Dự báo giá dầu cuối tuần

11:28 | 17/09/2020

|
(PetroTimes) - Giá Brent (tháng 11) trong 3 ngày giao dịch đầu tuần 14 - 16/9 biến động trong biên độ 39,45 - 42,3 USD/thùng, tại thời điểm 00h00 17/9 MSK giao dịch ở mức 42,3 USD/thùng (tăng 4,3%).
Giá dầu hôm nay tiếp tục tăng khi kho dự trữ tại Mỹ giảmGiá dầu hôm nay tiếp tục tăng khi kho dự trữ tại Mỹ giảm
Cái giá Đức phải trả để Mỹ cho phép hoàn thành Nord Stream 2Cái giá Đức phải trả để Mỹ cho phép hoàn thành Nord Stream 2
5037-gian-bych-hy

Mở cửa tuần giao dịch ngày 14/9 đầu phiên, Brent tăng nhẹ lấy lại mốc 40 USD/thùng nhờ cắt giảm đến 22% sản lượng dầu khí vùng vịnh Mexico do bão Sally chuẩn bị đổ bộ, hàng loạt các giàn khoan của BP, Equinor, Chevron và Murphy Oil phải tạm dừng hoạt động. Sau đó quay đầu giảm về mốc 39,6 USD/thùng do OPEC hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới năm 2020 giảm thêm 400.000 bpd và khả năng nối lại khai thác tại Libya chưa rõ ràng.

Ngày 15/9, Brent biến động khá rộng, đầu phiên tiếp tục xu hướng ảm đạm của thị trường, bị ảnh hưởng bởi dự báo của OPEC, IEA về nhu cầu tiêu thụ giảm, OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế) công bố GDP G20 quý 2 bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, giảm kỷ lục 6,9%, số ca nhiễm mới toàn cầu vượt mốc 300.000/ngày, số ca nhiễm tại Ấn Độ vượt 5 triệu. Sau khi Trung Quốc công bố sản xuất công nghiệp trong tháng 8 đã hoàn toàn phục hồi so với trước khủng hoảng, doanh số bán lẻ tăng trưởng cao hơn dự báo, cùng với đồng USD giảm giá đã cho phép Brent tăng lên 40,5 USD/thùng. Ngoài ra, sản lượng khai thác ngoài khơi vịnh Mexico bị ảnh hưởng mạnh hơn bởi bão Sally (lên tới 500.000 bpd - 27%) càng củng cố đà tăng vào cuối phiên, Brent giữ được mức giá đóng cửa trên 40,5 USD/thùng.

Ngày 16/9, Brent tiếp tục đà tăng hôm trước, có lúc lên 42,3 USD/thùng (tăng 4,3%) nhờ vào báo cáo sơ bộ của API về giảm trữ lượng dầu thương mại Mỹ tuần qua ở mức 9,5 triệu thùng, OPEC+ thực hiện vượt hạn ngạch cắt giảm trong tháng 8 (101%), thị trường hồ hởi với dự báo của OECD về khả năng GDP thế giới chỉ suy giảm 4,5% so với 6,0% trước đó nhờ vào sự phục hồi nhanh chóng của kinh tế Trung Quốc và Mỹ. Thêm vào đó, thị trường phản ứng tích cực với gói cứu trợ kinh tế mới 1.500 tỷ USD chuẩn bị được Quốc hội Mỹ xem xét và kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục đến năm 2023.

Mặc dù thị trường phấn khích với thông tin kinh tế Trung Quốc hồi phục nhanh, trữ lượng dầu thương mại Mỹ giảm tuần qua (số liệu chính thức EIA chỉ hơn 4 triệu thùng) đẩy giá dầu tăng trở lại trong 2 phiên giao dịch gần đây. Tuy nhiên, với triển vọng u ám và việc IEA, OPEC cùng đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới do nguy cơ bùng phát làn sóng Covid-19 thứ 2 và tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Ấn Độ cho thấy xu hướng tăng giá rất mong manh.

Theo chúng tôi nhận định, đến cuối tuần này, giá Brent sẽ dao động trong biên độ 40 - 44 USD/thùng.

Viễn Đông