Những sự kiện nổi bật trên thị trường năng lượng quốc tế tuần qua

18:06 | 12/12/2020

|
(PetroTimes) - Giá dầu thô giao dịch trên thị trường quốc tế tuần qua luôn ở thế giằng co; Nord Stream 2 chính thức được nối lại sau 1 năm gián đoạn; Ả Rập Xê-út đang tìm cách thu hẹp khoảng trống ngân sách; Trung Quốc ký hợp đồng dầu thô vô tiền khoáng hậu với Iraq... là những sự kiện nổi bật trên thị trường năng lượng quốc tế tuần qua.

1. Giá dầu thô giao dịch trên thị trường quốc tế tuần qua luôn ở thế giằng co nhưng giữ ở mức cao nhất từ khi dịch covid-19 bùng phát. Một mặt do dịch virus corona tăng mạnh ở nhiều quốc gia trên thế giới khiến thị trường lo ngại nhu cầu tiêu thụ xăng dầu bị ảnh hưởng dẫn đến tăng khối lượng tồn kho dầu thô và xăng 1,1 MMbbl và 6,5 MMbbl tuần qua (API). Nhưng đồng thời Cơ quan quản lý dược Mỹ (FDA) công bố kiểm định sơ bộ vaccine Pfizer cho kết quả tốt, việc tiêm chủng có thể bắt đầu ngay vào cuối tuần này tại Mỹ, khiến Brent đầu phiên tăng 1,1% vượt 49,4 USD/thùng nhờ kỳ vọng vào vaccine Covid-19.

Những thông tin tốt như gói hỗ trợ kinh tế mới trị giá 708 tỷ USD của Chính phủ Nhật Bản, Bộ Tài chính Mỹ đề xuất phương án gói kích cầu khẩn cấp trị giá 916 tỷ USD,… đã hỗ trợ giá dầu dao động trong biên độ 47 - 51 USD/thùng, đạt kỷ lục trên 50 USD/thùng vào ngày 11/12.

2. Nord Stream 2 chính thức được nối lại sau 1 năm gián đoạn. Trước đó, Cơ quan Hàng hải và Thủy lợi Đức đã đưa ra thông báo rằng tàu Fortuna mang cờ Nga sẽ thực hiện các công việc dưới nước cho dự án Nord Stream 2.

Người phát ngôn nói của nhà thầu xây dựng Nord Stream 2 tuyên bố rằng ngày 11/12, tàu Fortuna của Nga đã đặt một đoạn đường ống dài 2,6 km trong vùng đặc quyền kinh tế của Đức.

Sau thông báo này, cổ phiếu của Gazprom đã tăng 3,5% trên Sở giao dịch chứng khoán Moscow.

Dự án Nord Stream 2 đang chịu áp lực chống đối quyết liệt từ phía Mỹ. Hôm thứ Bảy tuần trước, quyền Đại sứ Hoa Kỳ tại Đức đã yêu cầu Đức và Liên minh châu Âu "tạm hoãn" việc xây dựng đường ống.

Lý do phản đối của Mỹ là vì “chính trị” nhưng thực chất là nhằm chiếm đoạt vì lợi ích kinh tế của Mỹ. Hoa Kỳ, một nước sản xuất khí đốt tự nhiên lớn, gần đây đã thực sự bắt đầu cuộc chiến tìm kiếm các khách hàng mới, đặc biệt là ở châu Âu.

3. Ả Rập Xê-út đang tìm cách thu hẹp khoảng trống ngân sách bằng cách để gã khổng lồ dầu mỏ nhà nước Saudi Aramco bán một số cổ phần trong các công ty con của mình.

Là doanh nghiệp đóng góp lớn cho chính phủ Ả Rập Xê-út, tình trạng tài chính của Aramco ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế Ả Rập Xê-út.

