Mỹ đối mặt “bài toán điện” giữa cơn sốt AI và tham vọng thống trị năng lượng
![]() |
Nước Mỹ đang đối mặt bài toán cấp bách: Phải nhanh chóng tăng sản lượng điện từ mọi nguồn, nếu không sẽ tụt hậu trong cuộc đua công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI). Hình minh họa |
Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố sẽ đưa Mỹ đạt “sự thống trị năng lượng”, đã ký các sắc lệnh khuyến khích phát triển nhà máy điện khí và điện hạt nhân. Tuy nhiên, các dự án này hiện vẫn trì trệ, do thủ tục cấp phép phức tạp và đứt gãy chuỗi cung ứng - ít nhất vài năm nữa mới có thể vận hành.
Trong khi đó, chính dự luật mà ông Trump gọi là “One Big Beautiful Bill”, vừa được Quốc hội thông qua hôm 3/7 với tỷ lệ sít sao (218 phiếu thuận - 214 chống), lại đang cản trở các giải pháp nhanh và hiệu quả hơn như điện mặt trời, điện gió và hệ thống pin lưu trữ. Dự luật cho phép xóa bỏ nhanh các khoản tín dụng thuế cho năng lượng sạch - vốn là công cụ chủ lực giúp mở rộng nguồn điện sạch, để phục vụ nhu cầu điện tăng vọt từ ngành công nghệ.
Đảng Cộng hòa muốn cắt hỗ trợ cho năng lượng tái tạo để ưu tiên phát triển nhiên liệu hóa thạch. Quan điểm này phản ánh rõ lập trường của ông Trump - người nhiều lần chỉ trích điện gió và mặt trời là không ổn định, dù thực tế công nghệ lưu trữ bằng pin đã giải quyết phần lớn vấn đề đó. Đồng thời, việc loại bỏ tín dụng thuế cũng là cách giảm chi tiêu liên bang trong các phần khác của dự luật.
Các nhà lãnh đạo ngành năng lượng sạch phản đối gay gắt. Bà Abigail Ross Hopper - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Năng lượng Mặt trời Mỹ - cảnh báo: “Dự luật sẽ làm hóa đơn điện tăng, khiến các nhà máy sạch phải đóng cửa, hàng ngàn công nhân mất việc và làm hệ thống điện yếu đi”.
Ở chiều ngược lại, các nhóm vận động cho nhiên liệu hóa thạch lại ủng hộ dự luật. Trong năm qua, ngành dầu khí đã rót nhiều tiền tài trợ cho ông Trump và Đảng Cộng hòa. Bà Melissa Simpson, Chủ tịch Liên minh Năng lượng Phía Tây, gọi đây là “dự luật mang tính bước ngoặt”, giúp giải phóng nguồn năng lượng cần thiết. Bà đặc biệt hoan nghênh các điều khoản đẩy mạnh khai thác dầu khí trên đất công, và chấm dứt các loại “thuế môi trường quá mức” đánh vào khí đốt.
“Thống trị năng lượng” hay “năng lượng dồi dào”?
Dự luật mới vừa được thông qua đã nhanh chóng loại bỏ các khoản tín dụng thuế cho tất cả các dự án năng lượng sạch, nếu không đi vào hoạt động trước cuối năm 2027 - trừ những dự án đã khởi công trước tháng 6/2026. Trong khi đó, phiên bản ban đầu của Thượng viện nhẹ tay hơn, chỉ yêu cầu dự án khởi công trước cuối năm 2027. Nghe thì có vẻ không khác biệt nhiều, nhưng thực tế lại tạo ra áp lực lớn đối với các nhà đầu tư đang chạy đua triển khai dự án.
Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp năng lượng sạch, hay giới bảo vệ môi trường. Nó còn có thể làm chậm đáng kể kế hoạch mở rộng nhanh sản lượng điện - điều mà nước Mỹ đang rất cần lúc này. Nói một cách dễ hiểu: Ít điện hơn đồng nghĩa với khó đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ các ngành công nghệ, khai thác và dân số - dẫn tới hóa đơn tiền điện cao hơn, thậm chí có nguy cơ thiếu điện, cắt điện luân phiên.
“Dự luật này không chỉ gây áp lực lên các gia đình, mà còn làm suy yếu cả quốc gia”, ông Ari Matusiak, Giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận Rewiring America, nhận định.
