Ngành công nghiệp dầu mỏ toàn cầu đang trải qua cú sốc lịch sử

20:09 | 10/04/2020

|
(PetroTimes) - Thế giới dầu mỏ đã chứng kiến nhiều cú sốc trong những năm qua, nhưng cú sốc mà ngành công nghiệp đang phải trải qua lúc này có lẽ là mạnh mẽ nhất. Giá dầu sụp đổ, thị trường, các công ty và toàn bộ nền kinh tế bị đóng băng do khủng hoảng dịch bệnh Covid-19. Điều này tác động lan rộng trong toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành dầu khí và ảnh hưởng trực tiếp đến ngành năng lượng. 

Thị trường dầu mỏ chịu áp lực từ tất cả nguồn cung và cầu: thỏa thuận cắt giảm giữa OPEC và một số nước xuất khẩu dầu ngoài OPEC hết hiệu lực; nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu toàn cầu giảm mạnh, nhất là trong lĩnh vực vận tải. Theo IEA, quy mô sụt giảm nhu cầu tiêu thụ hiện nay đã vượt quá khả năng tự điều chỉnh của ngành công nghiệp dầu khí. Hơn 3 tỷ người trên khắp thế giới bị cấm hoặc hạn chế di chuyển nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh. Sự tích tụ nhanh chóng của các kho lưu trữ dầu toàn cầu đang bắt đầu bão hòa, tiếp tục đẩy giá dầu xuống sâu. Đây là một khoảnh khắc chưa từng xảy ra đối với những nhà sản xuất dầu mỏ, vốn phụ thuộc lớn và xuất khẩu dầu.

nga nh co ng nghie p da u mo toa n ca u dang tra i qua cu so c li ch su

Mỗi ngày có khoảng 5 triệu thùng dầu được sản xuất với chi phí cao hơn giá một thùng dầu thô thương phẩm (dựa trên giá dầu Brent là 25 USD/thùng). Với mức chi phí cao, nhiều nhà sản xuất đang phải chịu thua lỗ và tính đến phương án phải dừng sản xuất tại các giếng dầu không mang lại hiệu quả kinh tế hoặc tạm ngừng hoạt động một phần. Một số khác chọn cách tiếp tục bơm dầu do chi phí cố định cao hoặc chờ đợi các công ty cạnh tranh giảm sản xuất để chiếm lĩnh thị phần.

Tuy nhiên, hiện nay các nhà sản xuất dầu mỏ đáng đối mặt với mối đe dọa lớn hơn cả chiến lược hoạt động của mình, đó là rủi ro trong chuỗi cung ứng. Khi nhu cầu dầu giảm mạnh, toàn bộ chuỗi cung ứng lọc dầu, vận chuyển hàng hóa và lưu trữ bắt đầu tăng lên khiến cho việc đẩy mạnh nguồn cung vào hệ thống mới ngày càng khó khăn. Giá dầu thô sản xuất tại Tây Canada đã có lúc xuống dưới 10 USD. Tại một số nơi tại khu vực Bắc Mỹ còn xảy ra trường hợp giá dầu âm do một số nhà sản xuất không có người mua.

Các công ty dầu mỏ đã phản ứng với sự sụp đổ giá dầu bằng các thông báo cắt giảm chi phí sản xuất cho các dự án mới với mức giảm từ 20-35% so với kế hoạch năm 2020. Chủ sở hữu các dự án mới có chi phí sản xuất từ 35-45 USD/thùng đang xem xét tạm dừng để giảm chi phí vốn. Đối với nhà sản xuất dầu đá phiến độc lập của Mỹ, cắt giảm chi phí và sản xuất trở thành vấn đề nghiêm trọng khi nhiều công ty đang phải chịu áp lực nâng cao mô hình kinh doanh và cải thiện dòng tiền từ nhà đầu tư.

Một vài công ty đá phiến đã mua bảo hiểm sản lượng đề phòng rủi ro trong năm 2020, song lợi thế này không kéo dài được lâu trong điều kiện thị trường khắc nghiệt hiện nay. Việc cắt giảm chi phí thượng nguồn cũng gây ra những khó khăn cho các công ty dịch vụ dầu khí. Một số hãng như Halliburton, Schlumberger đã thông báo giảm dịch vụ khoan, cắt giảm nhân sự hoặc cho nghỉ tạm thời.

