OPEC+ kiểm tra sức chịu đựng của thị trường
Iraq tăng xuất khẩu dầu thô bất chấp quyết định của OPEC+ |
Dầu Urals đánh mất lợi thế so với dầu Brent tại thị trường Tây Bắc Âu |
Nhiều quan điểm cho rằng, giai đoạn này sẽ kéo dài đến cuối năm 2020 và sẽ tránh được tình trạng quá nóng của thị trường. Theo thông báo của Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak, thị trường dầu thô trong tháng 7 về cơ bản đã cân bằng và có nguy cơ thâm hụt nguồn cung khi các thành viên OPEC+ tuân thủ nghĩa vụ cắt giảm sản lượng và tình trạng sụt giảm nguồn cung ở nhiều quốc gia sản xuất dầu mỏ ngoài liên minh.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh hơn ở phạm vi toàn cầu, bước đi này của OPEC+ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo các chuyên gia của Rystad Energy, những thử nghiệm của OPEC+ về tăng trưởng sản xuất dầu thô trong tháng 8 này có thể gây ra những tác dụng ngược vì giai đoạn tồi tệ nhất đối với nhu cầu dầu mỏ trên thị trường vẫn chưa kết thúc. Thị trường sẽ lại rơi vào tình trạng dư cung, đồng thời khả năng thâm hụt nguồn cung sẽ không xảy ra cho đến tháng 12 năm nay.
Ở một góc nhìn khác, các thỏa thuận thực tế của liên minh cho thấy rằng, những "khoản nợ" cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô của một số thành viên OPEC+ chưa tuân thủ nghiêm túc trong tháng 5 và 6 vừa qua sẽ phải được hoàn trả trong giai đoạn từ tháng 7-9 này. Do đó, khối lượng cắt giảm thực tế trong tháng 8 sẽ cao hơn mục tiêu đặt ra của OPEC+. Bộ trưởng Năng lượng Ả rập Saudi Abdulaziz bin Salman đánh giá, nếu tính đến khoản cắt giảm bổ sung của một số thành viên OPEC+ thì hạn ngạch cắt giảm của liên minh trong tháng 8 và 9 có thể lên tới 8,3 triệu thùng/ngày, cao hơn mục tiêu là 7,7 triệu thùng/ngày.
Danh sách các thành viên phải cắt giảm bổ sung sản lượng khai thác gồm Nigeria, Iraq, Angola, Kazakhstan và một số nhà sản xuất nhỏ khác. Nếu OPEC+ tiếp tục duy trì kỷ luật cao, cũng như các nhà sản xuất nêu trên thực hiện cam kết giảm bổ sung thì liên minh OPEC+ có thể tạo ra một vùng đệm nhất định, hỗ trợ cho thị trường dầu thô lúc này đang gặp nhiều rủi ro. Về tổng thể, theo quan điểm của các Bộ trưởng Năng lượng Nga và KSA, gia tăng nguồn cung sẽ đảm bảo cho thị trường tiêu thụ nội địa của các thành viên liên minh khi nhu cầu tăng lên theo mùa.
Ý kiến chuyên gia
Theo chuyên gia dầu khí cao cấp tại Trung tâm năng lượng, Trường quản lý Mátxcơva "Skolkovo" Ekaterina Grushevenko, thị trường dầu thô hiện tại đang tiếp tục duy trì trạng thái biến động mạnh. Một mặt đến từ những tin tức về tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ nội địa ở Trung Quốc, sụt giảm số lượng giàn khoan, trữ lượng dầu thô thương mại và những dự báo suy giảm khai thác dầu thô tại Mỹ. Mặt khác, thị trường lại đón nhận những tin tức về việc tái áp dụng các biện pháp hạn chế, tự cách ly tại Mỹ và việc Ấn Độ đóng cửa các nhà máy tinh chế dầu thô để bảo trì. Vấn đề lấp đầy các cơ sở lưu trữ dầu thô toàn cầu vẫn đang được cập nhật. Do đó, diễn biến thị trường sẽ phụ thuộc vào sự chênh lệch giữa nguồn cung và nhu cầu tiêu thụ trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý rằng, sự bất ổn định của thị trường hiện nay còn liên quan đến những làn sóng mới của đại dịch Covid-19.
