Giới đầu tư dầu khí "thoát hiểm" trong xung đột Iran - Israel?

15:30 | 01/07/2025

|
(PetroTimes) - Cú sốc dầu mỏ đã được né tránh? Suốt hai tuần qua, lãnh đạo các nước và giới giao dịch hàng hóa luôn trong trạng thái lo lắng tột độ, khi căng thẳng giữa Iran và Israel bùng phát thành xung đột. Đỉnh điểm là cuối tuần vừa rồi, khi Mỹ trực tiếp can thiệp, ném bom ba cơ sở hạt nhân của Iran bằng loại bom xuyên boongke uy lực.
Giới đầu tư dầu khí
Hình minh họa

Diễn biến này đã bác bỏ nhận định phổ biến rằng Tổng thống Donald Trump thường “chùn bước”, theo bình luận của ông Simon Nixon trên Substack. Thực tế, không phải sự kiện địa chính trị nào cũng gây ảnh hưởng lớn đến thị trường, nhưng những sự kiện thực sự nghiêm trọng - như khủng hoảng dầu mỏ thập niên 1970, hay xung đột Nga - Ukraine năm 2022 - đều để lại hậu quả kinh tế rõ rệt.

Đòn đáp trả “giữ thể diện” của Iran

Việc Mỹ điều máy bay ném bom B-2 Spirit tấn công các mục tiêu hạt nhân tại Iran được xem là vượt qua “lằn ranh đỏ”, mà Tehran từng nhiều lần cảnh báo. Cả thế giới theo dõi sát sao phản ứng từ phía Iran. Quốc hội Iran đã bỏ phiếu đề xuất đóng eo biển Hormuz, tuyến vận tải chiếm khoảng 30% lượng dầu thô vận chuyển bằng đường biển toàn cầu. Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng nếu điều này xảy ra, giá dầu có thể vượt ngưỡng 100 USD/thùng.

Tuy nhiên, đến thứ Hai, tình hình có chuyển biến. Iran không đóng eo biển Hormuz, mà thay vào đó phóng tên lửa vào một căn cứ gần như không có người của Mỹ tại Qatar - và hành động này đã được thông báo trước. Đây được coi là bước đi “giữ thể diện” của Iran. Đến tối thứ Ba, một thỏa thuận ngừng bắn mong manh đã được thiết lập.

Theo các phóng viên Malcolm Moore, George Steer và Jamie Smyth của Financial Times, giá dầu Brent bắt đầu giảm chỉ 7 phút sau khi Iran phóng tên lửa. 2 giờ sau, giá đã giảm hơn 7%. Dù tên lửa được phóng đi, thị trường cho rằng hành động này giúp hạ nhiệt căng thẳng, thay vì làm leo thang thêm tình hình. Ảnh vệ tinh cho thấy Mỹ đã rút máy bay khỏi căn cứ từ trước. “Mọi thứ đã được sắp xếp. Chúng tôi biết căn cứ đó trống rỗng”, Jorge Montepeque từ Onyx Capital nhận định.

Chỉ trong hai ngày đầu tuần, giá dầu Brent giảm gần 13%, xuống dưới 68 USD/thùng, do lo ngại về Iran lắng dịu. Thị trường chứng khoán toàn cầu cũng khởi sắc. Chỉ số S&P 500 của Mỹ tăng mạnh, gần chạm mức kỷ lục ghi nhận hồi tháng 2.

Theo Tom Holland và Tom Miller của Gavekal Research, nguy cơ Iran thực sự đóng eo biển Hormuz có thể đã bị thổi phồng. Đóng tuyến hàng hải này sẽ không gây ảnh hưởng lớn đến Mỹ, do phần lớn lượng dầu đi qua khu vực này hiện được xuất khẩu sang châu Á. Trung Quốc hiện nhập khoảng một nửa lượng dầu từ vùng Vịnh. Nếu eo biển Hormuz bị phong tỏa, các nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ là những quốc gia đồng minh, hoặc đối tác của Iran, thay vì đối thủ của họ.

