Mỹ có thể phải trả giá nếu xem nhẹ biến động thị trường dầu mỏ
![]() |
Cách đây 50 năm, Mỹ từng trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, do phụ thuộc vào dầu mỏ nhập khẩu. Hình minh họa |
Cách đây 50 năm, Mỹ từng trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, do phụ thuộc vào dầu mỏ nhập khẩu. Năm 1973, sau khi Mỹ ủng hộ Israel trong cuộc chiến Yom Kippur, các nước Ả Rập thuộc OPEC đã ngừng xuất khẩu dầu sang Mỹ. Giá dầu tăng gấp 4 lần chỉ trong vài tháng, khiến người dân phải xếp hàng dài để đổ xăng. Sự kiện này khiến các nhà hoạch định chính sách của cả hai Đảng nhận ra rằng, nước Mỹ có thể bị ảnh hưởng lớn bởi các quyết định từ những quốc gia xuất khẩu dầu mỏ.
Một trong những biện pháp được triển khai sau đó là ban hành tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu, bắt đầu từ năm 1975 dưới thời Tổng thống Gerald Ford. Mục tiêu là giảm mức độ phụ thuộc vào dầu mỏ, thông qua việc nâng cao hiệu quả tiêu thụ nhiên liệu. Trong 20 năm tiếp theo, hiệu suất sử dụng nhiên liệu đã tăng gấp đôi, góp phần giảm thiểu ảnh hưởng từ biến động giá dầu, giảm dòng tiền ra nước ngoài và hạn chế sự phụ thuộc vào các quốc gia khác. Đồng thời, chính sách này cũng thúc đẩy đổi mới trong ngành công nghiệp ô tô, tạo điều kiện cho sự ra đời của các dòng xe tiết kiệm nhiên liệu, xe lai và xe điện.
Việc phát triển mạnh mẽ dầu đá phiến đã đưa Mỹ trở thành nước xuất khẩu ròng dầu thô, qua đó củng cố thêm vị thế năng lượng. Tuy nhiên, điều này cũng làm giảm động lực chính trị nhằm tiếp tục giảm phụ thuộc vào dầu mỏ. Trong khi nguồn cung dồi dào có thể giúp hạn chế ảnh hưởng từ các biến động địa chính trị, những căng thẳng gần đây, như cảnh báo từ Iran về việc có thể đóng cửa eo biển Hormuz, cho thấy thị trường dầu mỏ toàn cầu vẫn dễ bị ảnh hưởng, khi xảy ra gián đoạn ở bất kỳ khu vực nào.
Dù phản ứng của Iran sau cuộc không kích của Mỹ được đánh giá là mang tính biểu tượng, xung đột kéo dài tại Trung Đông vẫn khiến thị trường dầu mỏ trong trạng thái nhạy cảm. Trong bối cảnh đó, việc thay đổi các chính sách từng góp phần củng cố an ninh năng lượng đang làm dấy lên nhiều lo ngại.
Dự luật điều chỉnh ngân sách vừa được Thượng viện Mỹ thông qua đã loại bỏ phần lớn chương trình tiết kiệm nhiên liệu liên bang được duy trì trong gần 50 năm qua. Cụ thể, dự luật này xóa bỏ các khoản phạt tài chính đối với những hãng xe không đáp ứng tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu, đồng thời làm suy giảm, hoặc chấm dứt nhiều ưu đãi thuế dành cho xe điện, công nghệ pin và khai thác khoáng sản chiến lược - những chính sách chủ chốt thuộc Đạo luật Giảm lạm phát, nhằm thúc đẩy khai thác nội địa và giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng quốc tế.
Từ góc nhìn an ninh quốc gia, một số chuyên gia cho rằng, những thay đổi này có thể làm suy yếu khả năng ứng phó với các thách thức trong tương lai. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng chính sách năng lượng cũng cần được củng cố để chuẩn bị cho các rủi ro có thể xảy ra.
