Giếng dầu khí đốt bỏ hoang: “Bom hủy diệt” khí hậu tại Canada

16:04 | 14/02/2024

|
(PetroTimes) - Vào những năm 1940, tỉnh Alberta (Canada) đã đặt cược tất cả vào hoạt động khai thác các mỏ dầu khí của họ. Hàng trăm nghìn giếng nằm rải rác trên địa bàn tỉnh, nhưng nhiều giếng đã bị đình chỉ hoạt động hoặc bị bỏ hoang, gây thiệt hại về sức khỏe và môi trường.
Giếng dầu khí đốt bỏ hoang: “Bom hủy diệt” khí hậu tại Canada
Một giếng dầu bị bỏ hoang ở Alberta, Canada, ngày 30 tháng 11 năm 2023. Ảnh AFP

Giếng khai thác dầu nằm ngay bên con đường song song với đường cao tốc bắc-nam đi qua Alberta, một tỉnh miền tây Canada. Gần đó cũng có một chiếc bể lớn rỉ sét, dùng để thu gom dầu thu được. Ông Mark Dorin - Cựu nhân viên của ngành dầu khí, đưa lời cảnh báo ngay khi vừa bước xuống từ chiếc xe bán tải khổng lồ của ông: “Bể chứa này đáng lẽ phải được đặt cách mặt đường ít nhất 60m. Nhưng nhìn xem nó chỉ cách bao nhiêu? Cùng nhất là 12 hoặc 15m. Nếu xảy ra trường hợp rò rỉ khí và có người đi lại trên đường, thì sẽ có nguy cơ cháy nổ”.

Cái giếng này đã bị một công ty phá sản bỏ hoang cách đây vài năm. “Tôi không có ý chống lại ngành dầu khí, hoàn toàn không phải như vậy. Nhưng có nhiều quy tắc mà ngành cần phải tôn trọng”, ông Mark nhấn mạnh.

Một tổ chức “chăm lo” giếng dầu “mồ côi”

Thật vậy, Canada đã có luật về việc đảm bảo niêm phong giếng dầu cho đúng cách. Họ cũng đã tạo ra một cơ chế nhằm xử lý các giếng thuộc về những công ty hiện đã phá sản. Chúng được gọi là giếng “mồ côi” và đang nằm dưới quyền quản lý của tỉnh bang Alberta, thông qua Hiệp hội Giếng Mồ côi (OWA). Hàng năm, ngành nhiên liệu hóa thạch trả hàng trăm triệu USD nhằm tài trợ cho Alberta và OWA - một cơ quan nhà nước độc nhất vô nhị trên thế giới.

Ông Lars DePauw - chủ tịch OWA, sẽ đảm bảo rằng các giếng nằm địa phận tỉnh, chủ yếu được đào cách đây chưa đầy 80 năm, đều được điều tra và giám sát. “Tôi nghĩ chúng ta biết rằng hiện tại có chưa đến 10.000 giếng mồ côi đã qua niêm phong, trong khi đó, trên địa bàn tỉnh có đến 300.000 giếng. Như vậy, tỷ lệ là ít hơn 1%”. Tuy nhiên, quá trình niêm phong có thể kéo dài nhiều năm. Ví dụ điển hình là giếng dầu mà ông Mark đã đến thăm. OWA đã tiếp quản lại giếng, nhưng chưa có thời gian chăm sóc.

Cách đó chỉ vài km, là một người nông dân đã gặp phải vấn đề tương tự trong nhiều năm. Khi một công ty dầu mỏ được tỉnh cấp quyền khai thác dầu trên đất ruộng của ông và kéo đến đây đào giếng, ông Joe Lovell không có tiếng nói nào trước luật pháp của tỉnh Alberta.

