Trừng phạt năng lượng hạt nhân Nga sẽ gây hậu quả gì?

09:07 | 05/06/2023

|
(PetroTimes) - Theo nhà phân tích Alexandre Lemoine, tuy đang xem xét áp đặt biện pháp trừng phạt vào tập đoàn hạt nhân của Nga trong bối cảnh chiến tranh Nga - Ukraine song Mỹ và các đồng minh châu Âu đã không tiến hành thảo luận xa hơn.
Trừng phạt năng lượng hạt nhân Nga sẽ gây hậu quả gì?

Theo Bloomberg, vào năm 2022, xuất khẩu của Nga trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân tăng hơn 20%. Ông Alexandre Lemoine cho rằng, Mỹ và những đồng minh không muốn áp đặt biện pháp trừng phạt vào lĩnh vực này - vốn đang mang lại cho Nga cả lợi ích tài chính lẫn ảnh hưởng chính trị.

Các nhà chức trách Đức thì lại ủng hộ quyết định đưa ra các biện pháp đánh vào lĩnh vực hạt nhân của Nga. Đây là điều mà ông Robert Habeck - Phó Thủ tướng Đức kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu đã tuyên bố. Sau khi đóng cửa tất cả nhà máy điện hạt nhân ở Đức, Berlin kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) áp đặt hạn chế lên ngành năng lượng hạt nhân của Nga trong gói trừng phạt thứ 11 sắp tới đây. Theo ông, Moscow “cố tình sử dụng sự phụ thuộc của nhiều nước vào lĩnh vực năng lượng này để gây áp lực”.

Tuy nhiên, trong mắt nhà phân tích, Đức có thể sẽ không nhận ra những hậu quả từ việc này.

Hơn nữa, như truyền thông phương Tây đã đưa tin, Liên minh châu Âu (EU) không thống nhất được những biện pháp trừng phạt áp đặt lên năng lượng hạt nhân dân sự của Nga. Nguyên nhân một phần là do lập trường của Hungary. Quốc gia này đang phát triển ngành năng lượng này, thông qua sự hợp tác chặt chẽ với Nga. Còn các nhà phân tích thì chỉ ra rằng phương Tây không còn nhiều cách để gây áp lực lên Nga. Theo giới chuyên gia, những hạn chế có thể xảy ra đối với ngành năng lượng hạt nhân dân dụng của Nga sẽ có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt trên thị trường và làm tăng giá nguyên liệu thô.

Đức ủng hộ lệnh cấm nhập khẩu uranium của Nga, nhưng các nước Đông Âu thì lại đang lệ thuộc vào nhiên liệu của Nga.

Như vậy, áp đặt biện pháp trừng phạt có thể có tác động nghiêm trọng đến ngành công nghiệp hạt nhân của EU, vì đối với nhiều quốc gia trong khối, Nga là nhà cung cấp uranium lớn thứ hai của họ.

Cuộc thảo luận về biện pháp trừng phạt này đã làm lộ ra sự bất đồng chính trị giữa chính phủ Đức và Pháp - hai nhân vật lớn trong EU. Đức là một nước phản đối mạnh mẽ năng lượng hạt nhân và có kế hoạch đóng cửa những nhà máy điện hạt nhân còn sót lại vào cuối năm nay.

Theo nhà phân tích Alexandre Lemoine, Berlin không chỉ bằng lòng với việc ngừng hoạt động các lò phản ứng của chính mình mà còn cố gắng ngăn cản những nước châu Âu khác đầu tư vào năng lượng hạt nhân. Gần đây, Đức đã chỉ trích Bỉ vì có quyết định hoãn kế hoạch loại bỏ vũ khí hạt nhân trong vòng 10 năm.