“Chúng ta cần điện rẻ và dồi dào để cạnh tranh toàn cầu. Nếu không, nước Mỹ sẽ tụt lại phía sau, yếu đi và khó theo kịp một thế giới đang thay đổi quá nhanh”, ông nói thêm.
Theo Bộ Năng lượng Mỹ, năng lượng tái tạo chiếm gần 90% công suất phát điện mới được lắp đặt ở Mỹ trong năm ngoái. Việc rút ngắn thời hạn đưa dự án vào hoạt động trước năm 2027 có thể khiến tổng số dự án năng lượng sạch tại Mỹ trong 10 năm tới giảm khoảng 20%, theo dự báo của S&P Global Commodity Insights.
“Đó là con số rất lớn. Không phải 20% của một phần nhỏ, mà là 20% của phần lớn các dự án mới dự kiến triển khai”, ông Roman Kramarchuk, người đứng đầu bộ phận phân tích thị trường và chính sách khí hậu của S&P Global, nhận xét. “Rất khó khăn”, ông nói thêm. “Và hậu quả là giá điện sẽ tăng”.
Thay vì theo đuổi mục tiêu “thống trị năng lượng”, ngày càng nhiều ý kiến từ giới công nghệ, ngành điện và các chính trị gia kêu gọi một cách tiếp cận thực tế hơn: Hướng tới “năng lượng dồi dào” - nghĩa là tận dụng mọi nguồn điện sẵn có để nhanh chóng mở rộng công suất và kéo giá xuống. Tuy vậy, cả hai Đảng lớn ở Mỹ vẫn bị ràng buộc bởi lập trường riêng: Đảng Cộng hòa thường phản đối năng lượng tái tạo, còn Đảng Dân chủ lại chống nhiên liệu hóa thạch.
Điều này diễn ra dù nhiều tổ chức, trong đó có Viện Điện lực Edison (EEI) - đại diện cho các công ty điện tư nhân trên toàn nước Mỹ - đã liên tục lên tiếng. “Ngành điện của chúng ta đang bước vào một giai đoạn chưa từng có; chưa khi nào nhu cầu điện lại tăng mạnh đến vậy kể từ thời điều hòa nhiệt độ ra đời”, ông Calvin Butler, Chủ tịch EEI kiêm CEO của Exelon, nói với tạp chí Fortune. “Chúng ta buộc phải xây thêm nguồn điện mới. Và điều đó cần một cách tiếp cận toàn diện - gồm điện hạt nhân, khí đốt, gió, mặt trời, và cả công nghệ lưu trữ bằng pin”, ông nói.
Ông Butler cho biết sẽ ủng hộ dự luật, nếu nó cho phép các dự án năng lượng sạch được khởi công đến hết năm 2027, dù vẫn mong thời hạn được nới thêm. “Chúng tôi tin rằng các khoản tín dụng thuế là yếu tố cực kỳ quan trọng. Không thể đạt được mục tiêu ‘thống trị năng lượng’, nếu không có năng lượng tái tạo trong tổng thể giải pháp”, ông nói.
Vì sao Mỹ cần nhiều điện đến vậy?
Sau nhiều thập kỷ gần như không tăng, nhu cầu sử dụng điện tại Mỹ đang được dự báo sẽ bùng nổ: Tăng 25% từ năm 2023 đến 2035 và khoảng 60% vào năm 2050, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Phần lớn sự gia tăng này đến từ các “hyperscaler” - tức các tập đoàn công nghệ khổng lồ như Amazon, Google và Microsoft. Mỗi công ty đang lên kế hoạch chi từ 75 đến 100 tỷ USD chỉ trong năm 2025, để xây dựng các trung tâm dữ liệu mới.
Để dễ hình dung, giá trị vốn hóa thị trường của tập đoàn dầu khí BP - một ông lớn trong ngành năng lượng - hiện cũng chỉ vào khoảng 80 tỷ USD. Một trung tâm dữ liệu siêu lớn mà Meta dự kiến xây dựng ở bang Louisiana, chẳng hạn, sẽ tiêu thụ lượng điện gấp đôi cả thành phố New Orleans.
John Ketchum, CEO của NextEra Energy, cho biết lượng điện từ các nhà máy khí đốt đang được lên kế hoạch xây dựng, chỉ đủ đáp ứng chưa tới 20% nhu cầu điện của các trung tâm dữ liệu từ nay đến năm 2030. Dù sản lượng khí đá phiến trong nước đang đạt kỷ lục, nhưng tua-bin dùng để biến khí thành điện ngày càng đắt đỏ và thiếu hụt, vì chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
“Nếu không phải là năng lượng tái tạo thì còn là gì nữa?” - ông Ketchum đặt câu hỏi về 80% nhu cầu điện còn lại của các trung tâm dữ liệu, trong một sự kiện do Politico Energy Summit tổ chức hồi tháng 6.
