Năng lượng gió vượt than trở thành nguồn cung cấp điện lớn nhất của Đức
Ảnh: Greentech |
Các nhà cung cấp điện đã cắt giảm đáng kể tổng sản lượng điện từ nhiên liệu hóa thạch trong năm nay. Tuy nhiên, mức giảm này không được bù đắp bằng mức tăng tương tự trong sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo, cho thấy nhu cầu điện yếu là nguyên nhân khiến sản lượng điện tổng thể thấp hơn và giảm sản xuất nhiên liệu hóa thạch ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Theo dữ liệu LSEG được nhà báo Gavin Maguire của Reuters trích dẫn, các nhà sản xuất điện của Đức chứng kiến sản lượng điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch giảm 19% trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, sản lượng điện từ năng lượng tái tạo chỉ tăng 2,1%.
Việc cắt giảm nhiên liệu hóa thạch chủ yếu là do tổng sản lượng điện thấp hơn, giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái từ tháng 1 đến tháng 6/2024 trong bối cảnh nhu cầu điện thấp hơn cùng với hoạt động công nghiệp yếu kém.
Sự phục hồi trong hoạt động nói trên sẽ thúc đẩy nhu cầu điện ở Đức và các công ty điện lực của nước này có thể phải sử dụng nhiều phương pháp sản xuất bằng khí đốt tự nhiên hơn, bù đắp một số tiến bộ trong việc cung cấp năng lượng sạch cho lưới điện.
Năm ngoái, năng lượng gió đã vượt qua than để trở thành nguồn cung cấp điện lớn nhất của Đức, theo tổ chức tư vấn năng lượng sạch Ember.
Đức dựa vào nhiên liệu hóa thạch để sản xuất 46% điện năng vào năm ngoái, tuy nhiên, thị phần điện gió đã có bước tiến mạnh mẽ với 27,2%, trong khi than là 26,8%.
Báo cáo Đánh giá Điện lực châu Âu 2024 của Ember hồi đầu năm nay cho thấy kể từ năm 2015, việc Đức loại bỏ dần điện hạt nhân và nhiệt điện than chủ yếu được đáp ứng nhờ sản lượng gió và mặt trời cao hơn, cùng với nhập khẩu điện ròng và sản xuất điện bằng khí đốt.
Đức đã lắp đặt công suất điện cao kỷ lục từ năng lượng mặt trời và gió vào năm 2023, nhưng chỉ việc bổ sung năng lượng mặt trời mới đáp ứng được mục tiêu của chính phủ, trong khi việc lắp đặt năng lượng gió không đạt được mục tiêu. Công suất năng lượng mặt trời mới đang đi đúng hướng để đáp ứng các mục tiêu của chính phủ vào năm 2030.
Dữ liệu từ Hiệp hội Điện gió BWE cho thấy, vào cuối năm 2023, các cuộc đấu thầu năng lượng gió đã gia tăng, mang lại tổng công suất điện cao kỷ lục là 6,4 GW vào năm ngoái. Tuy vậy, những con số này là chưa đạt được mục tiêu hàng năm của Chính phủ Đức là 10 GW .
Trong khi tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng sản lượng điện của Đức đạt 53% vào năm 2023, tăng từ 44% vào năm 2022, quốc gia này cần đẩy nhanh việc lắp đặt công suất năng lượng mặt trời, gió để năng lượng tái tạo chiếm 80% sản lượng điện của mình vào 2030.
Lưới điện ngày càng xanh hơn và lượng khí thải từ ngành điện đang giảm, nhưng những phát triển này chủ yếu được thúc đẩy bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế yếu kém và ngành công nghiệp chậm chạp ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Chi phí năng lượng cao là nguyên nhân chính khiến hoạt động công nghiệp và sản xuất yếu kém ở Đức trong hai năm qua. Các ngành sử dụng nhiều năng lượng, đặc biệt là hóa chất và phân bón, bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Deutsche Bank Research cho biết hồi tháng 2 năm nay: "Không có lĩnh vực nào khác bị ảnh hưởng nặng nề hơn ngành công nghiệp hóa chất Đức. Tuy nhiên, sự suy giảm trong sản xuất công nghiệp của Đức vẫn chưa kết thúc".
Liên đoàn Công nghiệp Đức BDI, cũng không mấy lạc quan về triển vọng ngành công nghiệp trong thời gian tới.
Trong một báo cáo hồi tháng 5, BDI cho biết sản lượng sản xuất của Đức đã giảm hơn 7% trong quý IV/2023 so với cuối năm 2019, trước khi đại dịch bùng phát. BDI dự kiến sản xuất công nghiệp ở Đức sẽ tiếp tục đi xuống và giảm thêm 1,5% vào năm 2024 so với cùng kỳ năm trước. Trong hai năm trước đó, sản xuất công nghiệp giảm 0,5% mỗi năm.
"Ngành công nghiệp Đức gần như đã mất đi mức tăng trưởng sản xuất trong một thập kỷ", BDI nhấn mạnh.
Hiệu suất công nghiệp yếu kém này, một phần do chi phí năng lượng cao, đã góp phần làm giảm mức tiêu thụ điện của Đức. Khi hoạt động công nghiệp phục hồi, các nhà sản xuất điện của Đức có thể phải vận hành các nhà máy điện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch để đáp ứng nhu cầu.
Bình An
OP
- Eni hợp nhất các hoạt động năng lượng trong cấu trúc mới
- Ngành công nghiệp dầu khí của Anh đạt được mục tiêu phát thải sớm hơn dự kiến
- Châu Á - Thái Bình Dương vạch ra kế hoạch chuyển đổi số toàn diện
- Indonesia bán tín chỉ carbon lập quỹ xanh trị giá 65 tỷ USD
- Bản tin Năng lượng xanh: EU và cuộc chiến thương mại với xe điện Trung Quốc