IEA- Giải bài toán phục hồi năng lượng

16:31 | 07/07/2020

|
(PetroTimes) - Đầu tư làm sao để phục hồi và tăng trưởng ngành năng lượng đồng thời vẫn bảo đảm các mục tiêu về khí hậu, đây là bài toán mà Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) muốn giải quyết với kế hoạch thời hậu Covid-19.    

"Các chính phủ đang có cơ hội hiếm có để vực dậy nền kinh tế và tạo công ăn việc làm nhưng vẫn thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch và bền vững hơn trong tương lai” - Fatih Birol, Giám đốc điều hành của IEA - cho biết trong báo cáo mới nhất của IEA.

iea giai bai toan phuc hoi nang luong
Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol

IEA, trụ sở tại Paris (Pháp), chuyên tư vấn cho các nước phát triển về chính sách năng lượng, từng dự báo rằng các khoản đầu tư toàn cầu cho năng lượng sẽ đạt khoảng 1.000 tỉ USD mỗi năm trong 3 năm tới, tương đương khoảng 0,7% GDP của thế giới. Nhưng chính IEA lại mới phải điều chỉnh giảm dự báo mức đầu tư vào năng lượng trong năm 2020 vì cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế do Covid-19 gây ra.

Mặc dù vậy, IEA tin rằng nếu số tiền đã được đầu tư đúng hướng thì vẫn có thể đạt được một loạt các mục tiêu quan trọng: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu 1,1 điểm mỗi năm; tạo ra 9 triệu việc làm hằng năm nhưng cũng giảm ô nhiễm không khí và hàng trăm triệu hộ gia đình nghèo được tiếp cận với lưới điện.

Trên hết, IEA muốn ngăn chặn sự phục hồi kinh tế không đi kèm sự suy giảm phát thải khí nhà kính từ ngành năng lượng như sau cuộc khủng hoảng năm 2008. CO2 liên quan đến năng lượng dự kiến sẽ giảm 8% trong năm 2020, mức giảm lớn nhất từ trước đến nay, nhưng IEA lo ngại điều này sẽ không thể duy trì trong vài năm tới. “Kế hoạch của chúng tôi tránh được sự phục hồi của khí thải và biến năm 2019 thành đỉnh cao cuối cùng”, ông Fatih Birol nói.

iea giai bai toan phuc hoi nang luong
IEA kêu gọi tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo

Những ước tính đó có trong một báo cáo dài hơn 160 trang, được IEA đưa ra trong khuôn khổ hợp tác với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), dựa trên 30 đề xuất trong 6 lĩnh vực: Điện, giao thông, công nghiệp, xây dựng, nhiên liệu và công nghệ sạch mới. Theo đó, IEA khuyến nghị đầu tư cải thiện mạng lưới điện, phát triển thủy điện, kéo dài tuổi thọ của các nhà máy điện hạt nhân, cải thiện hiệu quả năng lượng. Các biện pháp này sẽ giúp giảm nguy cơ mất điện, cải thiện tính linh hoạt và giúp tích hợp nhiều hơn các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời.

Liên quan đến năng lượng sạch trong kế hoạch khôi phục kinh tế, IEA trước đây dự báo năm 2020 là năm năng lượng tái tạo phát triển vượt bậc, nhưng mới đây đã phải giảm dự báo về tăng trưởng công suất năng lượng tái tạo tới gần 10%. Nguyên nhân là do chuỗi cung ứng bị gián đoạn, hoạt động xây dựng bị trì hoãn, các biện pháp giãn cách xã hội và những thách thức tài chính. IEA cho biết, công suất năng lượng tái tạo trong năm 2019 đã tăng 7% so với năm 2018. Tuy nhiên, IEA dự báo công suất năng lượng tái tạo trong năm 2020 sẽ giảm 13% so với năm 2019, xu hướng giảm đầu tiên kể từ năm 2000 và trong năm 2021 sẽ tăng gần bằng mức của năm 2019 khi hầu hết các dự án năng lượng tái tạo bị trì hoãn trong năm 2020 sẽ tiếp tục hoạt động.

iea giai bai toan phuc hoi nang luong
Báo cáo của IEA về kế hoạch phục hồi năng lượng hậu Covid-19

IEA cảnh báo các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng khi thế giới đang phải vật lộn với khủng hoảng khiến nhu cầu năng lượng giảm mạnh và đe dọa sự suy giảm kinh tế. Theo IEA, mặc dù điện mặt trời, điện gió và thủy điện sẽ phục hồi nhanh chóng sau khủng hoảng dịch bệnh, nhưng thị trường nhiên liệu sinh học được sử dụng chủ yếu trong các phương tiện giao thông sẽ bị thay đổi hoàn toàn vì hoạt động đi lại trên toàn cầu bị đóng băng và giá dầu giảm mạnh. Trong bối cảnh nhiều quốc gia cam kết tăng cường sử dụng nguồn năng lượng tái tạo để đáp ứng các mục tiêu khí hậu hà khắc, IEA đã kêu gọi chính phủ các nước tăng gấp đôi những nỗ lực đó khi lên kế hoạch khôi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19 nhằm lấy lại phong độ và vượt tốc độ tăng trưởng năng lượng sạch đã đạt được trong những năm trước khi xảy ra đại dịch.

Cũng trong báo cáo, IEA ủng hộ sự đổi mới trong các công nghệ như hydro, pin, lò phản ứng hạt nhân mô-đun nhỏ hoặc thu giữ và cô lập CO2. Ngoài ra, IEA cũng quan tâm đến vận tải, ủng hộ việc chính phủ các nước hỗ trợ để khuyến khích người dân mua các phương tiện “sạch” hơn nhưng cũng hỗ trợ giao thông công cộng hoặc mở rộng mạng lưới tàu cao tốc...

“Báo cáo trình bày các dữ liệu và phân tích cho thấy một tương lai năng lượng sạch hơn, công bằng và an toàn hơn”, ông Fatih Birol nói. Ông Fatih Birol hy vọng sẽ thuyết phục được một “liên minh lớn” gồm các chính khách, các chủ doanh nghiệp, giới đầu tư và những người ra quyết định khác. “Chúng tôi không chỉ cho họ phải làm gì ngoài những gì họ có thể làm”, ông Fatih Birol nói.

Những gợi ý của IEA sẽ được thảo luận tại một cuộc họp của bộ trưởng môi trường các nước ở Paris vào ngày 9-7-2020.

Thế nhưng, IEA ngay lập tức bị chỉ trích bởi một số tổ chức phi chính phủ về môi trường. “Báo cáo bỏ qua việc quản lý các dạng năng lượng và bế tắc trong việc đưa ra giải pháp cần thiết để thoát khỏi nhiên liệu hóa thạch. Các khuyến nghị của IEA vẫn chưa phù hợp với mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5oC”, Tổ chức Oil Change International và Reclaim Finance khẳng định

S.Phương