Vì sao Nga vượt Mỹ trong cung cấp LNG cho thị trường châu Âu?

16:43 | 08/03/2021

|
(PetroTimes) - Theo các chuyên gia Nga, Nga đang dẫn trước Mỹ về nguồn cung LNG tại thị trường này vì Mỹ đã xuất khẩu phần lớn LNG của mình sang thị trường châu Á, nơi có giá bán cao hơn châu Âu.
Novatek cung cấp LNG cho Trung Quốc từ dự án LNG 2 Bắc CựcNovatek cung cấp LNG cho Trung Quốc từ dự án LNG 2 Bắc Cực
Shell dự báo nhu cầu LNG toàn cầu sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040Shell dự báo nhu cầu LNG toàn cầu sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040
Vì sao Nga vượt Mỹ trong cung cấp LNG cho thị trường châu Âu?

Tuy nhiên, vị thế của Nga chỉ được đảm bảo vững chắc, lâu dài trên thị trường khi nước này gia tăng đáng kể công suất hóa lỏng và xuất khẩu LNG trong thời gian tới.

Tại buổi thuyết trình giới thiệu báo cáo LNG Outlook 2021 của Shell, đại diện của Tập đoàn này tại Nga Sederic Kremers cho biết, trong năm 2020, Nga đã xuất khẩu LNG sang châu u nhiều hơn Mỹ, bất chấp việc cựu Tổng thống Mỹ D.Trump tích cực quảng bá, chào sản phẩm LNG của Mỹ vào thị trường này. Về tổng thể trong năm vừa qua, EU đã nhập khẩu tổng cộng 84 triệu tấn LNG, trong đó có 22 triệu tấn từ Nga và 20 triệu tấn từ Mỹ.

Các nguồn tin khác cũng cho biết, đây không phải là năm đầu tiên Nga vượt Mỹ về cung cấp LNG cho thị trường châu Âu. Theo đó, trong năm 2019, Nga đã xuất khẩu sang châu Âu 15,1 triệu tấn trong khi từ Mỹ là 12,7 triệu tấn. Trong năm 2018, nguồn cung LNG từ Nga cho châu Âu đạt 4,4 triệu tấn, từ Mỹ là 2,7 triệu tấn. Các chuyên gia Nga cho rằng, trong năm 2020, nguồn cung LNG của Nga xuất sang thị trường châu Âu đã cao hơn một chút so với đối thủ là do các nhà cung cấp LNG Mỹ xuất khẩu phần lớn sản lượng của mình sang thị trường châu Á, nơi giá LNG tăng vọt trong bối cảnh thời tiết lạnh giá. Mặc dù mức tiêu thụ LNG tại thị trường này giảm mạnh vào giữa năm 2020 do sự lây lan của đại dịch Covid-19, nhưng đến cuối năm đã bắt đầu phục hồi và đạt mức kỷ lục dưới ảnh hưởng của điều kiện thời tiết lạnh khắc nghiệt.

Tại châu Á, sự thiếu hụt các đường ống cung cấp khí đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng giá khí đốt thực sự. Lượng mua từ Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc không ngừng tăng lên. Chi phí cho 1000 m3 khí có thời điểm đã vượt mốc 1000 USD. Chỉ riêng trong tháng 12/2020, 40 tàu chở LNG của Mỹ đã lên đường đến khu vực châu Á.

Thời tiết lạnh khắc nghiệt cũng bao trùm toàn bộ châu Âu những ngày qua. Tuy nhiên, thị trường này có đủ các nguồn cung để bổ sung nhu cầu. Do đó, người tiêu dùng châu Âu có thể từ chối mua LNG với giá giao ngay cao hơn nhiều so với khí đốt đường ống. Tính đến cuối năm 2020, thị phần khí đốt của Gazprom tại thị trường này đã tăng lên 34%. Điều này góp phần thúc đẩy các nhà cung cấp LNG của Mỹ hướng đến thị trường châu Á, nơi có thể kiếm lợi nhuận nhiều hơn. Còn về phía Nga, các nhà xuất khẩu khí đường ống và LNG có thêm khoảng trống thị trường để tăng nguồn cung khí cho thị trường châu Âu.

Gia tăng cạnh tranh

Mặc dù vượt qua Mỹ, song các chuyên gia Nga không nhấn mạnh nhiều đến động lực cung cấp LNG cho thị trường châu Âu mà cả cho các thị trường tiêu thụ khác. Điều quan trọng hơn là sản lượng sản xuất LNG và phân phối. Xét ở góc độ này, Nga vẫn kém hơn so với các nhà sản xuất Mỹ. Theo số liệu của Cơ quan thống kê LB Nga, sản lượng LNG trong năm 2020 của Nga tăng nhẹ so với năm 2019 và vượt mốc 30 triệu tấn. Gần như toàn bộ lượng LNG này được xuất khẩu. Trong khi tại Mỹ, tăng trưởng sản xuất LNG đạt hơn 30% và đạt sản lượng 50 triệu tấn/năm. Giới chuyên gia Nga cho rằng, các công ty Nga khó có thể gia tăng đáng kể khối lượng xuất khẩu LNG trong năm 2021 và 2022. Theo kế hoạch chiến lược của Bộ Năng lượng LB Nga, sản xuất LNG ở Nga sẽ tăng lên 120-140 triệu tấn/năm sau năm 2035. Đồng thời, sự phát triển của lĩnh vực này sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố. Một trong số đó là sự cạnh tranh với các nguồn cung khí đốt đường ống của Nga.

Giá LNG giao ngay thường ít có lợi cho người tiêu dùng hơn so với giá khí đường ống. Ngoài ra, sự cạnh tranh với các nhà sản xuất LNG hàng đầu như Úc, Qatar, Mỹ, Malaysia sẽ vẫn gay gắt. Nhu cầu LNG toàn cầu được dự báo tăng trưởng trong dài hạn. Do đó, nhiều quốc gia đang tăng cường sản xuất nhiên liệu này. Các chuyên gia Nga kết luận rằng, lợi nhuận và thị phần lớn nhất sẽ thuộc về các quốc gia, công ty linh hoạt và nhanh chóng nhất trong việc ra quyết định.

Viễn Đông