ENI không muốn "chiến tranh quanh các giàn khoan dầu"
![]() |
Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Ý Eni, Claudio Descalzi |
"Tôi không lo lắng. Nhưng nếu ai đó xuất hiện cùng tàu chiến, tôi sẽ không dựng giàn khoan. Tôi chắc chắn không muốn gây ra chiến tranh để khoan dầu", ông Descalzi nói.
Thứ Bảy tuần trước, Pháp đã lên án việc Thổ Nhĩ Kỳ gửi một tàu khoan mới vào lãnh hải của Síp, cho đó là "cử chỉ không thân thiện" có thể dẫn đến "leo thang căng thẳng" trong khu vực.
Theo Nicosia, Thổ Nhĩ Kỳ đã cử tàu khoan Yavuz đến bloc 7 thuộc Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Síp, và giấy phép hoạt động ở khu vực này đã được trao cho người khổng lồ năng lượng của Pháp và Ý, Total và Eni.
Vấn đề sẽ được thảo luận tại một hội đồng đối ngoại của Liên minh châu Âu dự kiến vào ngày 14/10. Theo Paris, hội đồng này "sẽ được triệu tập để kiểm tra những diễn biến hiện nay và hậu quả có thể xảy ra giữa Síp và Thổ Nhĩ Kỳ ở Địa Trung Hải".
Việc phát hiện các mỏ khí khổng lồ ở phía đông Địa Trung Hải trong những năm gần đây đã kích thích tham vọng của Síp muốn trở thành một đối thủ năng lượng lớn và đã ký hợp đồng thăm dò với Eni, Total và ExxonMobil.
Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ, có quân đội chiếm 1/3 phía bắc của đảo Síp, phản đối bất kỳ hoạt động thăm dò và khai thác các tài nguyên trên mà không có sự tham gia của người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong những tháng gần đây, Ankara đã gửi 3 tàu thăm dò tới ngoài khơi đảo Síp bất chấp cảnh báo từ EU và Washington.
Đảo Síp đã bị chia làm hai kể từ cuộc xâm chiếm phần phía bắc của Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1974, để đáp trả cuộc đảo chính của người Síp gốc Hy Lạp chống lại người thiểu số Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ.
![]() |
![]() |
![]() |
Nh.Thạch
AFP