏ hy vọng rằng, một thỏa thuận về mua bán dầu với châu Âu sẽ truyền cảm hứng cho những khách hàng tiềm năng khác của dầu Iran.

Dự đoán về kết quả cuộc họp của OPEC vào ngày 22-6 tới, Simon Derrick, nhà phân tịch thuộc BNY Mellon, cho rằng Arập Xêút có thể sẽ chọn phương án tăng sản lượng với hai mục đích. Thứ nhất là ổn định thị trường vì khả năng Mỹ áp đặt lệnh cấm vận Iran dường như là không thể đảo ngược và thứ hai là Ryad muốn làm “hài lòng” đồng minh Mỹ. Sự thiếu hụt nguồn cung dầu từ Iran sẽ khiến giá “vàng đen” tăng cao, thậm chí có thể lên đến 140USD/thùng như dự báo của đại diện của Iran tại OPEC, ông Hossein Kazempour Ardebili. Điều này sẽ tác động xấu tới lá phiếu của cử tri với đảng của Tổng thống Trump trong cuộc bầu cử lập pháp ở Mỹ vào tháng 11 tới. Theo ông Ardebili, Chính phủ Mỹ gần đây đã “kín đáo” đề nghị Arập Xêút và một số thành viên OPEC tăng sản lượng dầu lên thêm khoảng 1 triệu thùng/ngày để giá dầu không tăng cao. Đề nghị này được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công khai chỉ trích chính sách của OPEC về việc cắt giảm sản lượng dầu khai thác để đẩy giá dầu thế giới tăng cao.

Ngày 8-6, Iran đã lên tiếng chỉ trích đề nghị này của Mỹ. Ông Hossein Kazempour Ardebili nêu rõ: “Thật đáng ngạc nhiên khi thấy Washington lệnh cho Arập Xêút phải hành động và thay thế cho sự thiếu hụt dầu liên quan tới xuất khẩu dầu của Iran do những biện pháp trừng phạt phi pháp của họ nhằm vào Iran và Venezuela”. Quan chức Iran khẳng định, OPEC sẽ không để ý tới đề nghị của phía Mỹ, đồng thời nhấn mạnh rằng, những biện pháp trừng phạt của Washington đối với Iran và Venezuela sẽ dẫn tới việc giá dầu leo thang.

Trước đó, vào ngày 30-5, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh đã đề nghị OPEC ủng hộ Iran trước những lệnh trừng phạt của Mỹ. Trong bức thư gửi OPEC, Bộ trưởng Zanganeh bày tỏ mong muốn tìm kiếm sự ủng hộ của OPEC căn cứ theo Điều 2 của Quy chế OPEC, vốn nhấn mạnh việc bảo vệ những lợi ích của các nước thành viên một cách riêng lẻ cũng như theo cơ chế tập thể. Ông Zanganeh cho biết, nếu giải quyết được mối đe dọa từ các lệnh trừng phạt mới của Mỹ, Iran có quyền trở lại thị phần dầu mỏ của mình trong thời gian sớm nhất có thể, nối lại mức sản xuất dầu mỏ bình thường.

Một thành viên khác của OPEC cũng đang ủng hộ quan điểm của Iran. Bộ trưởng Năng lượng Iraq hôm 7-6 khẳng định, OPEC chưa có ý định xem xét gia tăng sản lượng. “OPEC có thể tăng sản lượng để bù đắp những nguồn cung thiếu hụt từ Venezuela mà không làm ảnh hưởng tới mục tiêu giới hạn tổng sản lượng nói chung của thế giới”, Olivier Jakob, chuyên gia phân tích tại Petromatrix, cho biết. Theo ông, Arập Xêút sẽ không tăng mạnh sản lượng của mình vì muốn bảo đảm giá dầu cao để chuẩn bị cho vụ IPO của Saudi Aramco, được lên kế hoạch trong năm 2019. Điều này cũng đúng với tuyên bố của Bộ trưởng Năng lượng Arập Xêút Khaled al-Faleh đưa ra tại diễn đàn kinh tế ở St.Petersburg, Nga.

Tuy nhiên, căn cứ trên những nguy cơ địa chính trị hiện nay và những khả năng rối loạn trong sản xuất, các chuyên gia của JPMorgan cho rằng, giá dầu rât có thể sẽ giảm từ nay đến cuối năm vì có thể hàng loạt quốc gia và tổ chức như OPEC, Mỹ, Nga, Brazil, Canada và Kazakhstan sẽ tăng sản lượng dầu, mặc dù ít và chậm nhưng từng đó đã dư để bù phần dầu thiếu hụt của Iran.

Phần lớn lượng dầu xuất khẩu từ Iran, ít nhất 1,8 triệu thùng/ngày, dành cho các khách hàng châu Á. Phần còn lại chủ yếu dành cho thị trường châu Âu, được các nhà phân tích, các thương nhân đánh giá rất dễ bị tổn thương trước các lệnh trừng phạt của Mỹ.

S.P