Triển vọng thương mại LNG toàn cầu trong bối cảnh thị trường bất ổn

08:00 | 29/05/2024

|
(PetroTimes) - Trong khi thị trường LNG dần tái cân bằng trong năm 2023, các yếu tố địa chính trị tiếp tục đặt ra rủi ro, thách thức cho lĩnh vực LNG ngay trong năm 2024.
Triển vọng thương mại LNG toàn cầu trong bối cảnh thị trường bất ổn

Hiện mô hình cung và cầu đối với khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đã thay đổi do căng thẳng địa chính trị và sự bất ổn của thị trường. Thương mại LNG toàn cầu tăng 6,8% từ năm 2021 đến năm 2022, đạt xấp xỉ 401,5 triệu tấn. Theo báo cáo về LNG của Liên minh khí đốt quốc tế (ICU), cú sốc cung cấp khí đốt qua đường ống do cuộc xung đột CHLB Nga-Ukraine đã dẫn đến nhu cầu LNG gia tăng ở châu Âu, giá cả tăng vọt và chuyển hướng lượng hàng LNG bổ sung từ châu Á sang châu Âu.

Thị trường khí đốt tự nhiên toàn cầu dần dần được tái cân bằng vào năm 2023 mặc dù các nguyên tắc cơ bản về nguồn cung ngày càng bị thắt chặt hơn. Đối với nhu cầu sụt giảm ở châu Âu và các thị trường trưởng thành ở châu Á đã làm dịu đi tác động của cú sốc nguồn cung khí đốt năm 2022. Kết quả là giá cả khí đốt tự nhiên đã giảm sút đáng kể trong năm 2023 mặc dù chúng vẫn cao hơn nhiều so với mức trung bình lịch sử ở châu Á và châu Âu.

Theo GlobalData, sự gia tăng nhập khẩu LNG trong năm 2022 chủ yếu là do châu Âu, nơi chứng kiến ​​mức tăng đáng kể hàng năm là 50,4 triệu tấn (Mt), tăng 66% so với năm 2021. Năm 2023, châu Âu đã nhập khẩu 126,6 triệu tấn LNG, trở thành châu lục nhập khẩu LNG lớn thứ hai thế giới nhằm bù đắp cho sự sụt giảm khối lượng đường ống dẫn khí đốt của CHLB Nga. Trong khi đó, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương vẫn là khu vực nhập khẩu LNG hàng đầu thế giới, đạt 160,9 triệu tấn (2022), đánh dấu mức tăng 4,6 triệu tấn so với năm trước đó, theo ICU.

Nhà phân tích cấp cao thượng nguồn của GlobalData Tosin Coker cho biết: “Ngành công nghiệp LNG đã phải đối mặt với một loạt thách thức trong một năm rưỡi qua, chủ yếu là do cuộc chiến CHLB Nga-Ukraine, từ đó đã gây ra tác động toàn cầu đến cung, cầu và giá cả LNG. Tuy vậy, sau một năm rưỡi đầy bất ổn, vào năm 2023, thị trường LNG đã lấy lại được sự cân bằng”.

Địa chính trị ảnh hưởng đến ngành LNG

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, những bất ổn địa chính trị đã gây ra rủi ro lớn nhất cho thị trường khí đốt toàn cầu trong năm 2024. Các yếu tố như cuộc chiến CHLB Nga-Ukraine đã làm gia tăng thêm căng thẳng ở khu vực Trung Đông và những quan ngại về những hành động cố tình can thiệp có chủ đích vào các cơ sở hạ tầng quan trọng như đường ống dẫn dầu có thể dẫn đến nhiều biến động hơn trên thị trường, theo báo cáo về thị trường khí đốt mới nhất của ICU đã nêu rõ.