Việc Aramco chấp nhận bán cổ phần để huy động tiền mặt là một lời cảnh báo nghiệt ngã đối với thị trường dầu mỏ, vốn có số phận gắn liền với diễn biến của đại dịch Covid-19, một thực tế vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của cả Ả Rập Xê-út và OPEC+.

4. Trung Quốc ký hợp đồng dầu thô vô tiền khoáng hậu với Iraq.

Công ty dầu khí Trung Quốc - Zhenhua đã trúng thầu hợp đồng cung cấp dầu thô Basrah dài hạn (5 năm) với SOMO (Iraq), khối lượng 48 MMbbl/năm với điều kiện thanh toán trước 2 tỷ USD trong vòng 30 ngày kể từ khi ký hợp đồng, lãi suất 0%.

Đây là một hợp đồng chưa từng có, đặc biệt cho phép bên mua vận chuyển dầu thô Iraq đến bất kỳ nơi nào trong 1 năm. Thông thường, dầu thô Trung Đông được bán kèm các điều khoản đích đến nghiêm ngặt, không cho phép sử dụng hàng vào mục đích kinh doanh (bán lại). Điều kiện thuận lợi này được cho là để bù đắp lãi suất 0% của số tiền 2 tỷ USD ứng trước.

5. Các cơ sở khí đốt chiến lược của Mozambique bị khủng bố tấn công.

Theo quan chức quân sự Mozambique, cuộc tấn công gần đây đang làm dấy lên mối lo ngại của các nhà đầu tư nước ngoài về thăm dò khí đốt, bao gồm Total, Exxon của Mỹ và Eni của Ý. Các chiến binh thánh chiến đã tấn công một ngôi làng ở miền bắc Mozambique gần các cơ sở khí đốt chiến lược vào tối 7/12.

6. Đan Mạch quyết định từ bỏ khai thác dầu khí vào năm 2050 và đã dừng đấu thầu cấp giấy phép thăm dò mới. Từng là một trong những quốc gia sản xuất dầu thô và khí đốt lớn nhất EU trên 400.000 bpd, nhưng đến năm 2020, sản lượng dầu và khí của Đan Mạch đã giảm còn 70.000 bpd và 3,8 triệu m3 khí/ngày. Cuối tháng 8/2020, Đan Mạch đã bán nốt tài sản dầu khí lớn cuối cùng Moller-Maersk với giá 7,5 tỷ USD cho Total. Thay vào đó, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo đảm bảo đến 72% sản lượng điện và 71% hệ thống sưởi ấm, riêng phong điện đã sản xuất được 48% tổng lượng điện. Thế giới đang chuyển mình sang năng lượng sạch.

7. Thế giới đang chuyển mình sang năng lượng sạch.

Các nhà hoạch định chính sách của EU đã nhận được đề xuất "Sự cân bằng không phát thải ở châu Âu: Những con đường khử carbon và ý nghĩa kinh tế xã hội" trong đó đưa những cách thức tối ưu về kinh tế - xã hội để đạt được các mục tiêu về khí hậu, bao gồm giảm 55% lượng khí thải vào năm 2030 so với mức của năm 1990 và không phát thải ròng carbon vào năm 2050.

Tại Ấn Độ, đã khởi công công viên năng lượng tái tạo 30.000 MW tại bang Gujarat - công viên năng lượng tái tạo có quy mô lớn nhất từ trước tới nay tại Ấn Độ.

Công viên được xây dựng trên sa mạc gần biên giới với Pakistan, kết hợp sản xuất điện mặt trời và điện gió. Dự án trải dài trên diện tích 72.600 ha, chia thành hai phân khu. Phân khu 1 có diện tích 49.600 ha, lắp đặt 24.800 MW công suất điện gió và mặt trời, được triển khai theo hình thức chỉ định thầu. Phân khu 2 có diện tích hơn 23.000 ha, phục vụ sản xuất điện gió, do Tập đoàn Năng lượng mặt trời Ấn Độ (SECI) tổ chức đấu thầu cạnh tranh.

Ngọc Linh