Về phần mình, điện hạt nhân chiếm hơn 70% cơ cấu điện năng của Pháp. Quốc gia này có kế hoạch xây dựng thêm nhiều lò phản ứng nữa. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng, năng lượng hạt nhân sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm lượng khí thải ở nước này, vì đây là nguồn năng lượng có hàm lượng carbon thấp, đồng thời cũng sẽ giúp củng cố khả năng độc lập năng lượng của EU. Pháp có kế hoạch xây dựng 14 lò phản ứng mới trong giai đoạn từ nay cho đến năm 2050, đồng thời tiếp tục phát triển năng lượng tái tạo. Pháp cũng là thành viên duy nhất của EU ủng hộ chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, Pháp không phụ thuộc vào nguồn uranium nhập khẩu từ Nga, vì nước này chủ yếu nhận nhiên liệu từ Kazakhstan và Niger.

Tập đoàn năng lượng khổng lồ EDF của Pháp - đơn vị quản lý các nhà máy điện hạt nhân, cho biết “đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở Ukraine và hậu quả của nó đối với thị trường năng lượng”. Được biết, nhà cung cấp nhiên liệu hạt nhân Orano đã đình chỉ hợp tác với Nga. Họ cho biết, các đơn đặt hàng từ Nga chỉ chiếm chưa đến 0,1% tổng số đơn hàng của họ.

Tuy nhiên, sự phản đối mạnh mẽ nhất không đến từ Pháp, mà đến từ Đông Âu.

Cộng hòa Séc, Hungary, Phần Lan, Bulgaria và Slovakia không có giải pháp nào thật sự thay thế được nhiên liệu hạt nhân của Nga, vì họ sử dụng những lò phản ứng hạt nhân do Nga sản xuất. Giả sử họ tuyên bố có đủ nhiên liệu hạt nhân để sử dụng cho đến cuối năm 2023, thì lệnh cấm nhập khẩu từ Nga vẫn có thể gây ra vấn đề cho họ trong tương lai.

Hungary đã từ chối ủng hộ những biện pháp hạn chế mà EU muốn áp đặt lên ngành năng lượng hạt nhân của Nga. Họ kêu gọi không nên áp dụng những biện pháp trừng phạt mới, vì Nga vốn đã chịu rất ít thiệt hại từ những lệnh trừng phạt trước đây, không như các nước châu Âu. Đây là lời tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hungary Péter Szijjarto trên Tờ báo Magyar Nemzet. Ông cho biết, trong trường hợp áp đặt lệnh trừng phạt mới, các công ty châu Âu sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn trong hoạt động xuất khẩu, làm giảm khả năng cạnh tranh của EU.

Theo một bản tin của Đài CNN, một quan chức cấp cao của EU đã tiết lộ rằng EU từ chối áp đặt những hạn chế chính thức vào công ty hạt nhân Rosatom của nhà nước Nga trong gói trừng phạt thứ 11 sắp tới.

Theo nguồn tin này, EU tin rằng “chỉ sử dụng biện pháp trừng phạt” thì sẽ không giúp họ ngừng lệ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga. Theo họ, có nhiều cách khác để đạt được mục tiêu này.

Trước đó, EC đã đề cập - song song với cuộc thảo luận về gói biện pháp trừng phạt thứ 11, về khả năng tạo ra ngoại lệ tạm thời bên cạnh việc áp dụng biện pháp trừng phạt lên Nga. Theo EC, điều này sẽ có lợi cho những công ty châu Âu nào vẫn còn hoạt động ở thị trường Nga và muốn rời khỏi Nga trước ngày 31/8/2023.

Nga-Algeria lần đầu hợp tác năng lượng hạt nhânNga-Algeria lần đầu hợp tác năng lượng hạt nhân
Tranh cãi về kế hoạch phát triển điện hạt nhân của ĐứcTranh cãi về kế hoạch phát triển điện hạt nhân của Đức
EU trừng phạt ngành công nghiệp hạt nhân của Nga: Dễ hay khó?EU trừng phạt ngành công nghiệp hạt nhân của Nga: Dễ hay khó?

Ngọc Duyên

AFP