Dự báo giá dầu tuần này

10:59 | 14/09/2020

|
(PetroTimes) - Giá Brent (tháng 11) trong tuần giao dịch từ 7 - 11/9 biến động trong biên độ 39,36 - 42,30 USD/thùng, đóng cửa giao dịch ở mức 39,80 USD/thùng (giảm 4,7%/tuần).
Morgan Stanley dự báo giá dầu 2021Morgan Stanley dự báo giá dầu 2021
Aramco đang gánh chịu hậu quả từ cuộc chiến giá dầuAramco đang gánh chịu hậu quả từ cuộc chiến giá dầu
0010-img-6523

Mở cửa tuần giao dịch ngày 7/9 đầu phiên, Brent giảm ngay 1,6% xuống 41,66 USD/thùng sau đó hồi lại quanh mốc 42,1 USD/thùng - tiếp tục đà giảm cuối tuần trước, khi Saudi Aramco công bố giảm giá bán tháng thứ 2 liên tiếp, mức chiết khấu đối với thị trường châu Á lên tới 1,4 - 1,5 USD/thùng. Điều này cho thấy dấu hiệu suy yếu nhu cầu tiêu thụ trong khu vực này, nơi có Trung Quốc, Ấn Độ là những quốc gia tiêu thụ dầu thô thứ 2, thứ 3 thế giới. Trung Quốc là nhà nhập khẩu số 1 thế giới hỗ trợ giá dầu. Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 8 đã giảm 1,76 triệu bpd so với tháng 7.

Ngày 8/9, thị trường bắt đầu ngấm thông tin xấu, Brent tiếp tục giảm mạnh trên 6,5% xuống 39,36 USD/thùng bởi 4 yếu tố chính: dự báo nhu cầu tiêu thụ ảm đạm (chỉ 40% khách hàng châu Á hào hứng với mức giá mới giảm của Saudi Aramco và gia tăng khối lượng mua); số ca nhiễm Covid-19 toàn cầu và tại Mỹ tăng sau kỳ nghỉ lễ; trong thời gian nghỉ bảo trì các nhà máy lọc dầu, Mỹ sẽ giảm nhu cầu 1,5 - 2 triệu bpd; đồng USD mạnh lên kiến hàng hóa giảm giá, bao gồm cả vàng. Ngoài ra, căng thẳng quan hệ kinh tế -chính trị Mỹ - Trung liên tục gia tăng, dấy lên lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Ngày 9/9, Brent bật tăng điều chỉnh trên 2% sau phiên giảm mạnh lên 40,6 USD/thùng kỳ vọng vào gói hỗ trợ 500 tỷ USD chuẩn bị được quốc hội Mỹ xem xét phê duyệt và thông tin về trữ lượng dầu thương mại tuần qua của API. Tuần này do nghỉ lễ tại Mỹ, báo cáo EIA về trữ lượng thương mại ra muộn, vào ngày 10/9, theo đó dầu thô tăng 2,03 triệu thùng/tuần (dự kiến giảm 1,7 triệu thùng), sản lượng khai thác tăng 300.000 bpd lên 10 triệu bpd, xăng giảm 3 triệu thùng/tuần chủ yếu do công suất tinh chế giảm từ 76,7% xuống 71,8%. Ngoài ra, EIA hạ dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu thô thế giới năm 2020 thêm 210.000 bpd. Triển vọng tăng trưởng kinh tế, nhu cầu nhiên liệu ảm đạm cùng với làn sóng Covid-19 thứ 2 (châu Âu, Ấn Độ) tiếp tục tác động tiêu cực đến giá dầu trong trong 2 ngày giao dịch cuối tuần, Brent dao động trong biên độ hẹp 39,4 - 40,1 USD/thùng.

Có thể thấy rằng, sự tăng trưởng nóng của Brent lên trên 45 USD/thùng đã không dựa trên yếu tố kinh tế cơ bản vững chắc, mà là kết quả của việc đầu cơ giá, do vậy, điều chỉnh trong ngắn hạn là không tránh khỏi, đặc biệt do tác động của các yếu tố sau:

Nhu cầu tiêu thụ xăng dầu đến cuối năm 2020 dự báo không tăng, mùa lái xe - du lịch (tháng 6 - 8) đã qua;

Làn sóng Covid-19 thứ 2 ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, các biện pháp hạn chế tại một số quốc gia, vùng lãnh thổ đang được thắt chặt;

Sản lượng khai thác tại Mỹ tăng, Iraq không thực hiện đầy đủ cam kết OPEC+; KSA, UAE đồng loạt giảm mạnh giá bán chính thức tháng 10 báo hiệu nhu cầu yếu; căng thẳng Mỹ - Trung không có dấu hiệu hạ nhiệt.

Tuy nhiên, giá dầu không giảm sâu, đồng USD yếu đi kèm với chính sách tiền tệ nới lỏng của ngân hàng trung ương các nước sẽ hỗ trợ thị trường hàng hóa.

Theo chúng tôi nhận định, trong tuần này, giá Brent sẽ dao động trong biên độ 37 - 41 USD/thùng.

Viễn Đông