Tương lai của đường ống khí đốt "Sức mạnh Siberia" đối với thị trường Trung Quốc

15:00 | 03/09/2020

|
(PetroTimes) - Các chuyên gia phân tích của hãng tin Gazeta.ru đã chia sẻ các phân tích về tương lai của đường ống dẫn khí đốt "Sức mạnh Siberia" trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường năng lực sản xuất khí thiên nhiên trong nước và tích cực đa dạng hóa nguồn cung.
Thổ Nhĩ Kỳ Thổ Nhĩ Kỳ "đấu cứng" với châu Âu
Trái ngược với các dữ liệu, Trung Quốc vẫn tích trữ dầu thô của IranTrái ngược với các dữ liệu, Trung Quốc vẫn tích trữ dầu thô của Iran

Theo số liệu của Reuters dẫn nguồn từ Tổng cục thống kê quốc gia Trung Quốc, sản lượng khai thác khí thiên nhiên của nước này trong tháng 7/2020 đã tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2019 lên 14,2 tỷ m3, đưa tổng sản lượng khai thác khí thiên nhiên của Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm lên 108,3 tỷ m3.

0922-a1
Sơ đồ đường ống "Sức mạnh Siberia" từ Nga sang Trung Quốc

Giám đốc nghiên cứu của VYGON Consulting Maria Belova cho biết, sự gia tăng khai thác khí đốt của Trung Quốc xuất phát chủ yếu từ việc tăng cường khai thác khí đá phiến và sản xuất khí metan từ các mỏ than của nước này. Quá trình này được tiến hành dưới sự hỗ trợ đáng kể của chính quyền Trung Quốc. Trong năm 2018, chính phủ nước này đã giảm thuế khai thác dầu đá phiến 30% và phê duyệt một chương trình trợ cấp đặc biệt đối với lĩnh vực này trong năm 2019, dự kiến sẽ có hiệu lực đến năm 2023. Ngoài ra, lãnh đạo Trung Quốc còn cho phép các công ty nước ngoài thăm dò và sản xuất khí đốt tại nước này.

Theo Argus Media, riêng trong năm 2020, tập đoàn PetroChina có thể tăng sản lượng khí đá phiến từ 4 tỷ m3 lên 12 tỷ m3; tập đoàn Sinopec tăng từ 6,3 tỷ m3 lên 7,5 tỷ m3. Chuyên gia Belova nhận định, Trung Quốc hiện chiếm vị trí số 1 thế giới về trữ lượng đá phiến và thứ 3 thế giới về trữ lượng khí mỏ than. Với sự hỗ trợ của chính quyền trung ương, sản lượng khai thác khí đá phiến của nước này đến năm 2030 có thể đạt tới 130 tỷ m3, tăng 2,6 lần so với năm 2018. Tổng cộng, theo dự báo của các cơ quan Trung Quốc, sản lượng khí đốt (đã bao gồm khí đá phiến) của nước này trong năm 2020 sẽ tăng trưởng từ 4,6 - 8,2% lên 181,5 - 187,5 tỷ m3 và có thể tăng thêm 54 tỷ m3/năm trong vòng 5 năm tới.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Natalya Milchakova, Phó giám đốc hãng phân tích Alpari (Nga), sản lượng khí đốt của Trung Quốc sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của nước này. Thực tế, nhu cầu tiêu thụ khí thiên nhiên tại Trung Quốc đã vượt quá 300 tỷ m3/năm và nước này không thể bù đắp hoàn toàn sản lượng khí nhập khẩu.

Đồng tình với nhận định này, chuyên gia cao cấp Quỹ An ninh năng lượng quốc gia tại Đại học Tài chính trực thuộc Chính phủ Nga Stanislav Mitrakhovich cho biết, Trung Quốc sẽ giảm dần sản xuất than trong thời gian tới, vì vậy nước này sẽ cần nhiều khí thiên nhiên. Trong những năm gần đây, tiêu thụ khí thiên nhiên ở nước này tăng trưởng trung bình 10%/năm. Ngoài ra, sản xuất khí đá phiến trong nước cũng có một số khó khăn nhất định.