Chuyên gia Edger Kuplace của ngân hàng Saxo Bank cho biết, khả năng ảnh hưởng của OPEC+ đến thị trường bằng những công cụ về hạn ngạch sản xuất dầu sẽ bị hạn chế trong thời gian ngắn. Trong triển vọng ngắn hạn, thị trường sẽ dồn sự tập trung đến trữ lượng dầu thô của Mỹ như một chỉ báo cho sự phục hồi nhu cầu toàn cầu. Bên cạnh đó, thời gian này cũng đang chứng kiến làn sóng đại dịch lần hai lây lan ở một số khu vực trên thế giới và triển vọng phục hồi nhanh của ngành vận tải hàng không đang mờ dần.
Chuyên gia Driscoll của JTD Energy Services chia sẻ với hãng tin CNBC (Mỹ) rằng, rất khó để dự đoán nền kinh tế thế giới và kinh tế Mỹ phục hồi như thế nào vào cuối năm 2020. Các thành viên OPEC+ phải hết sức thận trọng khi đưa ra các biện pháp mang tính cân bằng giữa việc hỗ trợ giá dầu tăng và giữ cho sản lượng khai thác dầu thô tại Mỹ ở mức thấp nếu không muốn trở thành nạn nhân của chính mình. Nếu giá dầu vượt ngưỡng 45 USD/thùng và 50 USD/thùng trong thời gian tới, có thể sẽ thúc đẩy các công ty dầu khí độc lập của Mỹ gia tăng sản xuất trở lại. Triển vọng tăng nhu cầu tiêu thụ dầu thô tại Mỹ đang khá mờ nhạt khi hàng loạt kế hoạch du lịch hè bị hủy và nhiều nơi tái áp dụng các biện pháp hạn chế. Quá trình phục hồi nhu cầu tiêu thụ sẽ phụ thuộc và tình hình lây nhiễm đại dịch và phát triển các loại vắc-xin Covid-19.
Theo các chuyên gia phân tích của Oil Price, việc nới lỏng cắt giảm sản lượng của OPEC+ xuống còn 7,7 triệu thùng/ngày từ ngày 1/8 đang đè nặng lên tâm lý thị trường mặc dù KSA cam kết giữ nguyên sản lượng xuất khẩu và không vội vàng tăng nguồn cung ra thị trường.
Kết thúc tháng 7, các bên chưa tuân thủ thỏa thuận là Iraq, Nigeria chưa đạt được nhiều tiến bộ trong cắt giảm sản lượng. Thời điểm OPEC+ nới lỏng hạn ngạch cắt giảm trùng với những lo ngại ngày càng tăng về số ca nhiễm Covid-19 mới tăng mạnh ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là tại Mỹ. Điều này có thể ngăn chặn sự phục hồi ổn định nhu cầu dầu. Giới đầu tư đánh giá không cao về khả năng phục hồi nhanh của thị trường trong nửa cuối năm 2020.
Theo World Oil, những thử nghiệm của OPEC+ nhằm tăng sản lượng có thể mang lại tác dụng ngược vì thế giới chưa tìm ra được sự gia tăng nhu cầu đáng kể nào trong mùa hè này. Nhu cầu xăng dầu tại Mỹ vẫn ở mức dưới trung bình ngay cả khi vào đợt cao điểm của mùa hè. Tại châu Á, một số quốc gia ngăn chặn thành công làn sóng lây nhiễm đầu tiên như Trung Quốc, Hồng Kông, Việt Nam, Nhật Bản đang phải vật lộn để kiềm chế các đợt bùng phát mới. Tồn kho xăng dầu đang tăng lên. Rystad Energy dự báo, lượng cung sẽ vượt cầu khoảng 700.000 thùng/ngày trong tháng 8 và lên tới 2 triệu thùng/ngày trong tháng 9 tới. Tình trạng dư cung sẽ duy trì trong khoảng từ 2-4 tháng. Tuy nhiên, OPEC+ có thể điều chỉnh quyết định của mình sau cuộc họp của Ủy ban giám sát vào ngày 18/8 tới đây trên cơ sở diễn biến hồi phục của thị trường. Nếu giá dầu giảm xuống mức 30-35 USD/thùng, nhiều khả năng OPEC+ sẽ siết chặt hạn ngạch cắt giảm sản lượng.
