Trái ngược với các dữ liệu, Trung Quốc vẫn tích trữ dầu thô của Iran

15:21 | 01/09/2020

|
Chuyên gia Simon Watkins của hãng tin Oil Price đã chia sẻ những phân tích về cách thức mà phía Trung Quốc nhập khẩu lượng lớn dầu thô Iran bất chấp các lệnh cấm vận của Mỹ qua những thông tin thu thập được từ giới thạo tin trên thị trường và tại Iran.
trai-nguoc-voi-cac-du-lieu-trung-quoc-van-tich-tru-dau-tho-cua-iran

Một số báo cáo thị trường trích dẫn dữ liệu của Tổng cục hải quan Trung Quốc (GAC) trong tháng 7 vừa qua cho thấy, Trung Quốc, lần đầu tiên kể từ tháng 01/2007, đã dừng nhập khẩu dầu thô từ Iran trong tháng 06/2020. Tuy nhiên, thực tế đã không diễn ra như vậy. Các công ty nhập khẩu của Trung Quốc đã nhập khẩu hàng triệu thùng dầu thô Iran mỗi tháng và sẽ tiếp tục hoạt động này như một phần của thỏa thuận 25 năm được ký giữa giữa chính quyền Trung Quốc và Iran. Một nguồn tin từ một chuyên gia dầu khí cao cấp có quan hệ chặt chẽ với Bộ Dầu mỏ Iran cho biết, từ ngày 01/6 - 21/7, Trung Quốc đã nhập khẩu ít nhất 8,1 triệu thùng dầu (tương đương 158.823 thùng/ngày) từ Iran. Phần lớn trong số 8,1 triệu thùng dầu này được vận chuyển bằng tàu chở dầu "Giessel".

Theo nguồn tin của Kpler, tàu "Giessel" có khả năng đã nạp dầu thô của Iran thông qua việc chuyển dầu từ tàu sang tàu ở ngoài khơi eo biển Hormuz, Vịnh Oman trong khoảng thời gian từ 26/4 đến 05/5. "Giessel" sau đó đã chuyển khoảng 2,1 triệu thùng dầu thô Iran cho tập đoàn Sinopec (thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc) tại cảng Hoàng Đảo, Thanh Đảo vào ngày 13/6. Ngay sau đó, theo nguồn tin từ phía Iran, hai tàu chở dầu là "Stream" và "Snow" đã rời các cảng của Iran để đến Trung Quốc, chuyển lần lượt 1,6 triệu thùng và 2,1 triệu thùng dầu thô cho đối tác tại các cảng của Trung Quốc.

Ngoài 8,1 triệu thùng dầu thô được xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc, khoảng 6,8 triệu thùng dầu khác được xuất khẩu gián tiếp trong khoảng thời gian từ 01/6-21/7, xuất phát từ Iran đến Malaysia hoặc Indonesia, sau đó đến Trung Quốc. Quá trình này bao gồm việc vận tải dầu thô Iran đến khu vực ranh giới biển của Malaysia hoặc Indonesia, thay đổi các giấy tờ đăng ký tàu liên quan đến nguồn gốc và quyền sở hữu tàu, cũng như xuất xứ của dầu thô. Sau đó, các tàu vận chuyển dầu tiếp tục hành trình đến Trung Quốc.

Một dấu hiệu cho thấy điều này đã diễn ra trong nhiều tháng khi sản lượng nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc từ Malaysia tăng trung bình 81,2% trong 6 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019. Ngoài ra, Trung Quốc còn nỗ lực làm xáo trộn vấn đề hơn nữa đối với chuyến hàng ngày 13/6 của tàu "Giessel" tại cảng Hoàng Đảo, Thanh Đảo. Các tài liệu nội bộ của hải quan Trung Quốc chỉ thống kê hỗn hợp dầu thô đến từ Indonesia (không phải Malaysia). Gần 15 triệu thùng dầu thô xuất khẩu từ Iran sang Trung Quốc trong giai đoạn từ 01/6-21/7 (292.157 thùng/ngày) đã chiếm hơn 58% trong tổng số sản lượng xuất khẩu 500.000 thùng/ngày hiện tại của Iran. Trong khi đó, sản lượng khai thác của Iran trong giai đoạn này được cho là ở mức 2,2 triệu thùng/ngày.