Nhà phân tích thượng nguồn Rami Khrais của GlobalData thì cho biết, địa chính trị là nhân tố chính tác động đến thị trường LNG trong những năm gần đây. Cuộc chiến CHLB Nga-Ukraine và sự trả đũa của EU dưới hình thức áp đặt các lệnh trừng phạt đối với CHLB Nga đã gây ra căng thẳng trong thị trường khí đốt tự nhiên của châu Âu. Cuộc chiến ở Ukraine và nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung khí đốt tự nhiên của châu Âu thoát khỏi nguồn cung khí đốt tự nhiên qua đường ống của CHLB Nga đã nhấn mạnh vai trò của khu vực Trung Đông nổi lên như là một nhà cung cấp năng lượng quan trọng, đặc biệt là LNG. Đáng chú ý có hai quốc gia trong khu vực này được hưởng lợi đặc biệt từ cuộc xung đột trên là Algeria và Qatar. Song song với việc Algeria gia tăng sản lượng và vận chuyển LNG sang các nước châu Âu theo các thỏa thuận, Qatar cũng đã ký kết với CHLB Đức và CH Pháp một số hợp đồng cung cấp LNG dài hạn. Dự kiến, nhiều hợp đồng cung cấp LNG tương tự như vậy cũng sẽ được ký kết trong tương lai gần, đặc biệt khi Qatar hiện đang xem xét kế hoạch nhằm tăng sản lượng sản xuất LNG từ 77 triệu tấn mỗi năm (mtpa) lên 142 triệu tấn mỗi năm vào năm 2027.

Theo phân tích của GlobalData về 20 chủ đề hàng đầu tác động đến lĩnh vực dầu khí toàn cầu, lĩnh vực LNG của CHLB Nga là lĩnh vực duy nhất được quan tâm trong lĩnh vực LNG toàn cầu. Các biện pháp trừng phạt mới đã được áp đặt đối với nhà máy khí hóa lỏng sắp tới của CHLB Nga là Arctic LNG 2, điều này đã khiến một số cổ đông rút lại sự tham gia của họ đối với dự án quan trọng này.

Theo nhà phân tích thượng nguồn Paul Hasselbrinck của GlobalData, các yếu tố địa chính trị là rào cản đối với việc mở rộng thị trường của các nước BRICS+ và OPEC+ bởi do mối quan hệ căng thẳng của nhiều quốc gia với phương Tây đã làm hạn chế khả năng tiếp cận thị trường và công nghệ tiên tiến của họ. Tuy nhiên, hiện có một số khía cạnh tích cực đối với một số nước ví dụ như Trung Quốc và CH Ấn Độ đã cùng nhau chiếm 23% tổng lượng nhập khẩu LNG và nhu cầu của hai quốc gia này được đáp ứng tới 90% thông qua xuất khẩu từ các quốc gia không thuộc OPEC+ hoặc BRICS+. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ tiếp tục là nhà sản xuất LNG hàng đầu thế giới song đã thể hiện sự không chắc chắn đối với việc hỗ trợ lĩnh vực này trong bối cảnh đang cân nhắc về vai trò của LNG trong quá trình chuyển đổi năng lượng ngày càng mang tính chọn lọc hơn về các điểm đến xuất khẩu.

Cân bằng thị trường

Báo cáo của IEA cũng cho thấy nhu cầu khí đốt tự nhiên toàn cầu sẽ tăng 2,5%, tương đương 100 tỷ mét khối (bcm) vào năm 2024. Dự kiến ​​thời tiết mùa đông sẽ lạnh hơn ở Bán cầu bắc vào năm 2024 so với nhiệt độ khá ôn hòa một cách bất thường xảy ra vào năm 2023, điều này có thể sẽ làm gia tăng nhu cầu để sưởi ấm không gian trong khu dân cư và thương mại.