Nhận định
Theo nhận định của các chuyên gia Nga và phương Tây, quyết định của OPEC+ có phần hơi mạo hiểm trong bối cảnh làn sóng Covid-19 gia tăng tại Mỹ và bùng phát trở lại ở nhiều quốc gia, đe dọa suy thoái kinh tế trầm trọng hơn ở các thị trường lớn. Tuy nhiên, cũng nên lưu ý vị trí của ngành sản xuất dầu khí Nga trong quyết định nới lỏng hạn ngạch cắt giảm sản lượng của OPEC+.
Ngay tại thời điểm ký thỏa thuận OPEC+ mới (12/4), các chuyên gia dầu khí của Nga nhận định, việc cắt giảm sản lượng lớn nhất lịch sử của Nga theo thỏa thuận OPEC+ sẽ đe dọa đến khả năng phục hồi của các giếng nằm trong diện phải tạm ngừng khai thác trong thời gian thực hiện nghĩa vụ. Nhiều giếng khai thác có thể bị đóng vĩnh viễn, không thể phục hồi nếu thời gian cắt giảm sản lượng kéo dài. Ước tính khoảng thời gian 3 tháng (từ tháng 5-7) là khoảng thời gian hợp lý và "chịu đựng" được của các giếng bị dừng tạm thời. Nếu kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng, một số giếng có thể bị mất sản lượng vĩnh viễn, gây thiệt hại không nhỏ cho các nhà sản xuất dầu khí tại Nga. Trong khi đó, khai thác dầu thô tại các quốc gia thành viên OPEC, nhất là Ả rập Saudi có lợi thế về mặt kỹ thuật hơn khi có thể điều chỉnh sản lượng linh hoạt, khả năng tăng hoặc giảm sản lượng khai thác trong thời gian ngắn. Do đó, nhiều khả năng việc OPEC+ quyết định nới lỏng sản lượng từ đầu tháng 8 này là nằm trong tính toán của Nga từ trước vì có liên quan chặt chẽ đến đặc thù sản xuất dầu thô của nước này.
Mặc dù quyết định của OPEC+ đưa ra vào thời điểm đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hơn, triển vọng kinh tế thế giới, kinh tế Mỹ và EU không mấy lạc quan, song có lẽ quyết định nới lỏng của OPEC+ không chỉ đảm bảo thỏa thuận đang đi đúng lộ trình, đảm bảo quyền lợi của các nhà sản xuất trong liên minh mà còn là công cụ để thăm dò phản ứng của thị trường trước phiên họp của Ủy ban giám sát vào ngày 18/08 tới. Các nhà sản xuất, nhất là Ả rập Saudi đang khá thận trọng trong việc đưa ra các quyết định liên quan đến xuất khẩu và giá bán dầu thô chính thức tháng 9. Mặc dù đà phục hồi của giá dầu đang khá mong manh và chịu nhiều áp lực giảm trong bối cảnh khủng hoảng đại dịch, tuy nhiên nhiều khả năng xu hướng phục hồi của thị trường sẽ tiếp diễn trong dài hạn khi mà công tác điều chế vắc-xin tiến triển tích cực và nhiều quốc gia đang thay đổi các biện pháp chống dịch theo hướng chấp nhận "sống chung" với dịch (chủ động phòng ngừa, tăng cường xét nghiệm, nâng cao phác đồ điều trị, dự phòng vật tư y tế) để tránh phải đóng cửa cách ly nhằm khôi phục từng bước nền kinh tế.
Phạm TT
- Tại sao giá dầu vẫn ổn định bất chấp xung đột ở Trung Đông?
- Châu Á tự tin xung đột Iran-Israel sẽ không ảnh hưởng đến nguồn dầu từ vùng Vịnh?
- Libya khôi phục sản lượng, gây thêm áp lực giảm giá dầu thô
- Ngân hàng Anh đưa ra cảnh báo cú sốc về giá dầu
- Nigeria đề xuất nhiều ưu đãi thuế mới để thu hút đầu tư khí đốt