Tin tức về các tập đoàn năng lượng thế giới tuần qua

10:37 | 14/06/2021

|
(PetroTimes) - Gazprom và TotalEnergies đã tiến hành đàm phán hợp tác trong các dự án dầu mỏ thượng nguồn và khí đốt ở nước ngoài; thay đổi gần đây trong Hội đồng Quản trị của Exxon Mobil có thể làm thay đổi hàng tỷ USD trong kế hoạch chi tiêu và chiến lược của công ty trong vài năm tới; Novatek Gaz&Power Asia đã ký Thỏa thuận với công ty năng lượng Zhejiang Energy Gas (Trung Quốc) về việc cung cấp LNG dài hạn trong khuôn khổ dự án Arctic LNG 2… là những tin tức nổi bật liên quan đến các tập đoàn năng lượng thế giới tuần qua.
Tin tức về các tập đoàn năng lượng thế giới tuần qua

1. Công ty dầu khí nhà nước Brazil Petroleo Brasileiro SA cho biết hôm thứ Sáu tuần trước rằng các đối tác Trung Quốc của họ trong mỏ dầu tiền muối Buzios sẽ phải trả 2,94 tỷ USD cho khoản đầu tư trước theo điều khoản TOR quy định đối với lượng dầu thặng dư được tìm thấy. Petrobras cho biết rằng sẽ cần phải có phê duyệt của Cơ quan quản lý dầu mỏ Brazil đối với khoản thanh toán này của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) và Tập đoàn Phát triển và Khai thác Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNODC), có 10% cổ phần trong sản lượng thặng dư của mỏ lưu vực Santos. Liên danh do Petrobras đứng đầu (90%) cùng với CNOOC và CNODC (10%) đã thắng thầu quyền khai thác dầu ở mỏ Buzios vào tháng 11 năm 2019. Nếu khoản đầu tư này được chấp thuận theo quy định và được trả cho Petrobras, công ty Brazil sẽ có 92,66% cổ phần trong Buzios và các đối tác Trung Quốc 3,66% mỗi bên.

2. Reuters ngày 9/6 đưa tin CEO Shell Ben van Beurden cho biết Shell sẽ tìm cách đẩy nhanh chiến lược chuyển đổi năng lượng của mình và cắt giảm khí thải nhiều hơn sau phán quyết đánh dấu mốc của Tòa án Hà Lan; một bước đi có thể sẽ dẫn đến việc giảm đáng kể việc kinh doanh dầu khí của công ty. Ben van Beurden cho biết Shell có kế hoạch kháng cáo phán quyết ngày 26/5/2021 của Tòa án Hà Lan yêu cầu công ty cắt giảm khí thải nhà kính 45% mức của năm 2019 vào năm 2030, cắt giảm nhiều hơn đáng kể so với mức dự tính của công ty. Tuy nhiên, phán quyết của Tòa yêu cầu việc thực thi ngay lập tức và không thể đảo ngược cho đến khi có phán quyết mới của Tòa phúc thẩm. “Đối với Shell, phán quyết này không có nghĩa là một sự thay đổi, mà là việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện chiến lược của chúng tôi”. Cổ phiếu của Shell đã tăng 0,8% .

3. Thay đổi gần đây trong Hội đồng Quản trị của Exxon Mobil có thể làm thay đổi hàng tỷ USD trong kế hoạch chi tiêu và chiến lược của công ty trong vài năm tới. Trong tháng 5, 1/4 vị trí giám đốc trong HĐQT của Exxon được bầu mới. Hiện nay, 1/3 vị trí trong số 12 thành viên HĐQT là người mới, có ý thức về chi phí. Các nhà đầu tư đã bác bỏ tầm nhìn của Exxon về một quá trình chuyển đổi chậm sang nhiên liệu carbon thấp và muốn thay đổi kế hoạch chi tiêu. Việc bầu HĐQT của Exxon vừa qua đã gây sốc cho ngành năng lượng, đã diễn ra sau nhiều năm lợi nhuận tài chính yếu tại một công ty sản xuất dầu mỏ lớn nhất nước Mỹ. Cổ phiếu của Exxon đã tăng lên 50% trong năm nay khi giá dầu được hồi phục so với mức năm 2020 bị xuống thấp do đại dịch Covid-19.

4. Tại Nigeria, công ty xăng dầu quốc doanh (NNPC) đã yêu cầu Ngân hàng Xuất nhập khẩu Châu Phi (Afreximbank) hỗ trợ tài chính 2,5 tỷ USD, số tiền này sẽ được sử dụng để tài trợ cho việc mua lại 20% cổ phần của nhà máy lọc dầu Aliko Dangote. Các cuộc đàm phán đã bắt đầu giữa tổ chức ngân hàng và các quan chức Nigeria. Thông tin được đưa ra bởi Daily Independent, đồng thời cho biết các cuộc đàm phán giữa NNPC và Dangote Group đang tiếp tục diễn ra cùng lúc. Ngoài nhà máy lọc dầu Dangote Group, NNPC còn có cổ phần trong năm nhà máy lọc dầu khác đang được xây dựng trong nước với công suất danh nghĩa vượt quá 50.000 thùng/ngày. Một cách tiếp cận sẽ cho phép công ty "đảm bảo khả năng tiếp cận các sản phẩm xăng dầu trong cả nước".

