Đầu tư toàn cầu vào thăm dò dầu khí giảm lần đầu tiên trong 5 năm qua
![]() |
Các doanh nghiệp dầu khí có thể sẽ cắt giảm ngân sách dành cho thăm dò và khai thác trong năm 2025, do ảnh hưởng của căng thẳng địa chính trị và xu hướng thắt chặt tài chính. Hình minh họa |
Hoạt động đầu tư toàn cầu vào thăm dò và khai thác dầu khí có thể giảm ngay trong năm nay - lần đầu tiên kể từ năm 2020. Nguyên nhân chính là do tình hình quốc tế bất ổn và tâm lý e dè của doanh nghiệp trước những biến động khó lường của nền kinh tế.
Dự báo từ JP Morgan cho thấy, tổng chi tiêu ngành dầu khí năm nay có thể giảm 1,1%, từ gần 549 tỷ USD xuống còn 543 tỷ USD. Mức giảm này cho thấy các công ty đang cố gắng giữ cân đối tài chính khi giá dầu không ổn định.
Doanh nghiệp Mỹ dè dặt hơn
Tại Mỹ, các doanh nghiệp - đặc biệt là các công ty khai thác dầu đá phiến - được dự báo sẽ giảm chi tiêu khoảng 1,9%. Dù vậy, họ vẫn đẩy mạnh các chiến lược phòng ngừa rủi ro giá dầu thông qua các hợp đồng bảo hiểm giá. Ước tính đã có khoảng 250 triệu thùng dầu, phần lớn sản lượng từ cuối 2025 đến đầu 2027, được bảo đảm thông qua các hợp đồng này. Nhờ đó, sản lượng dầu thô và condensate của Mỹ vẫn có thể tăng nhẹ, khoảng 253.000 thùng/ngày trong năm 2025, theo JP Morgan.
Môi trường chính sách tại Mỹ cũng ảnh hưởng mạnh đến quyết định đầu tư. Theo khảo sát quý mới nhất của Ngân hàng Dự trữ Liên bang chi nhánh Dallas (Dallas Fed), các lãnh đạo ngành dầu khí ngày càng lo ngại về sự thiếu ổn định trong các quy định pháp lý. Chỉ số hoạt động chung của ngành đã giảm từ +3,8 xuống còn -8,1 trong quý gần đây. Chỉ số kỳ vọng cũng sụt xuống -6,4, cho thấy tâm lý bi quan vẫn chiếm ưu thế.
Châu Á và Mỹ Latinh cắt giảm mạnh nhất
Trong bức tranh toàn cầu, khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự báo sẽ giảm đầu tư mạnh nhất, khoảng 5%. Ở Trung Quốc, hai tập đoàn nhà nước lớn là PetroChina và Sinopec đã công bố kế hoạch cắt giảm ngân sách thăm dò và khai thác dầu khí trong năm 2025. Tình hình tương tự cũng diễn ra tại Mỹ Latinh: Pemex của Mexico đang đối mặt với khủng hoảng nợ, trong khi Ecopetrol của Colombia cũng thông báo sẽ cắt giảm đáng kể chi phí vận hành.
Sản lượng vẫn tăng dù thắt lưng buộc bụng
Dù đầu tư bị siết lại, JP Morgan vẫn dự báo sản lượng dầu toàn cầu sẽ tăng thêm khoảng 2,3 triệu thùng/ngày trong năm 2025. Lý do là hiệu quả vận hành đã được cải thiện rõ rệt và chi phí khai thác cũng giảm đáng kể trong vài năm gần đây. Điều này cho thấy các công ty đang chuyển hướng ưu tiên sang hiệu quả và năng suất, thay vì chỉ dựa vào đầu tư lớn - mở ra câu hỏi chiến lược về cách cân bằng giữa sự thận trọng tài chính và hiệu quả lâu dài trong ngành dầu khí.
Nh.Thạch
AFP