Cơ sở hạ tầng đường ống dầu khí trong chính sách năng lượng của Trung Quốc và lợi ích của Nga (phần III)

09:00 | 11/04/2021

|
(PetroTimes) - Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tích cực phát triển cơ sở hạ tầng đường ống như là một phần quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Trung Quốc soán ngôi Mỹ về lọc dầuTrung Quốc soán ngôi Mỹ về lọc dầu
Trung Quốc khoan sâu xuống Biển Đông để thăm dò dầu khí?Trung Quốc khoan sâu xuống Biển Đông để thăm dò dầu khí?

Phần III - Lợi ích của Nga

Trung Quốc thu được nhiều lợi ích trong hợp tác năng lượng với Nga trong hình thành một hệ thống an ninh năng lượng khu vực, Nguồn cung năng lượng từ các địa phương của Nga cho Trung Quốc có độ tin cậy và hiệu quả kinh tế hơn so với các khu vực khác trên thế giới. Nguồn dự trữ tài nguyên khổng lồ của Nga gần biên giới với Trung Quốc sẽ đóng vai trò quan trọng trong loại bỏ các rủi ro hậu cần, vận tải năng lượng bằng đường biển. Trong bối cảnh gia tăng rủi ro nguồn cung năng lượng từ các khu vực trên thế giới, giới lãnh đạo Trung Quốc đã quan tâm nhiều hơn đến nguồn tài nguyên dầu khí của Nga.

Đường biên giới dài trên bộ giữa Nga và Trung Quốc, khả năng kết nối giữa cơ sở tài nguyên khí đốt của Nga đến các điểm tiếp nhận đầu cuối ở Trung Quốc là cơ sở để hai bên xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng đáng tin cậy, đồng thời tạo ra hệ thống an ninh năng lượng khu vực, nhằm đảm bảo nguồn cung nhiên liệu từ Nga cho Trung Quốc. Tại Diễn đàn kinh tế quốc tế Saint-Petersburg 2019, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, đóng góp quan trọng nhất và hiệu quả nhất trong hợp tác song phương giữa Nga và Trung Quốc là thương mại năng lượng, chiếm 40/100 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương.

Trong giai đoạn 2010 - 2019, hợp tác năng lượng Nga - Trung Quốc đã đạt những tiến bộ nhất định. Một trong số đó là vận hành đường ống dẫn dầu Nga - Trung Quốc (từ Skovorodino đến Daqing). Đường ống này là một nhánh của hệ thống đường ống dẫn dầu “Đông Siberia - Thái Bình Dương”. Theo số liệu của Văn phòng kiểm soát nhập cư và kiểm dịch tỉnh Hắc Long Giang (Trung Quốc), tổng khối lượng dầu được vận chuyển qua đường ống này đến hết năm 2017 đạt 86,51 triệu tấn. Sau khi nhánh thứ hai của đường ống này đi vào vận hành vào năm 2018, công suất của đường ống dự kiến sẽ tăng gấp hai lần lên 30 triệu tấn/năm. Đường ống Nga - Trung cũng cho phép mở rộng nguồn cung dầu thô từ các cảng biển và dầu thô Kazakhstan quá cảnh tại Nga cho Trung Quốc. Trong năm 2018, tổng sản lượng dầu thô và sản phẩm dầu mỏ từ Nga xuất khẩu sang Trung Quốc đã đạt 80 triệu tấn.

Cơ sở hạ tầng đường ống dầu khí trong chính sách năng lượng của Trung Quốc và lợi ích của Nga (phần III)
Sơ đồ hệ thống đường ống dẫn dầu “Đông Siberia - Thái Bình Dương” (ESPO)

Tiềm năng tăng trưởng thương mại dầu khí giữa Nga và Trung Quốc được dự báo sẽ liên quan đến gia tăng mạnh tiêu thụ khí đốt tại Trung Quốc. Sự tăng trưởng nhu cầu khí tại thị trường Trung Quốc còn liên quan đến gia tăng nguồn cung nhiên liệu LNG toàn cầu. Trên thị trường châu Á, các nguồn cung LNG từ Qatar, Úc có giá cả cạnh tranh hơn so với khí đường ống của Nga trong bối cảnh hệ thống truyền dẫn khí đốt ở Trung Quốc vẫn chưa thực sự hoàn thiện. Theo tính toán của Wood Mackenzie, hệ thống đường ống dẫn khí ở Trung Quốc đã hoạt động hết công suất và không có khả năng tiếp nhận nguồn cung khí bổ sung. Do đó, nguồn cung khí đốt thông qua đường ống Power of Siberia tới Trung Quốc vẫn đang vận hành với công suất thấp hơn so với dự kiến.

