Tin Thị trường: Châu Âu đối mặt với khủng hoảng nguồn cung diesel

14:00 | 24/03/2022

|
(PetroTimes) - Châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng nguồn cung diesel; Fitch Ratings nâng dự báo giá dầu cho năm 2022...
Tin Thị trường: Châu Âu đối mặt với khủng hoảng nguồn cung diesel

Châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng nguồn cung diesel

Các giám đốc điều hành của các công ty kinh doanh dầu hàng đầu cho biết, châu Âu có nguy cơ phải chịu sự thâm hụt "có hệ thống" của nguồn cung dầu diesel và thậm chí dẫn đến việc phân bổ nhiên liệu.

Sau các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, cũng như việc người mua quay lưng với dầu Nga, thị trường toàn cầu có thể mất khoảng 3 triệu thùng/ngày nguồn cung dầu thô và sản phẩm của Nga, trong đó nguồn cung dầu diesel của châu Âu là mối quan ngại lớn.

Trên thực tế, châu Âu nhập khẩu khoảng một nửa nguồn cung dầu diesel từ Nga và nửa còn lại từ Trung Đông.

Dự trữ dầu diesel trên toàn cầu đã ở mức thấp ngay cả trước khi Nga tấn công Ukraine, nhưng tình trạng thiếu hụt hiện càng trở nên trầm trọng hơn do nguồn cung dầu diesel toàn cầu từ Nga giảm mạnh.

Mỹ ghi nhận nhu cầu xăng ở mức cao kỷ lục

Theo dữ liệu của GasBuddy, nhu cầu xăng của Mỹ vào ngày Chủ nhật (20/3) đã tăng 12,6% so với một tuần trước đó. Nó cũng cao hơn 14,5% so với mức trung bình của bốn Chủ nhật vừa qua.

Ngày 21/3, AAA cho biết giá xăng của Mỹ đã giảm nhẹ so với mức cao nhất được ghi nhận vào ngày 11/3 khi chạm ngưỡng 4,33 USD/gallon cho xăng thông thường.

Kể từ ngày 11/3, mức trung bình trên toàn quốc cho một gallon xăng đã giảm xuống còn 4,25 USD. Tính đến ngày 22/3, mức trung bình trên toàn quốc là 4,242 USD/gallon.

Nguyên nhân chính khiến giá xăng giảm kể từ ngày 11/3 là do giá dầu thô quốc tế giảm.

Fitch nâng dự báo giá dầu cho năm 2022

Fitch Ratings đã nâng dự báo giá dầu Brent trung bình từ 70 USD lên 100 USD/thùng vào năm 2022, từ 60 USD lên 80 USD/thùng vào năm 2023 và từ 53 USD lên 60 USD/thùng vào năm 2024.

Theo đó, cơ quan xếp hạng quốc tế đã nâng các dự báo về giá dầu và khí đốt cho giai đoạn 2022-2024, phản ánh nguy cơ gián đoạn nguồn cung cấp dầu của Nga gia tăng đáng kể sau cuộc xung đột ở Ukraine và ý định của châu Âu và các đối tác nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu của Nga.

Fitch lưu ý rằng, trong thời kỳ trước đại dịch 2019, Nga sản xuất 11,5 triệu thùng dầu mỗi ngày, chiếm 12% sản lượng toàn cầu. Trong số lượng này, Nga xuất khẩu 9,2 triệu thùng/ngày, với châu Âu chiếm 57%, Trung Quốc chiếm 18% và Mỹ chiếm 6%.

Theo cơ quan này, vài triệu thùng dầu mỗi ngày có thể bị loại bỏ khỏi thị trường do các lệnh trừng phạt hoặc các biện pháp đáp trả nếu xung đột Nga-Ukraine tiếp tục leo thang.

Bình An