Mỹ ép châu Âu mua dầu khí, nói dễ hơn làm?
![]() |
Bộ trưởng Năng lượng Hoa Kỳ Rick Perry và Ủy viên Năng lượng EU Miguel Arias Cañete phát biểu tại Diễn đàn năng lượng cấp cao giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp về LNG tại Brussels. Ảnh Thierry Monasse/Getty Images. |
Đề cập đến hoạt động thương mại hàng hóa, hôm thứ Hai 14/4 ông Trump đã bác bỏ đề xuất “thuế quan bằng 0” từ Brussels, đồng thời tuyên bố rằng Mỹ đang thâm hụt 350 tỷ USD trong cán cân thương mại với EU.
“Một trong những cách đơn giản và nhanh chóng để xóa bỏ khoản thâm hụt đó là họ sẽ phải mua năng lượng từ chúng ta, vì họ cần nó… Chúng ta có thể xóa sạch 350 tỷ USD chỉ trong một tuần”, Tổng thống Trump nói với các phóng viên tại Washington.
Vào tháng 12/2024, khi vẫn còn là ứng viên tranh cử, ông Trump đã cảnh báo trên mạng xã hội của mình về kế hoạch “áp thuế toàn diện” nếu Liên minh châu Âu không gia tăng nhập khẩu năng lượng từ Mỹ.
Theo Cục Phân tích Kinh tế của Chính phủ Mỹ, thâm hụt thương mại với EU trong năm 2024 là 235,6 tỷ USD, con số này có vẻ lớn hơn gấp bội so với quy mô thực tế mà thị trường châu Âu có thể dành cho khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ, hoặc bất kỳ loại khí đốt tự nhiên hóa lỏng nào khác.
Tổng giá trị toàn bộ năng lượng nhập khẩu vào châu Âu trong năm ngoái – bao gồm khí đốt qua đường ống, dầu mỏ, than đá và cả LNG – đạt 375,9 tỷ euro, theo số liệu từ cơ quan thống kê Eurostat của EU. Trong đó, LNG chỉ chiếm 41,4 tỷ euro và Mỹ đóng góp chưa tới một nửa con số này. Tổng khối lượng năng lượng nhập khẩu của EU cũng giảm 15% so với năm trước đó.
Song song đó, châu Âu cũng đang đẩy mạnh triển khai hạ tầng năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời, khiến nhu cầu đối với nhiên liệu hóa thạch có dấu hiệu giảm sút.
Một thực tế là Nga hiện vẫn chiếm 17,5% thị phần LNG nhập khẩu của EU, và mục tiêu của EU là chấm dứt hoàn toàn việc nhập khẩu năng lượng từ Nga trước năm 2027. Điều này đồng nghĩa rằng, trong ngắn hạn, vẫn còn dư địa để EU tăng nhập khẩu LNG từ Mỹ.
Tuy nhiên, các quan chức EU đã nhanh chóng “dội gáo nước lạnh” vào ý tưởng tăng nhập khẩu năng lượng Mỹ. “Chúng tôi không muốn phụ thuộc quá mức vào bất kỳ nhà cung cấp đơn lẻ nào”, một phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu tuyên bố ngay ngày hôm sau, khi ông Trump đưa ra lời đề nghị mập mờ mang tính “có đi có lại”. “Chúng tôi đã học rất kỹ bài học đó”.
Hơn nữa, quan chức EU cũng lưu ý rằng Ủy ban châu Âu không phải là một thực thể thị trường, và phạm vi hoạt động của họ bị giới hạn ở các biện pháp như rà soát lại thủ tục cấp phép cho hạ tầng LNG hoặc tìm cách tập hợp nhu cầu năng lượng. Về con số 350 tỷ USD mà Trump đưa ra, quan chức này cho biết: “Thật sự, thật sự rất khó để bình luận về một con số do phía Mỹ đơn phương nêu ra”.
Ủy viên năng lượng Dan Jørgensen cũng thể hiện thái độ khá lạnh nhạt trong cuộc phỏng vấn với Financial Times hôm thứ Năm (ngày 10 tháng 4). Ông thừa nhận EU “có tiềm năng” để mua thêm LNG từ Mỹ, nhưng điều đó chỉ có thể diễn ra “trên cơ sở các điều kiện phù hợp với quy định môi trường của châu Âu”.
Một văn bản pháp lý có liên quan chặt chẽ trong bối cảnh này là Quy định về khí metan, được thiết lập nhằm đặt ra các nghĩa vụ giám sát, báo cáo và xác minh lên cả các nhà xuất khẩu vào EU lẫn các nhà vận hành nội địa.
Quy định này cũng sẽ ngăn chặn các hợp đồng cung ứng nhiên liệu nếu lượng khí thải carbon phát sinh từ khâu khai thác vượt ngưỡng – hiện vẫn chưa được xác định – nhưng nhiều khả năng sẽ bao gồm cả khí đốt được khai thác bằng phương pháp nứt vỡ thuỷ lực, vốn là phương pháp chủ yếu trong khai thác khí đốt tại Mỹ.
Kể từ khi ông Trump phát động cuộc chiến thuế quan toàn cầu, các quan chức EU đã nhiều lần nhấn mạnh rằng các tiêu chuẩn môi trường và an toàn thực phẩm của châu Âu không phải là chủ đề có thể đem ra mặc cả.
Tuy nhiên, theo chia sẻ từ một phát ngôn viên với Euronews, các quan chức năng lượng EU vẫn đang duy trì “đối thoại liên tục” ở “cấp độ kỹ thuật” với các đối tác Mỹ liên quan đến quy định về khí metan. “Rõ ràng đã có các cuộc thảo luận về những tác động mà quy định này có thể mang lại, nhưng đây không phải là vấn đề đặc biệt nổi bật trong bối cảnh hiện tại”.
Song song đó, kế hoạch chấm dứt nhập khẩu năng lượng từ Nga – vốn đã được hứa hẹn từ lâu – vẫn chưa có kết quả, dù hạn chót công bố là cuối tháng Ba. Trong cuộc phỏng vấn với Financial Times, ông Jørgensen thừa nhận rằng EU đã chi nhiều tiền hơn cho năng lượng Nga kể từ năm 2022 so với tổng viện trợ dành cho Ukraine.
Tuy nhiên, theo chương trình nghị sự sơ bộ mới nhất của Ủy ban châu Âu, cơ quan này dường như không có ý định công bố kế hoạch trước mùa hè, đồng nghĩa với việc EU – trong kịch bản khả quan nhất – sẽ chỉ còn lại hơn hai năm để thực hiện lộ trình rút lui hoàn toàn. “Chúng tôi, đang theo dõi sát sao các diễn biến trong khi xây dựng kế hoạch, để đảm bảo rằng kế hoạch đó sẽ phù hợp với mục tiêu đề ra”, quan chức này cho biết.
![]() |
![]() |
![]() |
Anh Thư
AFP