Việc thực tế không có số liệu dầu thô nào của Iran trong số liệu thống kê của GAC không gây ngạc nhiên đối với giới thị trường. Bất kỳ lượng dầu thô nào nhập khẩu vào Trung Quốc từ Iran đều được lưu trữ trong kho ngoại quan. Hiểu một cách đơn giản là dầu thô Iran được đưa vào kho ngoại quan, hoàn toàn không được đưa qua hải quan Trung Quốc và thậm chí không được thống kê là đã thanh toán. Do đó không có bất kỳ số liệu nào được ghi nhận trong thống kê của GAC. Điều này có nghĩa là Trung Quốc có thể nhập khẩu bao nhiêu dầu của Iran tùy ý mà không bị thống kê trong bất kỳ số liệu nhập khẩu nào.

trai-nguoc-voi-cac-du-lieu-trung-quoc-van-tich-tru-dau-tho-cua-iran-1
Sơ đồ Đường ống ESPO Đông Siberia - Thái Bình Dương của Nga

Một phương pháp xuất khẩu dầu khác từ Iran sang Trung Quốc hiện được chính quyền Iran, phối hợp với Nga và cả Trung Quốc cùng thực hiện. Đó là hoạt động thu gom, lưu trữ và vận chuyển dầu từ khu vực biển Caspi của Iran vào hệ thống đường ống ESPO (Đông Siberia - Thái Bình Dương) và sau đó được chuyển đến Trung Quốc. Iran hiện có 11,8% nguồn tài nguyên tại biển Caspi với các mỏ ở trên bờ và ngoài khơi. Trữ lượng dầu đã được chứng minh lên tới 48 tỷ thùng. Nga đã có kinh nghiệm sử dụng dầu thô Iran trong hỗn hợp dầu thô ESPO. Vào năm 2018, phía Nga đã phải đối mặt với nhiều lời phàn nàn từ những nhà nhập khẩu dầu ở châu Âu khi nỗ lực đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ Trung Quốc vì sản lượng khai thác dầu thô ở Đông Siberia là không đủ. Để giải quyết vấn đề chất lượng dầu đối với châu Âu, Nga đã sử dụng loại dầu thô ngọt, nhẹ tương đương của Iran để đưa vào hệ thống đường ống vận chuyển ESPO của mình, kết hợp giao hàng cho thị trường EU và Trung Quốc.

Đối với Trung Quốc, ngoài lý do "lách" các lệnh cấm vận, còn những lợi ích khác biệt khác khi lưu trữ hàng triệu thùng dầu thô Iran trong kho ngoại quan. Để giao dịch dầu thô, phía Iran có thể đảm bảo giao dầu với chiết khấu lớn, phù hợp với yếu tố bảo mật trong thỏa thuận 25 năm đã được ký kết. Trong trường hợp dầu thô được giao bởi các tàu chở dầu "Giessel", "Stream" và "Snow", 5,8 triệu thùng dầu sẽ được chiết khấu 10,95 USD/thùng so với giá rao bán của Iran. Ngoài khoản chiết khấu này Iran cùng cung cấp cho Trung Quốc giá CIF với giá FOB. Ngoài ra, phía Iran cũng cung cấp cho bên mua Trung Quốc bảo hiểm và điều khoản bồi thường đối với các thực thể vận chuyển dầu khác.

Một điểm tích cực nữa đối với Trung Quốc là lượng dầu dự trữ này có thể được rao bán bất cứ thời điểm nào nếu nhu cầu phát sinh hoặc vào thời điểm giá dầu tăng đáng kể. Nó cũng có thể được sử dụng vì lợi ích địa chính trị, cho phép Trung Quốc giao dịch dầu trong các thỏa thuận với các nước nghèo năng lượng để đổi lấy những lợi thế, ưu tiên cho các nhà đầu tư Trung Quốc phát triển cơ sở hạ tầng tại nước đó, góp phần phục vụ cho các mục tiêu trong đại dự án "Vành đai, Con đường". Cuối cùng, lưu trữ dầu thô Iran mang lại cho Trung Quốc một mạng lưới an ninh năng lượng rộng hơn trong trường hợp Mỹ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với nhiều nhà cung cấp dầu thô truyền thống của Trung Quốc (như Nga).