Về điểm này, nhà phân tích cấp cao thượng nguồn Tosin Coker cho biết thêm, vào năm 2024, nhu cầu toàn cầu được dự báo yếu là nguyên nhân lớn nhất khiến cho nhu cầu của châu Âu về LNG giảm khoảng 7%, trong khi nhu cầu LNG của châu Á thậm chí còn tăng trưởng yếu hơn. Tuy vậy, điều khá tích cực của lĩnh vực LNG là sự chuyển động ổn định của các hoạt động đầu tư và ký kết hợp đồng LNG bởi vì giá cả thấp hơn có nghĩa là nhiều nước châu Á đã ký hợp đồng mua LNG trong khi các công ty và các quốc gia tiếp tục định vị mình trong một thị trường sở hữu lượng khí đốt hạn chế của CHLB Nga cung cấp cho châu Âu và nhu cầu LNG ngày càng gia tăng ở châu Á cùng với các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi khác trên thế giới.

Nhu cầu khí đốt tự nhiên toàn cầu đã được dự báo chỉ tăng 0,5% trong năm 2023, với sự tăng trưởng chủ yếu ở Trung Quốc, khu vực Bắc Mỹ và các nước giàu khí đốt ở châu Phi và khu vực Trung Đông đã bù đắp một phần cho sự sụt giảm nhu cầu LNG ở các khu vực khác trên thế giới. Hiện nay, cùng với các quốc gia OPEC+, các quốc gia BRICS+ có thể tạo ra doanh thu/lợi nhuận về LNG một cách đáng kể trong thời gian dài, điều này giúp cho số quốc gia này có thời gian để điều chỉnh nền kinh tế của mình chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn.

Theo nhà phân tích thượng nguồn Paul Hasselbrinck cho biết thêm, trong khi nhiều quốc gia BRICS+ và OPEC+ trước đây đã xuất khẩu LNG, phần lớn xuất khẩu khí đốt của họ đều đi qua đường ống và hầu hết các quốc gia này đã phải vật lộn để củng cố lĩnh vực xuất khẩu LNG của mình hiện do các nước không phải là thành viên như Australia, Qatar và Hoa Kỳ thống trị. Đây là nhóm quốc gia chủ yếu là những nhà nhập khẩu LNG với lượng LNG đã nhập khẩu 192,1 triệu tấn, chiếm khoảng 27% tổng sản lượng thương mại LNG vào năm 2022, trong khi cũng đã xuất khẩu 82,6 triệu tấn, chiếm khoảng 11% tổng sản lượng thương mại LNG toàn cầu.

Tuy nhiên, nhập khẩu LNG vào năm 2023 vẫn ở dưới mức năm 2021, với nhu cầu khí đốt tự nhiên tăng 7%. Ngược lại, mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên ở châu Âu giảm 7%, đạt mức thấp nhất kể từ năm 1995 do sự phát triển nhanh chóng của năng lượng tái tạo và sự sẵn có của năng lượng hạt nhân tăng lên.

Khi các hạn chế về đại dịch COVID-19 được nới lỏng và hoạt động kinh tế tiếp tục trở lại, Trung Quốc một lần nữa trở thành nước nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới khi mà quốc gia này gần đây đã lấy lại vị thế là nước nhập khẩu LNG hàng đầu thế giới, tiếp theo sau là Nhật Bản, Hàn Quốc, CH Ấn Độ và Đài Loan-Trung quốc. Mặc dù vậy, một số nước châu Á ví dụ như Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn sẽ chứng kiến ​​công suất điện hạt nhân sẽ đi vào hoạt động nhiều hơn, điều này có thể dẫn đến nhập khẩu LNG thấp hơn trong những năm tới.

Nguồn cung LNG thắt chặt hơn

Báo cáo triển vọng LNG toàn cầu đến năm 2027 của GlobalData cho thấy châu Phi đã cung cấp 34,7 triệu tấn LNG không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng dài hạn vào năm 2023 và dự kiến ​​sẽ cung cấp thêm 38 triệu tấn (2024). Tương tự, châu Á cũng đã cung cấp 35,1 triệu tấn LNG mỗi năm, trở thành nhà cung cấp LNG không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng dài hạn lớn nhất vào năm 2023. Khu vực Trung Đông đã cung cấp 6,6 triệu tấn LNG (2023), và ước tính sẽ cung cấp 10,7 triệu tấn (2024), và có thể tăng lên mức 18,5 triệu tấn (2025). Khu vực Bắc Mỹ thì gắn chặt với châu Phi, trong khi Châu Đại Dương đã cung cấp 25,8 triệu tấn LNG (2023).

