Cuộc chiến giá dầu do Ả Rập Xê-út khơi mào là để nhắm vào Mỹ?

15:00 | 09/04/2020

|
(PetroTimes) - Việc đi đến một thỏa thuận giữa Nga và Ả Rập Xê-út nhằm giảm sản lượng dầu thô vẫn còn là chuyện của tương lai, song dường như các bên tham gia OPEC+ đã đồng ý với bước đi này.

Hội nghị trực tuyến của các quốc gia thành viên OPEC+ dự kiến diễn ra vào chiều ngày 9/4. Chủ đề của hội nghị được cho là xoay quanh vấn đề hạn ngạch cắt giảm sản lượng.

cuoc chien gia dau do a rap xe ut khoi mao la de nham vao my
Một khu lọc dầu của Ả Rập Xê-út

Hãng tin Bloomberg mới đây dẫn ý kiến của một số chuyên gia cho rằng, mục tiêu của cuộc chiến giá cả trên thị trường dầu mỏ mà Ả Rập Xê-út phát động không thực sự nhằm vào ngành công nghiệp năng lượng của Nga hay thị phần của chính họ.

Thực chất, đây là một nỗ lực gây áp lực lên Mỹ, nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Những bước đi như vậy có thể khiến Washington phải tham gia vào quá trình cắt giảm sản lượng.

Cụ thể, giới chuyên gia nhận định, Moscow hay Riyadh đều có một mong muốn là biến OPEC+ trở thành tổ chức đáng tin cậy hơn.

Điều này có thể giúp các bên và nền kinh tế toàn cầu thoát khỏi thời kỳ suy thoái nặng nề. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, ngay cả khi mong muốn cắt giảm sản lượng, chính quyền Washington cũng không thể can thiệp bằng mọi cách để đạt thỏa thuận OPEC+.

Tại Mỹ, mọi quy định hạn chế sản lượng khai thác tại các giếng dầu có thể xâm phạm quyền sở hữu đất đai tư nhân của các chủ đất, công ty dầu mỏ và các chủ sở hữu giếng dầu khác.

Được biết, hiện chỉ Texas và Oklahoma là có thể thiết lập các quy định về sản lượng đầu ra, những bang khác không có quyền làm vậy.

Như vậy, ngành sản xuất dầu đá phiến của các khu vực khác sẽ vẫn hoàn toàn chủ động trong việc tiếp tục bán với số lượng như họ mong muốn.

Nói cách khác, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hoan nghênh thỏa thuận trong tương lai giữa Moscow - Riyadh, ông hiểu rằng, dầu đá phiến Mỹ sẽ được cứu trong mọi trường hợp.

Bởi vậy, Mỹ sẽ không thể tham gia OPEC+ theo các điều khoản thỏa thuận với tư cách là quốc gia có thể cắt giảm sản lượng.

Bình An

Bloomberg