EU chuẩn bị trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ

16:03 | 12/11/2019

|
(PetroTimes) - EU đã tiến thêm một bước mới trong nỗ lực đe dọa trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì đã khoan trái phép ở ngoài khơi đảo Síp. Ngày 11/11, EU chính thức thông qua khung pháp lý để chuẩn bị trừng phạt những người liên quan đến hoạt động trên của Thổ Nhĩ Kỳ.
eu chuan bi trung phat tho nhi ky
Bản đồ tranh chấp giữa Síp và Thổ Nhĩ Kỳ

Việc phát hiện trữ lượng lớn khí đốt và dầu mỏ ở phía Đông Địa Trung Hải đã gây ra một cuộc xung đột giữa đảo Síp, thành viên EU, với Thổ Nhĩ Kỳ.

Giữa tháng 10/2019, châu Âu đã đồng ý trên nguyên tắc sẽ trừng phạt các hoạt động khoan bất hợp pháp của Thổ Nhĩ Kỳ ở vùng đặc quyền kinh tế của đảo Síp.

Trong một tuyên bố ngày 11/11, Hội đồng EU cho biết các nước thành viên EU đã thống nhân khung pháp lý để "xử phạt những người hoặc tổ chức chịu trách nhiệm về các hoạt động khoan thăm dò trái phép ở Đông Địa Trung Hải hoặc những người có liên quan đến các hoạt động này".

Các lệnh trừng phạt sẽ bao gồm lệnh cấm nhập cảnh vào EU và đóng băng tài sản. Ngoài ra, các cá nhân và tổ chức thuộc diện trừng phạt sẽ bị cấm vay vốn từ EU.

Bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào phụ trách các hoạt động khoan thăm dò ở Đông Địa Trung Hải mà không được chính quyền đảo Síp cho phép đều sẽ bị trừng phạt. Tất cả những người hỗ trợ cho những hoạt động trên cũng nằm trong diện bị trừng phạt.

Bước tiếp theo sẽ là nêu tên những người hoặc tổ chức bị trừng phạt. Việc này có thể mất một chút thời gian. Các nhà ngoại giao châu Âu không đưa ra thời gian biểu chính xác cho việc công bố danh sách trừng phạt.

Đáp lại thông báo của EU, ngày 11/11, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không ngừng các hoạt động khoan thăm dò của mình ở vùng đặc quyền kinh tế của đảo Síp bất chấp lệnh trừng phạt của EU.

Tranh chấp Síp-Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu khi Síp phát hiện nhiều mỏ khí khổng lồ ở phía đông Địa Trung Hải. Síp sau đó đã ký hợp đồng thăm dò với những tập đoàn lớn như ENI của Ý, Total của Pháp hay ExxonMobil của Mỹ. Nhưng Ankara kêu gọi đình chỉ tất cả các cuộc thăm dò, chừng nào giải pháp cho vùng lãnh thổ tranh chấp giữa Cộng hòa Síp và Síp Thổ Nhĩ Kỳ còn chưa được tìm ra. Ankara cho rằng chính quyền đảo Síp (ở phần phía nam hòn đảo, thân Hy Lạp) đã không tôn trọng quyền bất khả xâm phạm về tài nguyên thiên nhiên của bên Síp Thổ Nhĩ Kỳ (miền Bắc ly khai, thân Thổ Nhĩ Kỳ).

Cộng hòa Síp trên nguyên tắc bao trùm toàn bộ đảo này, nhưng vào năm 1974, sau cuộc xâm lấn của Thổ Nhĩ Kỳ, đảo này đã bị chia đôi, một phần phía Síp Hy Lạp, được quốc tế công nhận và chính thức mang tên Cộng hòa Síp, và một phần phía Bắc, đã ly khai, gọi là Síp Thổ Nhĩ Kỳ và chỉ được duy nhất Thổ Nhĩ Kỳ công nhận.

Khi phản đối không phát huy hiệu quả, Ankara quay sang tuyên bố “vậy thì họ cũng sẽ thăm dò và khai thác dầu khí ở Địa Trung Hải”. Nói là làm, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cử 3 tàu thăm dò tới một khu vực ở Địa Trung Hải, mà theo Síp lấn vào Vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Thổ Nhĩ Kỳ lập luận rằng họ không bị ràng buộc bởi các thỏa thuận phân định trên biển giữa Cộng hòa Síp và các quốc gia ven biển Địa Trung Hải khác và họ có toàn quyền trên thềm lục địa của mình.

eu chuan bi trung phat tho nhi kyDòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị cung cấp khí đốt cho châu Âu
eu chuan bi trung phat tho nhi kyENI không muốn "chiến tranh quanh các giàn khoan dầu"
eu chuan bi trung phat tho nhi kyThổ Nhĩ Kỳ tiếp tục mua khí đốt và dầu từ Iran bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ

Nh.Thạch

AFP