Ấn Độ xem xét mở cửa cho đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực năng lượng hạt nhân

10:18 | 22/05/2025

|
(PetroTimes) - Ấn Độ dự kiến sẽ mở cửa lĩnh vực năng lượng hạt nhân, với khả năng cho phép đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lên tới 49% theo từng giai đoạn. Sự thay đổi chính sách này nhằm thúc đẩy sản lượng điện hạt nhân đạt 40 GW vào năm 2035 và 100 GW vào năm 2047. Các sửa đổi đối với Luật Năng lượng nguyên tử và Luật Trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại do hạt nhân đang được tiến hành để tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia.
Ấn Độ xem xét mở cửa cho đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực năng lượng hạt nhân
Ấn Độ xem xét cho phép đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực năng lượng hạt nhân (Ảnh minh họa)

Ấn Độ đang lên kế hoạch thực hiện một thay đổi chính sách lớn bằng cách mở cửa lĩnh vực năng lượng hạt nhân cho các nhà đầu tư nước ngoài - vốn bị hạn chế trong suốt một thời gian dài.

Tối đa 49% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có thể được phép tham gia vào lĩnh vực năng lượng hạt nhân, tuy nhiên quá trình nới lỏng sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn, bắt đầu với mức trần 26%. Mức trần này có thể được nâng lên sau khi đánh giá lại.

"Chúng tôi sẵn sàng cho phép đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này, thậm chí có thể tăng lên tới 49%, nhưng theo từng đợt", một quan chức chính phủ cấp cao nói với The Economic Times.

Hiện tại, lĩnh vực năng lượng hạt nhân của Ấn Độ đang nằm trong danh sách hạn chế đối với đầu tư FDI và hoàn toàn do chính phủ kiểm soát. Tuy nhiên, với kế hoạch đầy tham vọng tăng công suất phát điện từ năng lượng hạt nhân từ 8 GW hiện nay lên 40 GW vào năm 2035, chính phủ đang chuẩn bị khung pháp lý để khuyến khích sự tham gia của tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài.

Trước đó, trong báo cáo ngân sách tháng 2/2025, Bộ trưởng Tài chính Nirmala Sitharaman cũng đã công bố việc sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử và Luật Trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân. Những thay đổi pháp lý này rất quan trọng để thúc đẩy vai trò lớn hơn của các tổ chức tư nhân trong chương trình năng lượng hạt nhân của Ấn Độ.

“Phát triển ít nhất 100 GW năng lượng hạt nhân vào năm 2047 là điều cần thiết cho nỗ lực chuyển đổi năng lượng của chúng ta. Để có sự hợp tác tích cực với khu vực tư nhân hướng tới mục tiêu này, việc sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử và Luật Trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân sẽ được thực hiện”, bà Sitharaman phát biểu.

Bà cũng công bố ngân sách 200 tỷ rupee cho chiến lược năng lượng hạt nhân, tập trung vào nghiên cứu và phát triển các lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR). Chính phủ đặt mục tiêu đưa ít nhất 5 SMR do Ấn Độ phát triển, đi vào vận hành vào năm 2033.

Vị quan chức này cho biết các sửa đổi đối với các đạo luật đang được hoàn thiện, với các cuộc thảo luận đang diễn ra có sự tham gia của các cơ quan liên quan. Các ủy ban gồm các quan chức cấp cao chính phủ đã được thành lập để soạn thảo và hoàn tất các sửa đổi này, và quá trình đang được tiến hành tích cực.

Sự quan tâm của giới đầu tư đối với lĩnh vực hạt nhân của Ấn Độ đang bắt đầu tăng lên. Cơ quan hạt nhân Nga Rosatom và tập đoàn nhà nước Pháp EDF đã bày tỏ sẵn sàng hợp tác với Ấn Độ về công nghệ lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR).

D.Q

Times Of India