Dù dự luật mới không hoàn toàn “đánh gục” ngành năng lượng sạch - sẽ vẫn có nhiều dự án điện gió và điện mặt trời quy mô lớn được triển khai - nhưng nó khiến việc tiếp cận các ưu đãi thuế trở nên khó khăn hơn và làm tăng chi phí đầu tư.
Chuyện gì xảy ra tiếp theo?
Sắp tới, ngành năng lượng tái tạo sẽ bước vào một cuộc chạy đua khốc liệt, nhằm khởi công các dự án trước thời hạn để kịp hưởng ưu đãi thuế. Thời gian càng bị siết chặt, cuộc đua càng căng thẳng và gấp rút - dù có thể cuối cùng lại chỉ triển khai được ít dự án hơn. “Ngành này từng trải qua chuyện này rồi. Lúc nào cũng có cảnh chạy nước rút trước hạn”, ông Kramarchuk nói.
Trong khi đó, việc tăng sản lượng điện từ nhiên liệu hóa thạch lại mất nhiều thời gian hơn - thường phải mất khoảng 5 năm để xây xong các tua-bin khí đốt mới, nếu chưa có hợp đồng từ trước. Trước mắt, cách khả thi nhất là tận dụng tối đa công suất của các nhà máy điện khí hiện có, và kéo dài thời gian vận hành các nhà máy điện than. “Tức là phải chạy các tổ máy than, hoặc khí hiện tại với công suất cao hơn”, ông Kramarchuk giải thích. Trùng hợp, một ưu đãi thuế mới cho xuất khẩu than cũng vừa được bổ sung vào dự luật vào phút chót.
Từ nay đến năm 2028, khoảng 50 gigawatt công suất điện than hiện hữu dự kiến sẽ bị loại bỏ. Một số nhà máy trong số đó có thể sẽ phải hoạt động thêm một thời gian để bù đắp thiếu hụt, nhưng kéo dài được bao lâu thì vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp. “Nhiều nhà máy đã quá cũ, muốn vận hành tiếp sẽ cần đầu tư rất lớn”, ông nói thêm.
Cần nói rõ: Việc chấm dứt ưu đãi thuế không có nghĩa là năng lượng tái tạo sẽ biến mất. ClearPath Action cho rằng phiên bản luật lần này còn tích cực hơn so với các bản dự thảo trước. “Các thượng nghị sĩ Cộng hòa cùng đồng minh ở Hạ viện đã bác bỏ hướng tiếp cận cũ, đồng thời giữ lại một số công cụ tài chính, để thúc đẩy đổi mới công nghệ và đầu tư vào khai thác nội địa”, ông Jeremy Harrell, CEO của ClearPath, cho biết.
Tuy nhiên, hệ quả là chi phí xây dựng các dự án điện gió và mặt trời sẽ tăng lên. Nhiều công ty điện lực nhỏ và nhà phát triển dự án có thể phải hủy bỏ kế hoạch còn đang nằm trên giấy. Trong khi đó, các “hyperscaler” - những tập đoàn công nghệ khổng lồ - lại có đủ tiềm lực tài chính để tiếp tục. “Những dự án gió và mặt trời trước đây xây được, giờ vẫn xây được, chỉ là sẽ tốn kém hơn”, ông Kramarchuk nhận xét. “Nếu bạn là một hyperscaler, bạn có thể chấp nhận trả giá cao hơn. Còn với phần còn lại của chúng ta? Rất có thể hóa đơn tiền điện và chi phí sưởi ấm cũng sẽ tăng theo”, ông nói thêm.
![]() |
![]() |
![]() |
Nh.Thạch
AFP
- Mỹ thử nghiệm lò phản ứng hạt nhân siêu nhỏ
- Mỹ thí điểm tuabin gió thế hệ mới, hướng đến mục tiêu sản xuất điện quy mô lớn
- [VIDEO] Uy lực của một trong những hạm đội hùng mạnh nhất thế giới trấn giữ Hormuz
- Dự báo thị trường CCUS toàn cầu đến năm 2050
- Phân tích mới về lượng khí thải từ chuỗi cung ứng LNG toàn cầu