Công ty vẫn trả tiền thuê đất cho ông. Dù vậy, ông cho rằng bản thân không được đền bù thỏa đáng. Người nông dân trồng ngũ cốc này ngậm ngùi chia sẻ: “Thông thường, họ trả cho chúng tôi khoảng 3.500 đô la Canada cho mỗi địa điểm mỗi năm. Còn tôi ước tính thiệt hại phải chịu là từ 5.600 đến 7.000 USD/địa điểm/năm cho phần sản lượng dầu đã bị khai thác trong khu vực”. Khi công ty phá sản, Joe Lovell bị bỏ lại với cái giếng không được sử dụng trên cánh đồng của mình. Dù vậy, ông khẳng định: “Có rất nhiều thủ tục lằng nhằng trong nhiều năm, nhưng xét cho cùng, OWA đã làm rất tốt. (...) Hiện tôi có thể sử dụng được 100% đất của mình”.

Một vấn đề lớn đối với môi trường

Đối với những người phản đối, vấn đề không nằm ở chỗ có quá nhiều giếng mồ côi, mà nằm ở những giếng không được tính đến. Một số giếng đã bị bên vận hành “đình chỉ” theo thời hạn định trước. Họ chưa phá sản nhưng không còn nhu cầu sử dụng giếng nữa... và một số công ty thậm chí còn không duy trì chúng nữa. Theo trích dẫn của một số hiệp hội, chỉ tính riêng tỉnh Alberta đã có đến 80.000 giếng bị bỏ hoang và mồ côi.

Ngoài thách thức trong việc đảm bảo an toàn cho giếng nhằm tránh gây cháy nổ hoặc vấn đề sức khỏe, còn có thách thức phát sinh từ việc đảm bảo lớp trám xi măng có độ bền lâu dài. Ông Romain Chesnaux - Giáo sư công tác tại Đại học Quebec ở Chicoutimi kiêm chuyên gia về lĩnh vực nước ngầm, giải thích: “Ví dụ, trong bối cảnh khai thác khí đá phiến, chất lỏng được sử dụng có tính axit khá cao và có thể làm suy giảm lớp trám này. Dư khí vẫn tích tụ nhiều năm sau khi khai thác, để lại khả năng nổi lên bề mặt về sau.

Theo ước tính, rò rỉ từ giếng dầu khí cũ sẽ thải ra hàng chục nghìn tấn khí metan vào bầu khí quyển mỗi năm. Đã vậy, loại khí này có tác hại lớn gấp 25 lần so với khí CO2. Ông Romain Chesnaux nói: “Nếu chỉ tính riêng vùng đông bắc British Columbia và 25.000 giếng khí đá phiến mà tôi nghiên cứu, thì đã thấy nguy cơ rò rỉ những 75.000 tấn khí CO2 tương đương hàng năm. Con số này tượng trưng cho lượng khí thải hàng năm của một thành phố Bắc Mỹ có khoảng 15.000 người dân”. Đã vậy, lượng khí thải khí nhà kính không phải là vấn đề duy nhất đặt ra nhiều câu hỏi. Nhà nghiên cứu cho biết thêm: “Ví dụ, người nông dân đối mặt với nhiều vấn đề vi địa chấn, gây ra từ tình trạng suy yếu cấu trúc lòng đất, hoặc thậm chí là những vấn đề ô nhiễm bề mặt và nước ngầm”.

Những người tố cáo và các hiệp hội đang phải đối mặt với một vấn đề kép: Khuyến khích ngành công nghiệp dầu khí tôn trọng luật pháp và niêm phong giếng đúng cách, đồng thời nhận thức được rằng hoạt động niêm phong là không hoàn hảo. Chính phủ Canada của Justin Trudeau sẽ cần nhiều hơn 1,7 tỷ đô la, khoản ngân sách mà họ công bố vào đầu năm 2023, nhằm giải quyết nhu cầu khó khăn này.

Có bao nhiêu giếng dầu khí được khoan mỗi năm trên thế giới?Có bao nhiêu giếng dầu khí được khoan mỗi năm trên thế giới?
Châu Âu siết chặt quy định phát thải từ giếng dầuChâu Âu siết chặt quy định phát thải từ giếng dầu
Ấn Độ sử dụng giếng dầu bỏ làm kho dự trữ khí đốt chiến lượcẤn Độ sử dụng giếng dầu bỏ làm kho dự trữ khí đốt chiến lược

Nh.Thạch

AFP