nga nh co ng nghie p da u mo toa n ca u dang tra i qua cu so c li ch su

Các công ty tinh chế cũng đang chịu áp lực rất lớn. Trong những năm gần đây, thị trường chứng kiến sự gia tăng đầu tư lớn vào lĩnh vực lọc dầu với công suất lắp đặt mới đạt hơn 2 triệu thùng/ngày trong năm 2019. Cũng trong báo cáo dầu trung hạn của IEA được công bố vào đầu tháng 3/2020, IEA đã dự báo công suất lọc dầu sẽ tăng nhanh hơn nhiều so với nhu cầu sản phẩm tinh chế trong những năm tới. Tuy nhiên, sự sụt giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm đầu ra đã làm giảm biên độ lợi nhuận cũng như gia tăng lượng tồn kho trong các nhà máy. Nhiều công ty tinh chế chưa kịp điều chỉnh hoạt động từ những thay đổi trong tiêu dùng như đáp ứng các quy định mới đối với hàm lượng lưu huỳnh trong nhiên liệu vận tải biển của Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO), nay lại phải tìm cách duy trì hoạt động trong điều kiện khủng hoảng đầu ra.

Nhằm đối phó với khủng hoảng, nhiều công ty tinh chế đã điều chỉnh các khoản đầu tư và kế hoạch hoạt động. Nhiều khả năng sẽ có một làn sóng đóng cửa các nhà máy lọc dầu. Điều này sẽ thúc đẩy tái cấu trúc ngành công nghiệp lọc dầu theo hướng phát triển các cụm công nghiệp lọc dầu gần các cơ cở nguồn cung dầu giá rẻ (Trung Đông) hoặc các cụm công nghiệp lọc dầu ở những khu vực tăng trưởng kinh tế cao (các nước đang phát triển tại châu Á-TBD).

Trong cuộc khủng hoảng này, các quốc gia phụ thuộc vào nguồn thu dầu mỏ chịu ảnh hưởng nặng nền. Theo IEA, rủi ro từ điều kiện thị trường khiến một số nền kinh tế dầu mỏ dễ bị tổn thương. Thu nhập ròng dầu mỏ của các quốc gia xuất khẩu dầu năm 2020 ước tính giảm từ 50-85% so với năm 2019. Sự sụt giảm này có thể lớn hơn tùy thuộc vào mức độ sụt giảm nhu cầu và tình hình suy thoái kinh tế thời gian tới. Các quốc gia dầu mỏ như Nigeria và Iraq sẽ gặp khó khăn trong trả lương và đảm bảo các dịch vụ thiết yếu về giáo dục và sức khỏe cho người dân. Một số quốc gia Vùng Vịnh sẽ bị thâm hụt ngân sách từ 10-12% GDP.

Sự sụp đổ giá dầu sẽ tác động đến các lĩnh vực khác trong ngành năng lượng, nhất là ngành khí do nhiều hợp đồng cung cấp khí đốt dài hạn quy định giá khí trên cơ sở giá dầu. Trong điều kiện giá dầu biến động, một số nhà cung cấp khí được hỗ trợ về giá từ thị trường giao dịch. Tuy nhiên, việc giá dầu ở mức 25 USD/thùng có thể khiến một số nhà sản xuất khí đốt quốc tế phải vật lộn trang trải chi phí vận hành và không nhận được bất kỳ hỗ trợ nào từ thị trường.

nga nh co ng nghie p da u mo toa n ca u dang tra i qua cu so c li ch su

Nhu cầu khí chịu ít tác động tức thời của cuộc khủng hoảng giá so với nhu cầu dầu vì nhiên liệu khí đốt ít phổ biến trong ngành vận tải. Tuy nhiên, các ngành năng lượng và công nghiệp sử dụng khí đốt sẽ vẫn bị ảnh hưởng do những rủi ro về nguồn cung và suy thoái kinh tế. Việc nhu cầu giảm trong điều kiện giá thấp buộc các nhà sản xuất khí phải tính đến phương án tạm dừng cung cấp. Trong đó, những nhà sản xuất khí có chi phí cao và phụ thuộc vào thị trường giao ngay sẽ là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Cuộc khủng hoảng dầu mỏ hiện nay cho thấy đã đến lúc các công ty dầu khí cần xây dựng lại tầm nhìn hoạt động trước những tác động từ xu hướng chuyển đổi năng lượng đối với mô hình kinh doanh của mình. Mặc dù nhu cầu dầu sẽ tăng trở lại sau khủng hoảng, song cấu trúc tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ có nhiều thay đổi. Bên cạnh đó, việc cắt giảm mạnh đầu tư vào lĩnh vực thượng nguồn sẽ ảnh hưởng đến triển vọng trung hạn của nguồn cung. Điều này sẽ tác động đáng kể đến an ninh năng lượng và phát triển bền vững.

https://nangluongquocte.petrotimes.vn/

Phạm TT

Theo: IEA.