Dự báo dư cung dầu mỏ

Trước đây, một cuộc tấn công của Israel vào chương trình hạt nhân Iran từng được xem là mối đe dọa lớn nhất đối với thị trường dầu mỏ. Nhiều chuyên gia từng dự báo giá dầu có thể vượt 200 USD/thùng. Tuy nhiên, sự bùng nổ dầu đá phiến tại Mỹ đã thay đổi toàn bộ cục diện.

Hiện nay, dù căng thẳng leo thang tại eo biển Hormuz, thị trường lại đối mặt với nguy cơ dư cung. OPEC tăng sản lượng, còn Iran - dù vừa trải qua hai tuần bị không kích - vẫn có thể đạt mức khai thác cao nhất trong 7 năm ngay trong tháng này.

Lịch sử cho thấy, ngay cả trong hai cuộc xung đột vùng Vịnh, dầu vẫn được vận chuyển gần như không gián đoạn. Sau đó, nguồn cung còn tăng mạnh. Nếu điều này lặp lại, giá dầu có thể sẽ giảm đáng kể trong thời gian tới.

Theo nhà báo Ambrose Evans-Pritchard (The Telegraph), cách mạng dầu đá phiến tại Mỹ đã làm thay đổi cán cân địa chính trị. Mỹ hiện là nhà khai thác dầu thô, sản phẩm dầu khí lớn nhất thế giới. Các công ty Mỹ liên tục bổ sung sản lượng, tương đương việc tạo ra một “mỏ dầu khổng lồ mới sau mỗi ba năm”.

Trước đây, Mỹ từng e ngại tấn công Iran vì lo thiếu dầu. Nhưng giờ, nhờ tự chủ năng lượng cao, Washington có đủ sức ép để đối đầu Tehran. “Đây rõ ràng là một chiến thắng chính trị lớn của ông Trump”, ông nói thêm.

Tạm dừng, chưa phải hòa bình

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu được cho là đã giành một “chiến thắng rực rỡ, nhưng tiềm ẩn rủi ro”, theo The Economist. Bất chấp áp lực từ Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu dừng không kích Iran, động thái quân sự mới đây vẫn được xem là thắng lợi lớn của ông Netanyahu. Với dân số chỉ khoảng 10 triệu người, Israel đã giành ưu thế trên không tại phần lớn Trung Đông, và kiểm soát các đối thủ nguy hiểm trong cuộc xung đột nhiều mặt trận kể từ ngày 7/10/2023.

Thị trường tài chính phản ánh phần nào sự thay đổi này. Chỉ số chứng khoán TA-125 của Israel tăng 11,5% trong một tháng - vượt xa mức trung bình của toàn cầu, bất chấp các vụ tên lửa rơi xuống Tel Aviv và Haifa. Giới đầu tư dường như tin rằng rủi ro tại Israel đang giảm, do mối đe dọa từ Iran và Hezbollah suy yếu. Điều này có thể thu hút thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, các yếu tố bất định vẫn hiện hữu. Iran có thể đẩy nhanh chương trình hạt nhân nhằm răn đe các cuộc tấn công tiếp theo. Trong khi đó, xung đột Israel - Palestine chưa có lối ra, và áp lực quốc tế đang gia tăng.

Nhà báo Marc Champion (Bloomberg) nhận định: “Thỏa thuận ngừng bắn có thể tạm duy trì, do Iran đã chịu thiệt hại lớn và chưa thể phản công ngay. Nhưng một nền hòa bình thực sự giữa Iran và Israel vẫn là điều xa vời”.

Rosneft đẩy mạnh đầu tư dầu khí giữa lúc thế giới thắt chặt chi tiêuRosneft đẩy mạnh đầu tư dầu khí giữa lúc thế giới thắt chặt chi tiêu
Đầu tư dầu khí thế giới lao dốcĐầu tư dầu khí thế giới lao dốc
Vì sao các ngân hàng thế giới tăng mạnh tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch?Vì sao các ngân hàng thế giới tăng mạnh tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch?

Nh.Thạch

AFP