Đức chịu thiệt hại 'không thể khắc phục' khi không có khí đốt của Nga

07:07 | 20/02/2024

|
(PetroTimes) - Tổng thống Vladimir Putin cho biết, quyết định của chính phủ Đức chuyển từ khí đốt Nga sang các nguồn năng lượng đắt tiền hơn đang có tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước này. Ông nói thêm rằng các nhà lãnh đạo phương Tây rõ ràng đã hy vọng rằng Moscow sẽ nhanh chóng rút lui nếu bị thị trường châu Âu xa lánh, nhưng họ đã tính toán sai lầm.
Đức chịu thiệt hại 'không thể khắc phục' khi không có khí đốt của Nga
Tổng thống Vladimir Putin. Ảnh TASS

Cường quốc kinh tế của EU trong nhiều năm đã được hưởng lợi từ năng lượng tương đối rẻ của Nga, nhận tới 40% lượng khí đốt nhập khẩu từ nước này. Sau khi chiến dịch quân sự của Moscow diễn ra vào vào tháng 2/2022, Berlin đã bắt đầu tìm cách giảm triệt để sự phụ thuộc vào năng lượng Nga bằng cách nhập khẩu LNG thông qua các nước láng giềng châu Âu và tăng cường lưu lượng khí đốt qua đường ống từ Na Uy và Hà Lan.

Nhận định về tình hình kinh tế ở Đức trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Nga hôm Chủ nhật, ông Putin nói: “Rõ ràng, họ đang mong đợi rằng nếu họ không lấy khí đốt của chúng ta, chúng ta sẽ tan rã nhanh hơn so với việc họ phải đối mặt với những quy trình không thể đảo ngược. Nhưng các quy trình không thể đảo ngược ấy lại đang bắt đầu diễn ra một cách hiệu quả”.

Theo Tổng thống Nga, “các ngành công nghiệp đang chuyển hướng sang các nước khác, bao gồm cả Mỹ, nơi đã tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi và mang lại nguồn năng lượng giá rẻ”. Ông nói thêm rằng “hoàn toàn rõ ràng” rằng các chính sách được chính quyền của Thủ tướng Olaf Scholz áp dụng đang “gây một đòn giáng mạnh vào tương lai của nền kinh tế Đức”.

Ông Putin lưu ý rằng Nga không hạn chế xuất khẩu khí đốt sang châu Âu – Đức và các quốc gia khác đang đưa ra lựa chọn theo ý mình.

Trong khi đó, Nga đã tìm cách chuyển hướng một số hoạt động xuất khẩu năng lượng của mình sang nơi khác, Tổng thống cho biết, đồng thời ông cũng cho biết thêm rằng đây là một điều may mắn vì Nga buộc phải tập trung nhiều hơn vào các ngành công nghiệp khác thay vì chỉ dựa vào doanh thu từ khí đốt.

Tuần trước, hãng tin Bild dẫn lời Siegfried Russwurm, người đứng đầu Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI), đưa tin rằng 1/3 các nhà sản xuất Đức đang xem xét chuyển hướng sản xuất ra nước ngoài – gấp đôi con số được ghi nhận vào năm 2022.

Ông Russwurm cho rằng xu hướng này là do tốc độ tăng trưởng kinh tế nói chung đang chậm lại và tỷ lệ lạm phát cao, đặc biệt liên quan đến năng lượng. Ông giải thích, những yếu tố này dẫn đến đầu tư ít hơn và khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc lập kế hoạch dài hạn.

Bloomberg News, trích dẫn nhiều phân tích khác nhau, đã kết luận rằng vị thế siêu cường công nghiệp của Đức “sắp kết thúc” sau khi cắt giảm nhập khẩu khí đốt của Nga.

Phát biểu tại quốc hội Đức vào giữa tháng 1, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck cho biết nước này đã “mất đi lợi thế cạnh tranh”.

Xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu hiện ra sao?Xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu hiện ra sao?
Khí đốt của Nga vẫn sẽ chảy sang Áo ngay cả sau khi OMV chấm dứt hợp đồng với GazpromKhí đốt của Nga vẫn sẽ chảy sang Áo ngay cả sau khi OMV chấm dứt hợp đồng với Gazprom
Quan điểm của EU về gia hạn thỏa thuận vận chuyển khí đốt của Nga qua UkraineQuan điểm của EU về gia hạn thỏa thuận vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine

Anh Thư

AFP