5. Vào ngày khai mạc của Diễn đàn kinh tế quốc tế Saint-Petersburg 2021 SPIEF-2021, Novatek thông báo, công ty con của hãng tại khu vực châu Á là Novatek Gaz&Power Asia đã ký Thỏa thuận với công ty năng lượng Zhejiang Energy Gas (Trung Quốc) về việc cung cấp LNG dài hạn trong khuôn khổ dự án Arctic LNG 2. Zhejiang Energy Gas là công ty con của Tập đoàn năng lượng Zhejiang Province Energy - một doanh nghiệp kinh doanh đa lĩnh vực ở tỉnh Chiết Giang. Trước đó vào tháng 10/2019, Novatek - nhà sản xuất LNG lớn nhất của Nga - đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Zhejiang Energy Gas, đặt nền tảng cho sự hợp tác lâu dài giữa hai bên. Thỏa thuận cung cấp LNG dự kiến được ký kết trong năm 2020, nhưng do tác động của đại dịch, việc ký kết thỏa thuận đã bị rời sang năm nay. Theo thỏa thuận, phía Novatek sẽ cung cấp 1 triệu tấn LNG/năm từ nhà máy Arctic LNG-2 trong vòng 15 năm với điều kiện DES (delivery ex-ship) đến các cảng tiếp nhận của đối tác Trung Quốc. Phía Novatek cũng cho biết thêm, nguồn cung LNG sẽ được sử dụng là nhiên liệu đầu vào trong các nhà máy điện của Zhejiang Energy Gas. Trong năm 2020, Zhejiang Energy Gas đã mua 10,5 tỷ m3 khí đốt ở cả trong và ngoài nước phục vụ sản xuất điện của hãng. Tổng sản lượng điện năm 2020 của công ty này đạt 136,8 tỷ KWh, chiếm 50% tổng sản lượng điện của tỉnh Chiết Giang.

6. Hôm 9/6, một số quan chức của nhà sản xuất Tây Ban Nha Repsol đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo của công ty xăng dầu nhà nước Libya (NOC) để thảo luận về cách thức hai bên sẽ tăng cường hợp tác trong nước. Trong các cuộc thảo luận, các đại biểu đã thảo luận về việc thành lập một nhà máy hóa lỏng để cung cấp khí đốt cho các địa phương gần mỏ Sharara, khu vực sản xuất hydrocacbon lớn nhất Libya.

Respsol kiểm soát 32% mỏ này và là nhà điều hành cùng với OMV của Áo và TotalEnergies của Pháp. Dự án là một đơn vị hóa lỏng khí quy mô nhỏ. Nếu các cuộc đàm phán này thành công, hai công ty sẽ ký một biên bản ghi nhớ trong những tháng tới. Đồng thời, họ đã đề cập đến việc giảm thiểu các hoạt động đốt và phát thải carbon như một vấn đề ưu tiên trong kế hoạch hợp tác mới mà họ sẽ thực hiện. Cuối cùng, họ tiếp tục các cuộc thảo luận hiện có về việc khởi động một dự án sản xuất điện mặt trời và khả năng sử dụng nó trong các hoạt động của công ty tại các địa điểm khác nhau. Repsol dự kiến ​​sẽ thiết lập một trung tâm giám sát các giếng khoan dầu tại trụ sở của NOC trong những tháng tới. Điều này sẽ cho phép họ giám sát và cải thiện tốt hơn, phối hợp với đối tác công của mình, việc sản xuất mỏ El Sharara.

7. Bên lề Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St.Petersburg, Giám đốc điều hành của BP, Bernard Looney cho biết hãng này sẽ tiếp tục phục hồi và duy trì mạnh mẽ trong một thời gian. Đánh giá của ông Looney về thị trường dầu cũng tương tự như quan điểm của các ngân hàng đầu tư như Goldman Sachs và Barclays, cũng như OPEC và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Goldman Sachs mới đây tiếp tục dự báo ​​giá dầu sẽ chạm mốc 80 USD trong năm nay, bất chấp khả năng dầu Iran quay trở lại thị trường. Trong khi đó, các dự báo gần đây nhất từ ​​OPEC và IEA đều cho rằng, nhu cầu dầu trên toàn cầu dự kiến ​​sẽ trở lại mức trước Covid-19 trong vòng một năm.

8. Theo tin của Gazprom, trang tin NaturalGasWorld ngày 4/6/2021, tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St Petersburg, Gazprom và TotalEnergies đã tiến hành đàm phán hợp tác trong các dự án dầu mỏ thượng nguồn và khí đốt ở nước ngoài. Trong ngày 3/6, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Gazprom Alexey Miller đã có cuộc gặp làm việc với Chủ tịch, CEO của TotalEnergies Patrick Pouyanne để trao đổi về các dự án liên doanh.

TotalEnergies có danh mục đầu tư bán 35 triệu mét khối tấn LNG/1 năm và đang tìm kiếm cơ hội tăng gấp đôi quy mô này vào năm 2022. TotalEnergies cũng là đối tác của các dự án LNG Ymal của Novatek và LNG-2 Bắc Cực ở vùng Bắc Cực của Nga. Gazprom đang điều hành nhà máy LNG ở Sakhalin ở vùng Viễn Đông. Gazprom và TotalEnergies đồng thời là đối tác của nhau tại các giếng dầu và khí ở Ipati và Akio ở Bolivia.

Dấu ấn tuần qua của các tập đoàn dầu khí thế giớiDấu ấn tuần qua của các tập đoàn dầu khí thế giới
Dấu ấn tuần qua của các tập đoàn dầu khí thế giớiDấu ấn tuần qua của các tập đoàn dầu khí thế giới
Dấu ấn tuần qua của các tập đoàn dầu khí thế giớiDấu ấn tuần qua của các tập đoàn dầu khí thế giới
Dấu ấn tuần qua của các tập đoàn dầu khí thế giớiDấu ấn tuần qua của các tập đoàn dầu khí thế giới

Nh.Thạch

AFP