Triển vọng các nguồn cung khí đốt từ Nga

0926-a2

Trung Quốc có thể bù đắp thâm hụt nguồn khí đốt bằng nguồn khí thiên nhiên nhập khẩu bằng đường ống hoặc khí hóa lỏng (LNG). Theo S&P Global Platts, nhà phân phối khí thiên nhiên hàng đầu trong nước ENN Energy Holdings trong thời gian ngắn có thể tăng công suất nhập khẩu LNG lên gấp 3 lần, đạt 3 triệu tấn/năm tại cảng Chu San, tỉnh Chiết Giang khi đường ống ngầm Vĩnh Châu dài 81 km, kết nối cảng LNG với các trung tâm tiêu thị của thành phố Ninh Ba, Chiết Giang đi vào vận hành.

Trong số các nguồn cung khí đốt bổ sung cho Trung Quốc, Nga có triển vọng rất lớn. Chuyên gia Stanislav Mitrakhovich cho biết, Nga có thể cung cấp LNG cho Trung Quốc từ các nhà máy Yamal LNG của Novatek và dự án Arctic LNG-2 trong tương lai. Hơn nữa, phía Trung Quốc không có nhiều lựa chọn thay thế trong giai đoạn này. Có thể nói, Nga hiện là đối tác "gần gũi" nhất với Trung Quốc, trong khi Mỹ là đối thủ chiến lược của nước này. Trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự ở Biển Đông, nguồn cung LNG từ Trung Đông đến Trung Quốc sẽ bị chặn và Úc - đồng minh của Mỹ cũng sẽ dừng cung cấp LNG cho nước này.

Đồng thời, tập đoàn Gazprom với đường ống khí đốt "Sức mạnh Siberia" (Power of Siberia) mới vận hành trong thời gian gần đây cũng là một nguồn cung khí đốt quan trọng cho thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, Gazprom cũng gặp phải một số vấn đề khi vấp phải sự cạnh tranh trực tiếp từ đối thủ Novatek. Bên cạnh đó, một số nguồn tin cho rằng tập đoàn này đang gặp vấn đề nghiêm trọng trong sản xuất khí đốt từ mỏ chính Chayandinskoe. Phía Gazprom tự tin về triển vọng cung cấp thành công khí đốt cho Trung Quốc khi nguồn cung khí qua "Sức mạnh Siberia" cho phép Trung Quốc cung cấp khí đốt cho các khu vực có nhu cầu tiêu thụ tăng nhanh nhất, đồng thời bảo vệ mình khỏi rủi ro sụt giảm sản xuất trong nước và biến động trên thị trường LNG. Theo hãng tin 1Prime, công thức tính giá khí linh hoạt theo hợp đồng dầu thô cộng với khoảng cách vận chuyển ngắn hơn so với nguồn cung từ Trung Á giúp nguồn khí đốt qua đường ống "Sức mạnh Siberia" trở thành nguồn nhập khẩu khí đốt cạnh tranh nhất cho tất cả các khu vực tiêu thụ lớn tại khu vực phía bắc, đông bắc, và phía đông của Trung Quốc.

Tương lai của “Sức mạnh Siberia”

Các chuyên gia đều nhận định rằng, vai trò của "Sức mạnh Siberia" sẽ vẫn còn nguyên giá trị, nhất là khi dự án đang ở giai đoạn đầu triển khai và còn quá sớm để đánh giá kết quả của nó. Đúng là hiện nay, giá LNG đang ở mức thấp do những tác động của đại dịch. Tuy nhiên, khi nhu cầu tiêu thụ phục hồi và giá khí tăng trở lại, đường ống dẫn khí đốt "Sức mạnh Siberia" sẽ vẫn là nguồn cung khí đảm bảo cho Trung Quốc. Nhập khẩu khí đốt thông qua "Sức mạnh Siberia" có lợi thế hơn về giá do giá khí được tính trên cơ sở giá dầu với độ trễ nhất định. Vì vậy, khi giá dầu và khí đốt bắt đầu tăng, nguồn khí đốt thông qua "Sức mạnh Siberia" vẫn có giá thấp hơn. Đối với LNG, mặc dù Trung Quốc đã tăng hơn 6 lần lượng nhập khẩu nhiên liệu này từ Nga, song khả năng cung cấp của Novatek sẽ không thể thay thế hoàn toàn "Sức mạnh Siberia".

Phạm TT

Theo Gazeta.ru