Dự trữ dầu toàn cầu tác động như thế nào đến giá dầu trong thời gian đại dịch

12:37 | 22/04/2021

|
Lượng dầu dư thừa được tích lũy trong thời gian đại dịch đã được loại bỏ hoàn toàn khỏi thị trường. Theo báo cáo tháng 4/2021 về thị trường dầu của IEA, tính đến hết tháng 02/2021, chỉ có 20% lượng dầu dư thừa được nạp vào các kho lưu trữ tại các nước phát triển.
Dự trữ dầu toàn cầu tác động như thế nào đến giá dầu trong thời gian đại dịch

Trước đó vào tháng 7/2020, các kho lưu trữ ở các nước phát triển ghi nhận sự gia tăng thêm 249 triệu thùng dầu so với mức trung bình của giai đoạn 2015-2019. Tính đến tháng 02/2021, con số này đã giảm xuống còn 57 triệu thùng. Theo Bloomberg, xu hướng giảm lưu trữ dầu thô dư thừa là do nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu phục hồi và giá dầu tăng. IEA cho biết, triển vọng kinh tế thế giới được cải thiện đáng kể khiến giá dầu tăng ổn định từ tháng 11/2020 đến nay. Riêng trong tháng 3/2021 giá dầu đã tăng khoảng 3,35 USD/thùng so với tháng trước đó và tăng mạnh 32 USD/thùng so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện giá dầu Brent giao ngay đạt khoảng 66 USD/thùng trong khi giá dầu WTI giao ngay đạt khoảng 62 USD/thùng.

Tại sao cần lưu trữ dầu thô

Nhiều chuyên gia nhận định, một trong những bài học kinh nghiệm sau các cuộc khủng hoảng dầu mỏ trong những năm 1970 và những năm 1980 là xây dựng các kho lưu trữ dầu và sản phẩm dầu mỏ như một vùng đệm an toàn giữa cung và cầu. Lưu trữ dầu là công cụ tin cậy để hỗ trợ nền kinh tế ngay cả khi nguồn cung dầu bị gián đoạn nghiêm trọng. Do đó, mức lưu trữ dầu của một quốc gia thể hiện một mức dầu khả dụng nhất định để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, được tính bằng ngày. Mức cơ bản là 60 ngày.

Dầu tồn kho được coi là yếu tố chính quyết định đến sự biến động giá dầu tương lai. Lưu trữ dầu là một chỉ báo về sự cân bằng của thị trường dầu và là một trong những điều kiện cơ bản của thị trường. Khi mức lưu trữ cao hơn mức thông thường, sẽ tác động giá dầu giảm. Ở chiều ngược lại, mức lưu trữ thấp hơn mức thông thường sẽ tác động giá dầu tăng. Trong thời gian gần đây, chúng ta đang thấy sự sụt giảm lưu trữ dầu, do đó hỗ trợ giá dầu tăng.

Những yếu tố khác

Chỉ một yếu tố dự trữ là không đủ để nói về khả năng thiếu hụt dầu trên thị trường và tăng giá dầu. Thông thường, lượng dầu tồn kho giảm được coi là dấu hiệu cho thấy cán cân thị trường đang dịch chuyển theo hướng cầu. Tuy nhiên, các cơ sở lưu trữ dầu vẫn đang trữ nhiều dầu. Thị trường chỉ ghi nhận sụt giảm lượng dầu dư thừa đã phát sinh trong thời gian đại dịch. Mức lưu trữ dầu thô mới chỉ đang tiệm cận mức lưu trữ trung bình trong giai đoạn 2015-2019. Bên cạnh đó, báo cáo của IEA chỉ đề cập đến lưu trữ dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ ở các nước OECD, trong khi các nước tiêu thụ lớn như Trung Quốc và Ấn Độ lại nằm ngoài OECD. Mức lưu trữ dầu của Trung Quốc có thể đã cao hơn đáng kể so với mức đầu năm 2020.

Ngoài ra, hoạt động sản xuất dầu vẫn là chỉ số quan trọng hàng đầu ảnh hưởng đến sự cân bằng nguồn cung và cầu trên thị trường dầu mỏ. Các quốc gia xuất khẩu dầu trong liên minh OPEC+ đã và đang phối hợp để điều chỉnh sản xuất dầu thô phù hợp với tình hình thị trường. Ví dụ trong tháng 4/2020, các nhà sản xuất dầu trong OPEC+ đã thống nhất giảm sản lượng kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày (khoảng 10% nguồn cung toàn cầu). Khi nhu cầu tiêu thụ tiếp tục phục hồi, hạn ngạch khai thác dầu sẽ được nới lỏng. IEA cho rằng, hạn ngạch cắt giảm sản xuất dầu đến hết nửa đầu năm 2021 sẽ ở mức 6 triệu thùng/ngày, tức hơn 6% nguồn cung dầu toàn cầu, chưa kể sản lượng 1,5 triệu thùng/ngày của Iran đang bị cấm vận. Việc điều chỉnh hạn ngạch hàng tháng sẽ dựa trên nhu cầu tương lai.

Dự báo

Theo đánh giá của IEA, giá dầu thế giới sẽ chịu tác động bởi tăng trưởng nguồn cung dầu toàn cầu. Thị trường sẽ chuyển trạng thái từ thâm hụt dự trữ sang cân bằng. Sản lượng dầu toàn cầu trong tháng 3/2021 đã tăng 1,7 triệu thùng do sản lượng khai thác dầu tại Mỹ phục hồi sau khi sụt giảm mạnh vào năm ngoái. Bên cạnh đó, nguồn cung từ OPEC+ cũng gia tăng. Thị trường được dự báo sẽ đón nhận nhiều dầu hơn sau khi OPEC+ quyết định tăng sản lượng, bắt đầu từ tháng 5 tới.

Tuy nhiên, hiện đang có những yếu tố có khả năng đảo ngược sự cân bằng “mong manh” trên thị trường. Trước hết là tình hình đại dịch toàn cầu đang xấu đi. Tỷ lệ nhiễm Covid-19 ở Ấn Độ vẫn đang tăng lên, trong khi EU, Nhật Bản và một số nước khác tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong kiểm soát đại dịch. Ngoài ra, với việc giá dầu tiếp tục tăng, sản lượng khai thác dầu đá phiến tại Mỹ có thể sẽ tăng lên. Một yếu tố khác ảnh hưởng đến thị trường dầu là khả năng dỡ bỏ một phần các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran nếu phía Iran tìm cách thỏa hiện với Mỹ và quay trở lại bàn đàm phán.

Do đó, có nhiều yếu tố khác tác động lên thị trường song song với yếu tố sụt giảm lưu trữ dầu dư thừa, đồng thời thị trường sẽ ngày càng khó dự báo hơn. Nhiều dự báo trước đây đã không còn tính thực tiễn. Tuy nhiên, nhiều khả năng giá dầu Brent khó vượt qua mốc 70 USD/thùng trong tương lai gần. Xu hướng giảm lượng dầu tồn kho sẽ tiếp tục ít nhất là đến hết nửa đầu năm 2021.

Viễn Đông