Theo dự báo của Wood Mackenzie, nhu cầu khí đốt của Trung Quốc chắc chắn sẽ tăng nhanh hơn so với nền kinh tế thế giới. Đến năm 2030, Trung Quốc sẽ vượt xa EU về tiêu thụ khí đốt, ở mức 510 tỷ m3 và đến năm 2040 sẽ tăng lên 673 tỷ m3, chiếm 50% tiêu thụ khí đốt của cả khu vực châu Á. Đồng thời, sản lượng khai thác khí đốt của Trung Quốc có khả năng đáp ứng tối đa 50% nhu cầu tiêu thụ của nước này. Trong điều kiện như vậy, nguồn khí đốt từ các đường ống Power of Siberia, Altai sẽ được huy động, cũng như dự án đường ống Power of Siberia 2 sẽ được triển khai. Nguồn cung khí đốt từ Đông Siberia đến các tỉnh duyên hải của Trung Quốc sẽ cạnh tranh hơn so với nguồn cung khí đốt từ Trung Á. Trong khi các phương án xây dựng đường ống Power of Siberia 2 và Altai đang được thảo luận, nguồn cung khí đốt của Nga được dự báo sẽ chiếm tỷ trọng 50% sản lượng khí đốt nhập khẩu của Trung Quốc vào năm 2040.

Vào cuối tháng 7/2019, công ty đường ống dầu khí quốc gia Trung Quốc (PipeChina) thông báo khởi công xây dựng nhánh phía nam của đường ống Trung Quốc - Đông Nga, có chiều dài 5.111 km. Dự án được coi là phần nối dài của dự án Power of Siberia trên lãnh thổ Trung Quốc, dự kiến sẽ hoàn thành vào giữa năm 2025. Nhánh đường ống này dự kiến sẽ cung cấp thêm 18,9 tỷ m3 khí đốt mỗi năm từ Nga cho thành phố Thượng Hải và các tỉnh lân cận.

Gazprom đã bắt đầu thiết kế đường ống khí đốt Power of Siberia 2, hợp nhất các hệ thống dẫn khí đốt phía đông và phía tây của LB Nga. Thông qua đường ống này, Gazprom có thể cung cấp thêm 50 tỷ m3 khí đốt qua Mông Cổ đến Trung Quốc, đồng thời có thể khí hóa một số khu vực tại Đông Siberia. Nếu dự án Power of Siberia 2 được hoàn thành, Nga sẽ tăng đáng kể nguồn cung khí đốt cho Trung Quốc. Ngoài ra, Nga có thể dễ dàng hơn trong điều tiết nguồn cung khí đốt cho thị trường châu Âu và Trung Quốc, góp phần giảm thiểu rủi ro đáng kể về biến động giá khí đốt tại thị trường châu Âu và chính sách an ninh năng lượng của liên minh này. Ngoài ra, Power of Siberia 2 sẽ tạo động lực lớn cho phát triển kinh tế các địa phương của Nga tại Đông Siberia.

Việc xây dựng cơ sở hạ tầng đường ống đầy đủ ở hai bên biên giới Nga - Trung Quốc là điều kiện bắt buộc để vận hành hiệu quả các đường ống vận chuyển khí đốt. Trung Quốc đang nâng cao năng lực vận chuyển của mạng lưới dẫn dầu thô, khí đốt nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu tiêu thụ của nền kinh tế, đồng thời tranh thủ chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng đường ống của Nga. Tuy nhiên, vấn đề gia tăng dự trữ khí ngầm của nước này vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Cơ sở hạ tầng đường ống dầu khí trong chính sách năng lượng của Trung Quốc và lợi ích của Nga (phần III)
Các dự án đường ống khí đốt của Nga sang thị trường Trung Quốc

Liên quan đến vấn đề này, phía Trung Quốc cũng chưa xây dựng kịp hệ thống cơ sở hạ tầng dự trữ và phân phối khí đốt nhập khẩu từ đường ống “Trung Á - Trung Quốc”. Số liệu về tình trạng dự trữ khí trong các kho chứa ngầm của Trung Quốc cho thấy sự thiếu hụt nghiêm trọng công suất dự trữ khí. Để vận hành các đường ống dẫn khí đốt không bị gián đoạn và hiệu quả, Trung Quốc cần gia tăng nhanh chóng năng lực dự trữ khí đốt của mình. Ngoài ra, để khí trong các kho chứa ngầm được phân phối đến người tiêu dùng, Trung Quốc cũng cần bổ sung một hệ thống phân phối khí, gồm các đường ống quy mô nhỏ và vừa, áp suất thấp và các trạm nén khí tương ứng. Hệ thống phân phối khí này cũng phải hoạt động đồng bộ và nhịp nhàng và không phụ thuộc vào khối lượng bơm khí.

Viễn Đông