Vì sao Séc chưa muốn cắt phụ thuộc vào dầu khí Nga?
![]() |
Tàu chở dầu thô Pink Stars được neo đậu tại Yuzhnaya Ozereevka gần cảng Biển Đen. Ảnh do Liên đoàn đường ống Caspian (CPC) cung cấp |
Lợi ích là trên hết
Mặc dù điều kiện để chuyển đổi đã sẵn sàng, nhưng quốc gia Đông Âu này vẫn chậm trễ trong việc thực hiện bước đi mang tính chiến lược.
Theo Center for the Study of Democracy, trong năm 2024, Séc đã nhập khẩu khoảng 2,7 triệu tấn dầu thô từ Nga, trị giá gần 1,5 tỷ euro (tương đương 1,6 tỷ USD). Dù con số này giảm 30% so với năm 2023, nguyên nhân chủ yếu không phải do nước này chủ động cắt giảm nhập khẩu, mà là do ba lần gián đoạn lớn xảy ra trên tuyến đường ống Druzhba – tuyến vận chuyển dầu chính từ Nga sang châu Âu.
Trên lý thuyết, việc mở rộng tuyến đường ống Trans-Alpine (TAL) – dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024 – đã đủ để Séc hoàn toàn ngừng phụ thuộc vào dầu Nga. Thế nhưng, hai đơn vị chủ chốt gồm MERO ČR (công ty nhà nước vận hành hệ thống đường ống) và Orlen Unipetrol (nhà máy lọc dầu lớn nhất quốc gia) vẫn chưa tận dụng triệt để nguồn cung mới này. Kết quả là mỗi tháng, Séc vẫn đang chuyển hơn 100 triệu euro về Nga để mua dầu.
Điều đáng nói là sự trì hoãn này không đến từ khó khăn kỹ thuật. Trước cả khi dự án TAL-plus được hoàn tất và cấp phép chính thức, chính MERO ČR đã tuyên bố rằng công suất dự phòng hiện có của tuyến đường ống đã đủ để đảm bảo toàn bộ nhu cầu dầu thô của quốc gia.
Hiện tại, Séc đang sở hữu kho dự trữ chiến lược lên tới 3,6 triệu tấn dầu thô – đủ để đáp ứng gần một nửa nhu cầu tiêu thụ hàng năm của cả nước. Tuy nhiên, điều bất ngờ là lượng dầu Nga nhập khẩu lại tăng mạnh trong quý IV/2024, đạt tới 970.000 tấn – mức cao nhất theo quý kể từ khi lệnh cấm vận dầu của EU có hiệu lực vào năm 2022. Xu hướng này vẫn tiếp diễn trong năm 2025, với thêm 220.000 tấn dầu Nga được nhập khẩu chỉ trong vài tháng đầu năm.
Lý do mà Orlen Unipetrol đưa ra là các hợp đồng dài hạn với tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga vẫn còn hiệu lực đến giữa năm 2025. Điều đó khiến họ không thể ngay lập tức dừng mua dầu từ Nga. Tuy nhiên, lời giải thích này gây nhiều tranh cãi. Một phần vì điều khoản “take-or-pay” (cam kết mua đủ số lượng trong hợp đồng, nếu không vẫn phải trả tiền) mà họ viện dẫn, lại rất hiếm gặp trong ngành dầu mỏ – vốn nổi tiếng linh hoạt về nguồn cung.
Trên thực tế, việc Orlen chưa muốn ngừng nhập dầu Nga có thể xuất phát từ lý do tài chính. Trong hai năm 2023–2024, giá dầu Nga trung bình rẻ hơn khoảng 20% so với dầu Azeri của Azerbaijan. Dù vậy, giá xăng dầu bán lẻ trong nước lại không thay đổi đáng kể: Giá xăng khoảng 1.500 euro/tấn và dầu diesel là 1.360 euro/tấn. Điều này giúp Orlen Unipetrol hưởng lợi lớn từ chênh lệch giá đầu vào, với lợi nhuận EBITDA hằng năm vượt 600 triệu euro trong giai đoạn nhập khẩu dầu Nga cao điểm.
Sắp tới, giá dầu Nga thậm chí có thể còn giảm sâu hơn nữa, khi Mỹ áp dụng thêm thuế nhập khẩu, có thể kéo theo nhu cầu toàn cầu đi xuống. Để duy trì xuất khẩu, Nga nhiều khả năng sẽ buộc phải hạ giá bán mạnh hơn.
Hệ lụy
Việc Séc chậm chạp trong việc chấm dứt nhập khẩu dầu Nga đã kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng về địa chính trị. Kể từ khi xung đột tại Ukraine bùng nổ, riêng tiền thuế từ dầu mỏ mà Séc nhập khẩu đã góp gần 3 tỷ euro vào ngân sách Nga. Tổng cộng, nước này đã chi tới 8,4 tỷ euro cho dầu khí Nga từ tháng 2/2022 – gấp 6 lần so với khoản viện trợ 1,32 tỷ euro mà nước này gửi cho Ukraine.
Không chỉ vậy, Séc vẫn tiếp tục nhập khẩu nhiên liệu tinh chế từ Slovakia và Hungary – hai quốc gia được EU cho phép tạm thời tiếp tục sử dụng dầu Nga đến tháng 6/2025. Trong năm 2024, Slovakia xuất khẩu sang Séc khoảng 710.000 tấn nhiên liệu, trị giá 520 triệu euro, dù nước này hoàn toàn có thể mua từ các nguồn khác. Chẳng hạn, Đức cũng cung cấp xăng và dầu diesel với giá chỉ nhỉnh hơn khoảng 6–7%.
Tình hình nhập khẩu khí đốt cũng không mấy khác biệt. Trước khả năng Ukraine ngừng trung chuyển khí đốt Nga từ đầu năm 2025, Séc lại tăng cường mua khí Nga – lượng nhập khẩu trong năm 2024 tăng gần 400% so với năm trước. Riêng trong quý IV/2024, mỗi tháng nước này nhập 0,34 tỷ mét khối khí – cao hơn tới 62% so với mức trung bình các quý còn lại.
Những con số này cho thấy: Séc hoàn toàn có thể tự quyết định ngừng nhập dầu thô Nga, dừng mua nhiên liệu chế biến từ dầu Nga tại Slovakia và Hungary, và tận dụng nguồn cung thay thế qua đường ống TAL cùng với kho dự trữ nội địa.
Trên thực tế, Bulgaria đã chứng minh điều đó là khả thi. Nước này chủ động kết thúc lệnh miễn trừ dầu Nga vào đầu năm 2024 bằng cách viện dẫn điều khoản bất khả kháng, và chỉ sau một đêm, đã ngừng hoàn toàn nhập dầu Nga. Kết quả: Không xảy ra khủng hoảng năng lượng, giá nhiên liệu trong nước vẫn ổn định – dù trước đó Bulgaria phụ thuộc tới 90% vào dầu Nga trong năm 2023.
Rõ ràng, Séc có đủ điều kiện để hành động phù hợp với mục tiêu an ninh năng lượng chung của châu Âu, mà không phải đánh đổi bằng thiệt hại kinh tế. Nếu tiếp tục chần chừ, Chính phủ Séc sẽ ngày càng khó giải thích vì sao họ vẫn chưa quyết đoán hành động.
![]() |
![]() |
![]() |
Nh.Thạch
AFP