Sinopec cảnh báo sự ổn định của thị trường khí đốt thế giới

09:01 | 23/05/2025

|
(PetroTimes) - Thị trường khí đốt toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức mang tính cơ cấu, trong đó đáng chú ý là căng thẳng địa chính trị, hệ thống hạ tầng phát triển không đồng đều và áp lực ngày càng lớn từ các nguồn năng lượng tái tạo.
Sinopec cảnh báo sự ổn định của thị trường khí đốt thế giới
Chủ tịch Sinoopec Ma Yongsheng phát biểu tại WGC 2025 ở Bắc Kinh vào thứ Tư. Ảnh: WGC 2025

Phát biểu tại Hội nghị Khí đốt Thế giới 2025 tổ chức tại Bắc Kinh, ông Ma Yongsheng, Chủ tịch Tập đoàn Sinopec, nhấn mạnh các vấn đề này có thể cản trở đáng kể vai trò của khí đốt trong quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu.

“Muốn khí đốt phát huy hết tiềm năng trong quá trình chuyển dịch năng lượng, chúng ta cần tháo gỡ một số nút thắt lớn”, ông Ma nói. Ông chỉ ra ba rào cản chính: Bất ổn địa chính trị, hạ tầng thiếu đồng bộ và sự cạnh tranh khốc liệt từ năng lượng tái tạo.

Châu Á – Thái Bình Dương: Động lực chính của tăng trưởng khí đốt

Dù còn nhiều khó khăn, ông Ma vẫn khẳng định khí đốt sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn chuyển tiếp sang các nguồn năng lượng sạch hơn – đặc biệt tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nơi đang dẫn đầu đà tăng trưởng nhu cầu khí đốt toàn cầu.

Năm ngoái, khu vực này đóng góp hơn một nửa mức tăng nhu cầu khí đốt toàn cầu. Riêng Trung Quốc vẫn giữ vị thế là thị trường tăng trưởng mạnh nhất, với mức tiêu thụ khí đốt trong năm 2024 tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Ma dự báo nhu cầu khí đốt của Trung Quốc sẽ đạt đỉnh trong giai đoạn 2035–2040, ước tính vào khoảng 620 tỷ mét khối mỗi năm – tức tăng khoảng 47% so với hiện tại. Theo ông, khí đốt sẽ là một phần không thể thiếu trong chiến lược giảm phát thải carbon của Trung Quốc trong 20 năm tới.

Chiến sự và bài toán chuyển đổi năng lượng

Ông Ma cũng chỉ ra rằng cuộc chiến Nga – Ukraine đã làm thay đổi cán cân cung – cầu toàn cầu, khiến châu Âu phải gia tăng mạnh nhập khẩu LNG – tăng tới 72% so với năm 2021.

Mặc dù các nước châu Âu đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, ông cho rằng chi phí đầu tư cao và tốc độ triển khai còn chậm khiến khí đốt vẫn sẽ là nguồn năng lượng thiết yếu trong ngắn hạn.

Mỹ vượt lên vị trí số 1 về xuất khẩu LNG, Qatar – châu Phi đua nhau nâng công suất

Về nguồn cung, Mỹ đã vươn lên thành quốc gia xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới với hơn 85 triệu tấn trong năm ngoái, chiếm 21% tổng khối lượng giao dịch LNG toàn cầu — một bước nhảy ấn tượng so với con số chỉ 0,1% cách đây 10 năm.

Trong khi đó, Qatar đang đẩy nhanh tiến độ mở rộng công suất, hướng đến mục tiêu đạt 126 triệu tấn mỗi năm vào 2027. Các hợp đồng dài hạn với châu Á giúp nước này củng cố an ninh năng lượng cho khu vực.

Châu Phi cũng không đứng ngoài cuộc: Nhiều dự án xuất khẩu LNG đang được triển khai, giúp khu vực này ngày càng khẳng định vị thế trên bản đồ khí đốt toàn cầu.

Tuy nhiên, ông Ma – Chủ tịch Sinopec – cảnh báo: Thương mại LNG đã bùng nổ với mức tăng 66% trong một thập kỷ qua và có nguy cơ dư cung trong vài năm tới. Dự báo đến 2030, công suất hóa lỏng LNG toàn cầu sẽ tăng thêm khoảng 420 triệu tấn, trong khi nhu cầu nhập khẩu mới chỉ chiếm dưới 40% con số đó.

Để kiểm soát rủi ro và giữ cho nguồn cung khí đốt ổn định, ông Ma kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế, tập trung vào ba ưu tiên chính: Thứ nhất, kết nối hạ tầng xuyên biên giới thông qua việc mở rộng và liên kết các tuyến ống dẫn khí giữa các quốc gia, nhằm khắc phục sự mất cân đối giữa nơi khai thác và nơi tiêu thụ; thứ hai, thắt chặt hợp tác khu vực bằng cách thiết lập cơ chế phối hợp ứng phó khẩn cấp, để xử lý các tình huống khủng hoảng một cách nhanh chóng và đồng bộ; và cuối cùng, hoàn thiện khung thị trường với các cơ chế định giá carbon, tiêu chuẩn phát thải methane, cũng như xây dựng một trung tâm định giá khí đốt cho khu vực châu Á.

Phía sau việc Sinopec tiếp tục mua dầu thô của NgaPhía sau việc Sinopec tiếp tục mua dầu thô của Nga
Sinopec lập kỷ lục mới với giếng khoan thẳng sâu hơn 5.300 métSinopec lập kỷ lục mới với giếng khoan thẳng sâu hơn 5.300 mét

Nh.Thạch

AFP