Ở phía bên kia, Iran được hưởng lợi một phần nhờ thực tế là họ không phải ngừng sản xuất tại các mỏ dầu lớn của mình vì sắp hết dung tích lưu trữ. Iran cũng không phải cam kết chuyển tất cả đội tàu của mình vào bãi neo đậu (điều này gây tốn kém và hạn chế khả năng xuất khẩu dầu thô sang các nước khác). Tuy nhiên, lợi ích chính trị đối với Iran là các khoản tài trợ. Trước khi Iran ký kết thỏa thuận bảo mật 25 năm với Trung Quốc, nước này đã bị thiếu hụt khoảng 150 tỷ USD để hoàn thành các dự án phát triển dầu khí và sản xuất xăng dầu, cộng thêm 250 tỷ USD mà họ cần để xây dựng các công trình dầu khí mới, có liên quan đến các hoạt động xuất khẩu dầu ra thị trường quốc tế.

Trong khi Trung Quốc đã đảm bảo số tiền 400 tỷ USD, Iran vẫn ở trong tình trạng nghèo tiền mặt. Vì vậy, việc xuất khẩu dầu với giá chiết khấu là một công cụ cho phép nước này thanh toán cho Trung Quốc một phần chi phí phát triển cơ sở hạ tầng. Theo nhiều nguồn tin khác nhau, việc chiết khấu giá dầu, được vận chuyển trên các tàu "Giessel", "Stream" và "Snow" là một phần trong khoản thanh toán cho công việc của Sinopec trong giai đoạn 2 phát triển mỏ dầu "Yadavaran" có trữ lượng lớn của Iran. Sinopec hiện đang làm việc tại mỏ dầu này thông qua 7 công ty bình phong đã được đăng ký ở các nước như Myanmar, Malaysia, Singapore và Pakistan.

Ngoài các lô dầu thô từ Iran được xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc và các lô dầu thô được vận chuyển gián tiếp qua Malaysia hoặc Indonesia, trong khoảng thời gian từ 01/6-21/7, các công ty Trung Quốc còn mua thêm 1,2 triệu thùng dầu thô Iran được dán mác là dầu thô Iraq, được bán với giá chiết khấu là 12 USD/thùng so với giá dầu thô Basra. Việc dán nhãn lại dầu thô của Iran thành dầu thô của Iraq rất đơn giản vì dầu được khai từ các mỏ dầu tại khu vực biên giới Iraq - Iran giống hệt như dầu đang được khoan ở Iran khiến phía Mỹ không thể phát hiện. Tóm lại, các phương thức bán dầu trực tiếp từ Iran đến Trung Quốc chiếm khoảng 159.000 thùng/ngày bằng cách vận chuyển gián tiếp từ Iran đến Trung Quốc qua Malaysia hoặc vùng biển của các nước khác chiếm 133.000 thùng/ngày, dán lại nhãn cho dầu thô xuất khẩu cho Trung Quốc chiếm 24.000 thùng ngày. Điều này có nghĩa là trong giai đoạn 01/6-21/7, Trung Quốc đã nhập khẩu ít nhất 300.000 thùng dầu thô Iran/ngày. Con số này chiếm khoảng 60% tổng số 500.000 thùng/ngày xuất khẩu của Iran vào thời điểm hiện tại. Khoảng 200.000 thùng còn lại được Iran xuất khẩu sang các thị trường truyền thống khác. PTT.

Nhận định

Qua những phân tích trên có thể thấy, việc Trung Quốc tiếp tục nhập khẩu dầu thô Iran cả bằng con đường trực tiếp và gián tiếp đã phá vỡ thế bao vây, cấm vận của Mỹ đối với Iran, đồng thời đem lại lợi ích đáng kể cho Trung Quốc nhờ chính sách bán chiết khấu của Iran dành cho các công ty Trung Quốc. Do đó, dù Mỹ có tái áp đặt, gia hạn các biện pháp cấm vận đối với Iran cũng khó có thể thay đổi cục diện chính trị và làm sụp đổ nền kinh tế nước này. Bên cạnh đó, không ngoại trừ khả năng phía Trung Quốc đang tiếp tục nhập khẩu gián tiếp dầu thô từ Venezuela cho các nhu cầu của mình. Hiện tại, Mỹ đang chuẩn bị gói cấm vận tiếp theo đối với Iran thông qua Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc. Chính sách cấm vận đối với Iran và các chính sách của các nước đồng minh với Mỹ trong khu vực vùng vịnh sẽ làm nóng lên các tranh chấp tiềm ẩn, chưa kể đến việc Mỹ giảm sự hiện diện quân sự tại khu vực trong khi IS gia tăng các hoạt động của mình.

Phạm TT