Hiện tại, Mỹ tiêu thụ gần 19 triệu thùng dầu mỗi ngày, trong đó gần 2/3 phục vụ ngành giao thông vận tải - lĩnh vực phụ thuộc khoảng 90% vào nhiên liệu từ dầu mỏ. Dù sản lượng dầu trong nước đã tăng, giá xăng tại Mỹ vẫn bị chi phối bởi diễn biến trên thị trường dầu thế giới, nơi OPEC+ giữ vai trò điều tiết nguồn cung. Trong hai năm qua, OPEC+ đã nhiều lần cắt giảm sản lượng nhằm giữ giá dầu ở mức cao.
Việc nới lỏng các tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu có thể làm gia tăng lượng dầu tiêu thụ, đồng nghĩa với chi phí xăng dầu cao hơn cho người tiêu dùng. Cùng lúc đó, việc thu hẹp các ưu đãi cho xe điện và pin có thể ảnh hưởng đến xu hướng chuyển đổi sang các nguồn năng lượng thay thế. Trong nhiều năm qua, các chính sách này đã giúp tiết kiệm đáng kể lượng nhiên liệu tiêu thụ. Nếu hiệu suất sử dụng nhiên liệu giảm, lựa chọn xe điện bị hạn chế, trong khi rủi ro địa chính trị gia tăng, ảnh hưởng có thể rõ rệt đối với cả hộ gia đình và doanh nghiệp.
Để tiếp tục giảm phụ thuộc vào dầu mỏ, một số chuyên gia cho rằng, Mỹ cần đẩy mạnh phát triển xe điện và tăng năng lực sản xuất pin trong nước. Hiện Trung Quốc chiếm hơn 70% công suất sản xuất pin toàn cầu, và kiểm soát phần lớn chuỗi cung ứng các khoáng sản quan trọng như lithium, cobalt và graphite. Các khoản tín dụng thuế theo Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) được thiết kế nhằm thúc đẩy hoạt động khai thác và chế biến trong nước, hoặc từ các quốc gia đồng minh. Việc thay đổi các chính sách này có thể dẫn đến việc gia tăng mức độ phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là từ Trung Quốc.
Vấn đề này không chỉ liên quan đến kinh tế, hay môi trường. Trong nhiều thập kỷ qua, quân đội Mỹ đã coi năng lượng là một yếu tố chiến lược. Lực lượng quân sự được triển khai tại nhiều khu vực, nhằm đảm bảo an toàn cho các tuyến vận chuyển dầu mỏ, đặc biệt là tại các điểm như eo biển Hormuz. Tuy nhiên, năng lực quân sự không thể kiểm soát được biến động giá dầu trên thị trường thế giới, vốn bị ảnh hưởng bởi các quyết định tại các cuộc họp của OPEC+.
Các bài học trong quá khứ cho thấy, việc đánh giá thấp tầm quan trọng của an ninh năng lượng có thể dẫn đến những hậu quả đáng kể, bao gồm biến động giá cả và áp lực chính sách đối ngoại.
Một số chính sách hiện hành, như các tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu và tín dụng thuế cho công nghệ năng lượng mới, có tác động hiệu quả thúc đẩy đầu tư, tạo việc làm và phát triển chuỗi cung ứng trong nước. Việc tiếp tục củng cố các chính sách này được cho là cần thiết để duy trì đà chuyển đổi năng lượng.
An ninh năng lượng được xem là một phần quan trọng trong chiến lược quốc gia, giúp giảm thiểu ảnh hưởng từ các biến động bên ngoài. Trong bối cảnh địa chính trị phức tạp, đây là yếu tố cần được cân nhắc trong các quyết định chính sách.
Nh.Thạch
AFP
- Từ chiến tranh ủy nhiệm đến xung đột trực tiếp: Kỷ nguyên chiến lược mới ở Tây Á
- Xung đột Israel - Iran: Hồi chuông cảnh tỉnh châu Á về sự phụ thuộc dầu mỏ từ Trung Đông
- Hàn Quốc tháo dỡ lò phản ứng hạt nhân đầu tiên
- [VIDEO] 10 năm "tuyệt mật" lên kế hoạch không kích Iran
- Iran: Không có rò rỉ phóng xạ sau các cuộc không kích của Mỹ - Israel