Vị thế mới của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ toàn cầu

09:55 | 24/07/2020

|
(PetroTimes) - Sau khi kiểm soát được đại dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ dầu nội địa Trung Quốc đã phục hồi hoàn toàn. Trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua, các công ty Trung Quốc đã tranh thủ giá dầu thô để nhập khẩu một lượng kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.
vi the moi cua trung quoc co the anh huong den thi truong dau mo toan cauFED: Dư thừa dầu mỏ toàn cầu sẽ kéo dài đến năm 2021
vi the moi cua trung quoc co the anh huong den thi truong dau mo toan cauNgành công nghiệp dầu mỏ toàn cầu đang trải qua cú sốc lịch sử

Trong những năm qua Trung Quốc đã phụ thuộc nghiêm trọng vào nhập khẩu dầu. Cùng với tăng nhập khẩu dầu thô khi giá giảm, Chính phủ Trung Quốc đang thúc đẩy sản xuất dầu khí và đa dạng hóa các nguồn cung. Nhờ vào kho dự trữ tài nguyên tích lũy của mình, Trung Quốc đã có thể ảnh hưởng đến thị trường dầu toàn cầu.

Thị trường Trung Quốc đã vượt qua đại dịch

Nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của Trung Quốc sụt giảm mạnh do nước này thực hiện các biện pháp tự cách ly nghiêm ngặt trong thời gian đại dịch, kéo theo sản lượng tinh chế dầu thô giảm. Trong tháng 02/2020, các nhà máy tinh chế dầu thô Trung Quốc ghi nhận mức sụt giảm sản xuất, xuống còn 10 triệu thùng/ngày. Nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong những tháng sau đó bắt đầu hồi phục nhanh chóng khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp hạn chế, tự cách ly. Có thể nói, việc nhu cầu tiêu thụ bị tê liệt trong thời gian đại dịch là tiền đề cho cú bật nhảy về tiêu thụ xăng dầu tại thị trường Trung Quốc trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua.

vi the moi cua trung quoc co the anh huong den thi truong dau mo toan cau
Tàu dầu chờ giao hàng ngoài khơi Trung Quốc

Theo số liệu của Tổng cục thống kê Trung Quốc, công suất tinh chế dầu thô sơ cấp của nước này trong tháng 6 đã đạt kỷ lục 57,87 triệu tấn (tương đương 14,08 triệu thùng/ngày). Trước đó, vào tháng 5, công suất các nhà máy lọc dầu của nước này cũng ghi nhận kỷ lục 13,63 triệu thùng/ngày. Cũng trong tháng 5, Trung Quốc ghi nhận nhập khẩu ròng xăng dầu lần đầu tiên kể từ năm 2014: sản lượng nhập khẩu đạt 3,93 triệu tấn trong khi xuất khẩu đạt 3,89 triệu tấn do thị trường tiêu thụ phục hồi nhanh. Sang đến tháng 6, cán cân xuất nhập khẩu xăng dầu đảo chiều khi Trung Quốc ghi nhận xuất khẩu ròng 370.000 tấn. Điều này cho thấy thị trường tiêu thụ xăng dầu nội địa của Trung Quốc đã phục hồi hoàn toàn. Tính trong 6 tháng đầu năm, tổng lượng tinh chế dầu thô của nước này đạt 319,09 triệu tấn (tương đương 12,8 triệu thùng/ngày), tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Phụ thuộc vào nhập khẩu dầu thô

Các công ty Trung Quốc đã tận dụng cơ hội giá dầu sụp đổ để nhập khẩu lượng lớn dầu thô từ thị trường quốc tế. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu dầu thô tháng 6 của nước này tăng 34,4% so với cùng kỳ năm 2019, lên mức kỷ lục 53,18 triệu tấn (tương đương 12,9 triệu thùng/ngày). Trước đó, con số này trong tháng 5/2020 đạt 11,34 triệu thùng/ngày. Sản lượng nhập khẩu dầu thô tháng 6 được ước tính còn có thể cao hơn nữa, nhưng do hạn chế công suất tiếp nhận của một số cảng biển khiến một số tàu chở dầu không kịp dỡ hàng.

