Những sự kiện nổi bật trên thị trường Năng lượng Quốc tế tuần qua

09:00 | 01/01/2021

|
(PetroTimes) - Giá dầu ngày cuối cùng của năm 2020 tăng trước những dự báo lạc quan về thị trường dầu trong năm 2021; Mexico hạn chế các công ty tư nhân nhập khẩu nhiên liệu; Campuchia lần đầu tiên khai thác dầu mỏ... là những sự kiện nổi bật trên thị trường Năng lượng Quốc tế tuần qua.

Giá dầu ngày cuối cùng của năm 2020 tăng

Ngày 31/12/2020, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao dịch ở ngưỡng 48,4 USD/thùng - tăng 0,83%, trong khi giá dầu Brent dừng lại ở mức 51,34 USD/thùng - tăng 0,49%. Sự xuất hiện của vaccine ngừa Covid-19 đang giúp hồi phục nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu và thị trường dầu thế giới có thể quay trở lại mức trước đại dịch vào năm 2021, theo nhận định của Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng dự báo tích cực về thị trường dầu năm 2021. Theo đó, các yếu tố như việc nhiều quốc gia trên thế giới khởi động chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, sự hồi phục của nền kinh tế Trung Quốc cũng như việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đối tác (OPEC+) đạt thỏa thuận về tăng sản lượng đều là các tín hiệu lạc quan đối với thị trường dầu trong năm tới.

Mexico hạn chế các công ty tư nhân nhập khẩu nhiên liệu

Đạo luật mới nhất hạn chế nhập khẩu các sản phẩm dầu tinh chế của các công ty tư nhân được coi là một động thái của chính quyền Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador nhằm tăng cường sự hỗ trợ của nhà nước đối với Pemex và biến công ty do nhà nước điều hành trở thành trụ cột trong bối cảnh sản lượng dầu suy giảm.

Theo quy định mới nhất do Bộ Năng lượng Mexico ban hành và có hiệu lực từ ngày 28/12, Bộ này sẽ không cấp giấy phép 20 năm cho các công ty tư nhân nhập khẩu nhiên liệu, thay vào đó, thời hạn chỉ còn 5 năm.

Campuchia lần đầu tiên khai thác dầu mỏ

Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm 29/12 thông báo rằng vương quốc này đã lần đầu tiên khai thác dầu trong vùng lãnh hải của mình. Dầu thô được khai thác tại một khu vực ngoài khơi Sihanoukville (phía Nam). Campuchia đã bị tụt lại phía sau, mặc dù tập đoàn khổng lồ của Mỹ Chevron đã xác định được trữ lượng dầu đầu tiên của nước này từ năm 2005. Chính phủ Campuchia và Chevron cuối cùng đã không thống nhất được tỉ lệ ăn chia. Phnom Penh cuối cùng đã ký hợp đồng vào năm 2017 với một công ty Singapore, KrisEnergy. KrisEnergy hiện sở hữu 95% quyền khai thác dầu, phần còn lại thuộc về chính phủ Campuchia. Ban đầu công ty này dự kiến ​​sản lượng tối đa là 7.500 thùng/ngày.

Nga mở rộng hợp tác dầu khí ở Trung Á

Gazprom Neft và Sibur ký kết thỏa thuận hợp tác tìm hiểu cơ hội triển khai các dự án đầu tư tiềm năng tại Uzbekistan, bao gồm nghiên cứu khả năng tham gia vào dự án mở rộng tổ hợp hóa khí Shurtan tại quốc gia Trung Á này. Ngoài ra, hai công ty dầu khí và hóa chất của Nga cũng sẽ xem xét khả năng đầu tư xây dựng khu liên hợp hóa khí dựa trên nguồn tài nguyên khai thác tại chỗ công suất 3 tỷ m3/năm trị giá khoảng 1 tỷ USD.

Trung Quốc triển khai năng lượng tái tạo với tốc độ "chưa từng có"

Trung Quốc có kế hoạch triển khai dự án năng lượng tái tạo (NLTT) "chưa từng có" nhằm giúp nước này đạt cam kết trung hòa carbon vào năm 2060, trong đó có nâng tổng công suất điện mặt trời lên 4.200 GW (4,2 triệu MW) vào năm 2050.

