Thượng đỉnh Mỹ - Nga: Cuộc gặp được trông đợi nhất trên bình diện địa chính trị năm 2021

21:28 | 17/06/2021

|
(PetroTimes) - Các hãng tin quốc tế Mỹ và Nga trong các ngày 15-17/6 đưa nhiều tin bài, bình luận về Thượng đỉnh Mỹ - Nga ngày 16/6, cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Biden và Tổng thống Nga Putin tại Geneva, Thụy Sĩ.
Chuyến đi châu Âu của Tổng thống Biden: Tăng cường chiến lược với đồng minh và đối mặt với PutinChuyến đi châu Âu của Tổng thống Biden: Tăng cường chiến lược với đồng minh và đối mặt với Putin

Đây là cuộc gặp được dư luận hết sức quan tâm, diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới đang ở mức thấp nhất trong vài năm gần đây do các xung đột địa chính trị và việc áp đặt các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU đối với Nga. Tổng thống Biden đến cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Nga một tuần sau các cuộc gặp Thượng đỉnh quan trọng với các đồng minh NATO và EU, xác định lập trường thống nhất “muốn quan hệ ổn định và dự đoán được với Nga” và khẳng định “các chia rẽ trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương thời Trump đã là quá khứ”.

Thượng đỉnh Mỹ - Nga: Cuộc gặp được trông đợi nhất trên bình diện địa chính trị năm 2021
Thượng đỉnh Mỹ - Nga: Cuộc gặp hẹp giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Putin với sự hiện diện của Ngoại trưởng Mỹ Blinken và Bộ trưởng Ngoại giao Nga Lavrov. (Ảnh: Sputnik Mikhail Metzel/Pool via Reuters)

Chương trình nghị sự tập trung vào các chủ đề gai góc, như ổn định chiến lược, tấn công mạng, Ukraine, Belarus, nhân quyền, nhân vật bất đồng chính kiến Navalny, công dân Mỹ bị kết án tù ở Nga, hoạt động của Cơ quan đại diện ngoại giao hai nước. Cuộc gặp giữa hai nguyên thủ kéo dài trong 3 tiếng, ngắn hơn so với dự kiến 4-5 tiếng. Tổng thống Putin và Tổng thống Biden đã có các cuộc họp báo riêng rẽ, thông báo về kết quả cuộc gặp.

Mặc dù đề cập tới các bất đồng, hai nguyên thủ Mỹ và Nga đều thể hiện sự hài lòng, đánh giá tích cực về người đồng cấp, ghi nhận sự thẳng thắn và thực tế trong quan điểm của nhau, tránh không sử dụng các từ ngữ gây căng thẳng cho quan hệ song phương. Với kỳ vọng khiêm tốn và còn nhiều căng thẳng trong quan hệ, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Nga đạt tiến bộ quan trọng trong kiểm soát vũ khí hạt nhân, vũ khí chiến lược, giảm thiểu nguy cơ chiến tranh hạt nhân và một số biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương.

Những đánh giá về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Nga

Về phía Mỹ, Tổng thống Biden kỳ vọng khiêm tốn về cuộc gặp, không đề cập “tái khởi động” quan hệ; đánh giá cuộc gặp “diễn ra tích cực”; đánh giá Tổng thống Putin “thông minh”, “cứng rắn”, là “một đối thủ xứng tầm”; cho biết hai bên đã trao đổi chi tiết về một loạt chủ đề; hy vọng “hai cường quốc lớn” có thể hợp tác trong các lĩnh vực có lợi ích chung và “tìm ra con đường tiến về phía trước trong các vấn đề hai bên có khác biệt”.

Tổng thống Biden ghi nhận sự thẳng thắn, thực tiễn của Tổng thống Putin trong một số điểm tương đồng liên quan đến ổn định chiến lược, chống khủng bố ở Afganistan, vấn đề hạt nhân Iran, cứu trợ nhân đạo ở Syria; đồng thời cũng cho thấy tồn tại các khác biệt trong vấn đề nhân quyền, công dân Mỹ bị kết án, hoạt động tại Nga của Đài phát thanh châu Âu Tự do và Đài Tự do; vấn đề Ukraine, Belarus.

Tổng thống Biden nhấn mạnh đã làm rõ với Tổng thống Putin về các phản ứng “tương ứng với các hành động làm phương hại lợi ích” của nước Mỹ và các đồng minh; cho rằng cần thời gian từ 6 tháng cho tới 1 năm để đánh giá về việc triển khai những vấn đề đã thỏa thuận, đặc biệt là đối thoại chiến lược, thỏa thuận về an ninh mạng, cũng như việc thả công dân Mỹ.