Mặc dù ghi nhận sản lượng nhập khẩu dầu thô thấp nhất trong quý I/2020 (trong tháng 3 giảm xuống còn 9,72 triệu thùng/ngày), song nhu cầu dầu thô nhập khẩu đã phục hồi mạnh mẽ và tăng trưởng vượt ngưỡng trước khi đại dịch bùng phát. Tính trong 6 tháng đầu năm nay, tổng lượng nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đạt 268,75 triệu tấn (tương đương 10,8 triệu thùng/ngày), cao hơn 9,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Sự phụ thuộc của Trung Quốc vào các nguồn năng lượng nhập khẩu, nhất là dầu thô ngày càng gia tăng trong những năm gần đây đang khiến Chính phủ nước này lo ngại. Chính quyền trung ương đang hỗ trợ nhiều mặt cho các công ty dầu khí trong nước gia tăng sản xuất dầu thô mặc dù chi phí sản xuất cao. Giá dầu thô sản xuất nội địa hiện đang cao hơn giá dầu thô nhập khẩu.

Theo số liệu của hãng thông tấn Caixin, sản lượng khai thác dầu thô của Trung Quốc đạt khoảng 190 triệu tấn, tăng 0,8% so với năm 2018. Đây là lần đầu tiên, khai thác dầu thô của nước này ghi nhận tăng trưởng kể từ năm 2015 (sản lượng khai thác năm 2015 đạt 214,55 triệu tấn). Theo kế hoạch của Ủy ban năng lượng quốc gia Trung Quốc, khai thác dầu thô của nước này phải tăng trưởng ít nhất 1% trong năm nay. Để đạt được mục tiêu này, Chính chủ Trung Quốc chỉ đạo các công ty dầu khí nhà nước tích cực khai thác các mỏ dầu khí trên vịnh Bố Hạ, trong bể trầm tích Ordos và tại Khu tự trị Tân Cương. Kết quả là trong 6 tháng đầu năm 2020, sản lượng khai thác dầu của Trung Quốc đạt 97,15 triệu tấn (3,9 triệu thùng/ngày), tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Dự trữ tích lũy cho phép ảnh hưởng đến thị trường

Trong 6 tháng đầu năm, tổng nguồn cung dầu, nhập khẩu và sản xuất nội địa đã vượt quá sản lượng tinh chế của tất cả các nhà máy tinh chế dầu thô ở Trung Quốc trung bình 1,9 triệu thùng/ngày. Toàn bộ nguồn dầu dư thừa được lưu trữ trong các kho lưu trữ nhà nước và tư nhân. Nhiều chuyên gia phương Tây vẫn thông báo đều đặn về tình trạng các kho lưu trữ dầu toàn cầu sắp được lấp đầy, song họ chưa tính hết đến công suất và khả năng Trung Quốc xây dựng những kho chứa dầu mới. Các công ty Trung Quốc mua nhiều dầu hơn, nhưng tình trạng thiếu hụt dung tích chứa chưa xảy ra.

vi the moi cua trung quoc co the anh huong den thi truong dau mo toan cau

Theo đánh giá của hãng Kpler, tính đến cuối tháng 6/2020, tổng dung tích trống trong các kho lưu trữ nhà nước và tư nhân cũng như trên Sàn giao dịch năng lượng quốc tế Thượng Hải (INE) còn gần 330 triệu thùng. Bên cạnh đó, trong nửa cuối năm 2020, Trung Quốc dự tính khánh thành thêm kho chứa dầu mới với công suất 74,85 triệu thùng. Nếu đánh giá này của Kpler là tin cậy thì các công ty Trung Quốc sẽ tiếp tục nhập kỷ lục dầu thô trong bối cảnh giá dầu thấp, thuận lợi cho các nhà nhập khẩu của nước này.

Nhờ tổng lượng dự trữ tích lũy, Trung Quốc đã nắm trong tay cán cân ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ toàn cầu. Hãng tin Bloomberg gây lo ngại cho những người chơi trên thị trường khi thông báo về dự định bán một phần dự trữ dầu thô tích lũy của Trung Quốc và giảm giá bán. Các chuyên gia dầu khí Mỹ cũng có chung nhận định như vậy sau khi một công ty Trung Quốc hoàn tất giao dịch bán 1 triệu thùng dầu trên thị trường từ kho chứa của INE. Trên sàn INE, dầu thô tương lai có thể được giao dịch bằng đồng NDT khi giá thấp, một lô dầu thô sẽ được giao dịch bán ra nước ngoài khi giá dầu tăng. Sau sự kiện sụp đổ giá dầu ngày 20/4, thanh khoản của hợp đồng tương lai dầu thô trên sàn INE đã tăng đáng kể, cho thấy hiệu quả của cơ chế giao dịch dầu thô trên sàn Thượng Hải.

