Tin Thị trường: Hạn ngạch xuất khẩu nhiên liệu mới của Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu

14:50 | 03/10/2022

|
(PetroTimes) - Hạn ngạch xuất khẩu nhiên liệu mới nhất của Trung Quốc sẽ thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu dầu; xuất khẩu dầu của Nga sụt giảm trong tháng 9.
Tin Thị trường: Hạn ngạch xuất khẩu nhiên liệu mới của Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu

Trung Quốc: Hạn ngạch xuất khẩu nhiên liệu sẽ thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu dầu

Nhu cầu dầu toàn cầu có thể sớm tăng nhanh sau khi nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, Trung Quốc, cấp hạn ngạch xuất khẩu nhiên liệu lớn nhất cho các nhà máy lọc dầu của mình trong năm nay.

Cụ thể, nhà chức trách Trung Quốc đã phân bổ 15 triệu tấn hạn ngạch xuất khẩu nhiên liệu mới cho các nhà máy lọc dầu lớn trong nước, và hạn ngạch này có thể được chuyển sang đầu năm sau, Bloomberg mới đây đưa tin.

Đợt hạn ngạch xuất khẩu nhiên liệu mới, một động thái được coi là nỗ lực của Trung Quốc nhằm phục hồi hoạt động kinh tế của nước này, vốn đã chịu thiệt hại do các đợt phong tỏa nhằm đối phó dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng bất động sản kể từ mùa xuân.

Theo ước tính, hạn ngạch xuất khẩu nhiên liệu mới đưa tổng hạn ngạch cả năm 2022 lên 37,25 triệu tấn. Con số này tương đương với phân bổ xuất khẩu nhiên liệu cả năm 2021 là 37,61 triệu tấn.

Trung Quốc cũng đã cấp một lượng nhỏ hạn ngạch nhập khẩu dầu thô cho các nhà máy lọc dầu độc lập ở tỉnh Sơn Đông.

Mỹ: Hóa đơn năng lượng sẽ tăng vọt vào mùa đông

Tại Mỹ, sản lượng dầu trong nước vẫn thấp hơn gần một triệu thùng mỗi ngày so với mức kỷ lục hàng tháng đạt được ngay trước khi đại dịch Covid-19 khiến sản lượng lao dốc. Mức cao nhất từ trước tới nay đối với sản lượng dầu diễn ra vào tháng 11/2019 là 13 triệu thùng/ngày. Mức cao nhất tính theo năm cũng là vào năm 2019, khi sản lượng đạt trung bình 12,3 triệu thùng/ngày.

Sản lượng dầu hiện tại của Mỹ là 12,1 triệu thùng/ngày, trong khi mức trung bình cho đến nay là 11,9 triệu thùng/ngày. Và đang trên đà để trở thành sản lượng dầu hàng năm cao thứ hai từ trước đến nay của Mỹ.

Sản xuất khí tự nhiên cũng phải hứng chịu sự lao dốc tương tự do Covid, nhưng hoạt động khai thác đã tăng trở lại.

Khi sản lượng khí đốt tự nhiên gia tăng ở Mỹ, các công ty bắt đầu xây dựng các trạm xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Trong thập kỷ qua, Mỹ đã trở thành nhà xuất khẩu LNG phát triển nhanh nhất thế giới, và đang trên đà trở thành nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới trong năm nay.

Hệ quả là thị trường LNG toàn cầu hiện tác động đến giá khí đốt tự nhiên của Mỹ và trên thực tế đã bị đảo lộn bởi nhu cầu của Châu Âu. Các công ty Mỹ đang xuất khẩu LNG nhiều nhất có thể sang châu Âu và điều đó đang tác động đến giá của Mỹ theo cách mà cách đây một thập kỷ chưa từng xảy ra.

Đó là một phần lý do tại sao người Mỹ đang phải đối mặt với các hóa đơn sưởi ấm cao trong mùa đông này.

Xuất khẩu dầu của Nga sụt giảm trong tháng 9

Xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm tinh chế của Nga đã giảm trong tháng 9, theo dữ liệu của Petro-Logistics được nhà phân tích hàng hóa Giovanni Staunovo của UBS trích dẫn.

Theo Petro-Logistics, tổng xuất khẩu dầu thô của Nga đạt trung bình 3,15 triệu thùng mỗi ngày trong tháng này, tăng 280.000 thùng/ngày từ tháng 8. Xuất khẩu dầu thô sang châu Âu giảm 314.000 thùng/ngày từ tháng 8 xuống còn khoảng 900.000 thùng/ngày.

Dữ liệu cho thấy xuất khẩu dầu thô Nga sang châu Á trong tháng 9 đã giảm hơn 250.000 thùng/ngày xuống mức trung bình hàng ngày là 1,6 triệu thùng. Ngoài ra, dữ liệu cũng cho thấy, xuất khẩu các sản phẩm dầu tinh chế giảm 146.000 thùng/ngày trong tháng 9, xuống còn 2,26 triệu thùng/ngày.

Theo Kpler, trong 7 tháng kể từ tháng 3 năm nay, xuất khẩu dầu của Nga đã tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, xuất khẩu nhiên liệu đã giảm 5,5% so với cùng kỳ.

Tin Thị trường: Baltic Pipe giúp châu Âu giảm phụ thuộc vào Nga Tin Thị trường: Baltic Pipe giúp châu Âu giảm phụ thuộc vào Nga
Tin Thị trường: Đức - UAE đạt được thỏa thuận quan trọng về khí đốt Tin Thị trường: Đức - UAE đạt được thỏa thuận quan trọng về khí đốt

Bình An