“Với triển vọng nhu cầu dầu tăng trưởng chậm lại sau khi đạt mức ổn định ước tính vào khoảng năm 2030 và khí đốt tự nhiên ngày càng có thể sẽ có nhu cầu bền vững trong trung và dài hạn, các nước BRCS+ và OPEC+ sẽ có vị thế tốt hơn để tận dụng xu hướng tên khi mà tích lũy 68% tổng trữ lượng khí đốt tự nhiên còn lại trên toàn cầu,” ông Hasselbrinck bổ sung thêm.

Vừa qua, IEA đã đưa ra tuyên bố do nguồn cung hạn chế vào năm 2024, sản lượng LNG toàn cầu sẽ tăng khá hạn chế, điều này cũng sẽ hạn chế tăng trưởng nhu cầu LNG, đặc biệt là ở châu Âu và các thị trường trưởng thành ở châu Á. Năm nay, dự báo nguồn cung LNG sẽ tăng 3,5%, giảm đáng kể so với tốc độ tăng trưởng 8% trong giai đoạn 2016-2020.

Nguồn cung khí đốt tự nhiên đã tương đối hạn chế vào năm 2023 do sản lượng LNG toàn cầu tăng hạn chế, thấp hơn mức kỳ vọng. Do đó, báo cáo của IEA cũng cho thấy mức tăng trưởng sản lượng LNG không đủ để bù đắp cho sự sụt giảm liên tục trong việc cung cấp khí đốt qua đường ống của CHLB Nga tới châu Âu. Ngoài ra, việc mở rộng nguồn cung tập trung nhiều về mặt địa lý, với việc Hoa Kỳ đã nổi lên là nhà xuất khẩu LNG hàng đầu trên toàn cầu, chịu trách nhiệm cung cấp tới 80% nguồn cung LNG bổ sung trong năm 2023.

Ông Keisuke Sadamori, Giám đốc thị trường năng lượng và an ninh của IEA, thì cho biết trong một tuyên bố: “Thị trường khí đốt tự nhiên toàn cầu đang bước vào một giai đoạn mới khi thế giới dần thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng năng lượng đã có tác động sâu rộng đến cả phía cung và cầu”.

Lĩnh vực LNG toàn cầu đã trải qua những thay đổi đáng kể về động lực cung và cầu do căng thẳng địa chính trị cũng như những bất ổn của thị trường. Trong khi thị trường LNG dần tái cân bằng trong năm 2023, các yếu tố địa chính trị tiếp tục đặt ra rủi ro, thách thức cho lĩnh vực LNG ngay trong năm 2024.

Trường hợp lĩnh vực LNG định vị và vượt qua những thách thức trên thì trọng tâm vẫn là tiếp tục đầu tư vào LNG, đàm phán ký kết hợp đồng và tập trung vào bối cảnh chuyển đổi năng lượng hiện đang phát triển. Với nhu cầu khí đốt tự nhiên toàn cầu dự kiến ​​​​sẽ tăng trong năm 2024, lĩnh vực LNG cần phải giải quyết những hạn chế trong sản xuất để đáp ứng nhu cầu LNG ngày càng gia tăng./.

Các ông trùm năng lượng thế giới nói gì về tương lai LNG?

Các ông trùm năng lượng thế giới nói gì về tương lai LNG?

Qatar có kế hoạch ký kết các hợp đồng cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) dài hạn mới trong năm nay để đáp ứng nhu cầu toàn cầu mạnh mẽ, Bộ trưởng Năng lượng của tiểu vương quốc vùng Vịnh cho biết hôm thứ Tư.

Tuấn Hùng

Offshore