Dự báo

vi the moi cua trung quoc co the anh huong den thi truong dau mo toan cau
Sàn giao dịch năng lượng quốc tế Thượng Hải (INE)

Trong 6 tháng đầu năm, Trung Quốc đã phụ thuộc tới 84% vào nguồn dầu thô nhập khẩu, cho thấy quốc gia này sẽ tiếp tục phụ thuộc lâu dài vào nhập khẩu năng lượng. Mặc dù gia tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu các nguồn năng lượng, song sự phụ thuộc nghiêm trọng và nhập khẩu năng lượng sẽ còn duy trì. Do đó, chính quyền Trung Quốc sẽ nỗ lực đa dạng hóa tối đa các nguồn cung năng lượng tin cậy.

Phần lớn lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc đến từ các quốc gia Vùng Vịnh. Chính phủ Trung quốc đang mở rộng sự hiện diện của mình tại khu vực này, nhất là tại Iraq, nhà cung cấp dầu thô lớn thứ ba cho Trung Quốc sau Saudi Arabia và Nga. Trong nửa đầu năm 2020, Iraq đã xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 1,3 triệu thùng/ngày. Loại dầu Basra của Iraq là một trong 6 tiêu chuẩn dầu Trung Đông được giao dịch trên sàn INE. Trên sàn INE chỉ thực hiện các giao dịch hợp đồng bán dầu thô. Giá dầu chỉ được định giá bằng đồng NDT - đồng tiền quốc gia của Ngân hàng trung ương Trung Quốc.

Bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ, Trung Quốc đang tiếp tục hợp tác kinh tế với Iran và sẵn sàng tăng cường nhập khẩu dầu từ nước này. Trung Quốc và Iran cũng đã ký thỏa thuận hợp tác 25 năm trong khuôn khổ dự án địa chính trị "Vành đai, Con đường". Trong khuôn khổ thỏa thuận, Trung Quốc có nghĩa vụ đầu tư 280 tỷ USD vào ngành công nghiệp dầu khí và hóa khí của Iran trong vòng 5 năm. Đổi lại, các công ty Trung Quốc nhận được quyền ưu tiên tham gia đấu thầu mua các tài sản dầu khí của Iran. Theo đó, các công ty Trung Quốc có thể mua bất kỳ sản phẩm dầu khí nào (dầu thô, khí thiên nhiên và sản phẩm dầu mỏ) với giá chiết khấu 12% so với giá trung bình trong thời gian 6 tháng đối với các loại dầu tiêu chuẩn và các sản phẩm dầu mỏ tương ứng. Hơn nữa, để bù đắp cho các rủi ro,

Iran cho phép giảm giá thêm 8% và tạo điều kiện cho các công ty Trung Quốc trả chậm trong vòng hai năm. Các hợp đầu dầu thô Iran có thể thanh toán bằng đồng NDT và các ngoại tệ linh hoạt khác, bao gồm cả đồng rúp.

Trung Quốc cũng đang tiếp tục mua dầu thô Venezuela, hiện đang chịu các lệnh cấm vận của Mỹ. Nguồn cung dầu thô Venezuela cho Trung Quốc được thực hiện thông qua bên thứ ba với việc đổi tàu chở dầu trên biển. Do đó, không có số liệu thống kê chính thức về nhập khẩu dầu thô Venezuela của Trung Quốc.

Do quan hệ giữa Mỹ và Trung quốc đang trong thời kỳ căng thẳng, các nguồn cung dầu thô bằng đường biển đang đứng trước nguy cơ đe dọa bởi phía Mỹ có thể ngăn chặn. Chính vì vậy, nguồn cung dầu thô tin cậy nhất hiện nay đối với Trung Quốc là từ Nga. Dầu thô của Nga xuất sang Trung Quốc thông qua vận tải biển, hệ thống đường ống dẫn dầu ESPO và tuyến đường ống Atasu - Alashankou (qua Kazakhstan). Công suất đường ống vận tải dầu sang Trung Quốc hiện đạt 800.000 thùng/ngày. Theo số liệu sơ bộ, trong tháng 6/2020, Nga đã vượt qua Saudi Arabia trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất cho Trung Quốc. Trong tháng 6/2020. Saudi Arabia đã nâng giá bán dầu thô chính thức cho các nhà nhập khẩu châu Á và giảm nguồn cung cho Trung Quốc hơn 1 triệu thùng/ngày.