Theo đánh giá của BloomberNEF, kế hoạch này của Trung Quốc sẽ đưa năng lượng gió và mặt trời của nước này chiếm 74% tổng công suất phát điện trong vòng 30 năm tới. Tổng mức đầu tư cho siêu dự án này ước tính lên tới 6.400 tỷ USD. BloombergNEF nhận định, con đường hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060 của Trung Quốc chắc chắn sẽ phá vỡ nền kinh tế năng lượng toàn cầu. Việc chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp của Trung Quốc có thể trở thành động lực thúc đẩy sự thịnh vượng và tăng trưởng kinh tế chất lượng cao.

Nga có kế hoạch hỗ trợ OPEC+ tăng sản lượng

Phát biểu trước báo giới tại thủ đô Moscow, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak nói: "Để khôi phục sản xuất, chúng tôi đã phải giảm rất nhiều trước đó. Mức giá từ 45 - 55 USD/thùng là tối ưu nhất. Nếu không, chúng tôi sẽ không bao giờ có thể khôi phục sản xuất".

Dầu thô Brent đã đạt mức trung bình khoảng 50 USD/thùng kể từ đầu tháng 12, khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (OPEC+) thông qua một kế hoạch mới nhằm tăng dần sản lượng. Nhóm các nhà sản xuất do Nga và Ả Rập Xê-út dẫn đầu sẽ tăng sản lượng dầu thô với mức tăng 500.000 thùng kể từ tháng 1 tới, thay vì kế hoạch trước đó là tăng thêm gần 2 triệu thùng. Được biết, các bộ trưởng OPEC+ cũng sẽ nhóm họp hàng tháng để thảo luận về quy mô của từng mức tăng, cho phép nhóm phản ứng với nhu cầu không chắc chắn khi đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Cuộc họp tiếp theo dự kiến ​​vào ngày 4/1/2021, sẽ xác định lượng cung nên được bổ sung vào thị trường trong tháng 2.

Trung Quốc tăng công suất điện hạt nhân

Trung Quốc sẽ đưa vào vận hành từ 6 - 8 lò phản ứng hạt nhân mỗi năm trong giai đoạn 2020 - 2022 và sẽ tăng công suất điện hạt nhân lên 70 GW. Theo Ủy ban Năng lượng Trung Quốc, tính đến hết tháng 5/2020, tổng công suất điện hạt nhân của nước này đạt 48,8 GW, chiếm 2,5% tổng công suất phát điện. Công suất điện hạt nhân Trung Quốc được dự báo tăng lên 52 GW (51 tổ máy phát điện) vào cuối năm 2020. Theo Trung tâm phát triển năng lượng hạt nhân Trung Quốc, tổng công suất phát điện hạt nhân nước này sẽ tăng lên 130 GW vào năm 2030, 170 GW vào năm 2035 và 340 GW vào năm 2050.

Phát triển năng lượng hạt nhân tại Trung Quốc đã bị đóng băng, nhất là triển khai các dự án lớn do lệnh cấm 4 năm xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới sau thảm họa hạt nhân Fukushima (Nhật Bản) năm 2011.

Những sự kiện nổi bật trên thị trường Năng lượng Quốc tế tuần quaNhững sự kiện nổi bật trên thị trường Năng lượng Quốc tế tuần qua
Những sự kiện nổi bật trên thị trường Năng lượng Quốc tế tuần quaNhững sự kiện nổi bật trên thị trường Năng lượng Quốc tế tuần qua
Những sự kiện nổi bật trên thị trường năng lượng quốc tế tuần quaNhững sự kiện nổi bật trên thị trường năng lượng quốc tế tuần qua
Những sự kiện nổi bật trên thị trường Năng lượng Quốc tế tuần quaNhững sự kiện nổi bật trên thị trường Năng lượng Quốc tế tuần qua

Nh.Thạch

AFP