Trong tháng 4 và tháng 5, các công ty Trung Quốc đã mua dầu Urals nhiều hơn tại các cảng trên Biển Baltic. Kết quả là giá dầu Ural đã tăng và được giao dịch với mức chênh lệch cao hơn so với tiêu chuẩn dầu Brent. Trong 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu dầu thô trung bình của Nga sang Trung Quốc đã tăng lên 1,7 triệu thùng/ngày.

Nhận xét

Qua phân tích có thể thấy, vị thế của Trung Quốc trên thị trường cung, cầu dầu thô ngày càng gia tăng, nhất là năng lực nhập khẩu, tinh chế dầu thô, lưu trữ dầu thô. Mặt khác, việc thị trường nhập khẩu dầu thô truyền thống là châu Âu tuyên bố chuyển đổi mạnh mẽ sang sử dụng năng lượng sạch, đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 gián tiếp đưa Trung Quốc trở thành thị trường tiêu thụ dầu thô triển vọng nhất hiện nay đối với các nhà sản xuất dầu mỏ. Sàn giao dịch hàng hóa Thượng Hải mới đưa các sản phẩm năng lượng, nhất là dầu thô vào giao dịch thời gian gần đây bằng đồng NDT.

Với chính sách nhập khẩu, tăng năng lực dự trữ và tinh chế dầu thô, có thể nói Trung Quốc đang phát triển Thượng Hải trở thành một trung tâm giao dịch dầu thô và sản phẩm dầu mỏ hàng đầu thế giới (cùng với CME và ICE tại Mỹ). Bên cạnh đó, việc các hợp đồng giao dịch dầu mỏ được thực hiện bằng đồng NDT, góp phần quốc tế hóa đồng NDT ra thị trường toàn cầu, cạnh tranh trực tiếp với đồng USD trong thương mại dầu mỏ.

Từ góc độ thị trường, các tập đoàn dầu khí hàng đầu Trung Quốc gần đây đang chuẩn bị ra mắt liên minh nhập khẩu dầu thô. Động thái này cùng với gia tăng năng lực lưu trữ dầu thô giá rẻ và tái xuất dầu thô ra thị trường quốc tế tại thời điểm giá tốt, cho thấy, Trung Quốc có khả năng tác động mạnh đến thị trường cung, cầu dầu thô và sản phẩm dầu mỏ ít nhất là trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, xa hơn là thị trường toàn cầu. Qua đó, Trung Quốc có thể cạnh tranh trực tiếp về giá với các nhà xuất khẩu lớn như Mỹ, Nga, Saudi Arabia. Ngoài ra, dù chi phí sản xuất dầu thô trong nước cao hơn so với hầu hết các thành viên OPEC+, Chính phủ Trung Quốc vẫn thực hiện chính sách ưu đãi thuế, khuyến khích các nhà tinh chế dầu thô trong nước xuất khẩu xăng dầu ra thị trường quốc tế. Điều này cho thấy tham vọng giành thị phần xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ tại thị trường châu Á-Thái Bình Dương. Sự kết hợp của các yếu tố trên có thể giúp ngành lọc, hóa dầu của nước này giành lợi thế cạnh tranh tuyệt đối so với các đối tác khu vực do giá xăng dầu rẻ hơn, nguồn cung dồi dào hơn. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến ngành lọc, hóa dầu các nước xung quanh, trong đó có Việt Nam, do giá sản phẩm đầu ra cùng loại không thể cạnh tranh với hàng Trung Quốc trên thị trường xuất khẩu, thậm chí có nguy cơ bị "thua" ngay trên sân nhà.

Từ góc độ chính sách dầu khí: thứ nhất ngành dầu khí Trung Quốc đã và đang nỗ lực tăng cường sản xuất dầu khí trong nước nhằm vừa đảm bảo thỏa mãn nhu cầu năng lượng, vừa góp phần giảm phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng từ nước ngoài. Thứ hai: những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 vừa qua đối với thị trường dầu khí đã thúc đẩy nước này gia tăng công suất lưu trữ, bao gồm cả các kho chứa nổi, nhằm đối phó hiệu quả và tranh thủ cơ hội mua dầu giá rẻ khi thị trường biến động mạnh. Thứ ba, tăng trưởng mạnh mẽ công suất tinh chế dầu thô không chỉ đảm bảo nguồn cung hóa chất, hóa phẩm cho sản xuất công nghiệp và xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc mà còn đảm bảo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động của nước này bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Phạm TT

Theo: 1prime.ru