Thượng đỉnh Mỹ-Nga: Cuộc gặp được trông đợi nhất trên bình diện địa chính trị của năm 2021
Thượng đỉnh Mỹ - Nga: Tổng thống Biden gặp gỡ báo chí Mỹ sau cuộc gặp Tổng thống Putin. (Ảnh: Brenda Smialowski/AFP via Getty Images)

Tổng thống Biden muốn thể hiện cuộc gặp của mình với Tổng thống Putin khác hẳn với cuộc gặp của người tiền nhiệm Trump; có Ngoại trưởng Blinken tháp tùng tại cuộc gặp hẹp; Cố vấn an ninh Jake Sullivan, quan chức Bộ Quốc phòng, CIA tham dự cuộc gặp mở rộng. Tổng thống Biden lựa chọn họp báo riêng, sau khi Tổng thống Putin thông báo cho báo chí quốc tế, để có thể điều chỉnh thông điệp, không muốn lặp lại hình ảnh Tổng thống Trump cùng Tổng thống Putin họp báo chung sau Thượng đỉnh ở Helsinki, Phần Lan.

Về phía Nga, một cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Biden đã là một thắng lợi của Nga trên trường quốc tế. Tổng thống Putin cảm ơn Tổng thống Biden đưa ra lời mời cuộc gặp; nhấn mạnh “quan hệ Nga - Mỹ có rất nhiều vấn đề tích tụ cần giải quyết ở cuộc gặp thượng đỉnh”; cuộc gặp “không hề có sự thù địch, ngược lại, diễn ra trong không khí xây dựng”, “đạt kết quả”, hai bên “cùng chung một ngôn ngữ”, đánh giá Tổng thống Biden là một đối tác “có kinh nghiệm, mang tính xây dựng”, “cân bằng”, nhấn mạnh có thể làm việc với Tổng thống Biden trong tương lai.

Về vấn đề ổn định chiến lược, Tổng thống Putin hoan nghênh quyết định của Tổng thống Biden gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START); Bộ Ngoại giao Mỹ và Nga sẽ có các cuộc thảo luận ở cấp làm việc về an ninh hạt nhân.

Về vấn đề an ninh mạng, Tổng thống Putin cho biết hai bên nhất trí mở các cuộc tham vấn về các cuộc tấn công mạng quan trọng; cho rằng đa số các cuộc tấn công mạng được thực hiện từ phía Mỹ.

Về vấn đề Ukraine, Putin cho biết hai nhà lãnh đạo có đề cập vấn đề Ukraine, nhưng không cho biết chi tiết, ủng hộ thỏa thuận Minsk. Tổng thống Putin bác bỏ các cáo buộc liên quan đến tấn công an ninh mạng, nhân vật bất đồng Navalny, vấn đề can thiệp vào các cuộc bầu cử ở nước ngoài; phê phán một số vấn đề nhân quyền ở Mỹ.

Tổng thống Putin cho rằng “khó có thể nói” về việc mở ra “giai đoạn mới” trong quan hệ hai nước sau cuộc gặp thượng đỉnh; "mọi việc làm cho quan hệ song phương xấu đi đều không phải tại Nga mà do Mỹ khởi xướng”; cho biết hai bên đều chưa đưa ra lời mời chuyến thăm song phương, nhưng hy vọng “những chuyến thăm và cuộc gặp như vậy sẽ diễn ra khi các điều kiện chín muồi”.

Một số kết quả cụ thể có ý nghĩa đối với hai cường quốc hạt nhân

Về ổn định chiến lược, hai bên đã thông qua tuyên bố chung về ổn định chiến lược; nhất trí nối lại đàm phán ổn định chiến lược, một cơ chế bị đình trệ đã lâu, nhằm giảm nguy cơ xung đột không chủ định giữa hai cường quốc hạt nhân, đặt nền móng cho việc kiểm soát vũ khí chiến lược trong tương lai và các biện pháp giảm thiểu nguy cơ. Các chuyên gia quốc phòng và ngoại giao hai nước sẽ đàm phán để tìm kiếm cơ chế kiểm soát các loại vũ khí mới, nguy hiểm, hiện đại hơn, có thời gian để phản ứng ngắn hơn, làm gia tăng nguy cơ “chiến tranh ngẫu nhiên”.

Thượng đỉnh Mỹ - Nga: Cuộc gặp được trông đợi nhất trên bình diện địa chính trị năm 2021
Thượng đỉnh Mỹ - Nga: Cuộc gặp mở rộng. (Ảnh: Sputnik Mikhail Metzel/Pool via AFP)

Tuyên bố chung về ổn định chiến lược cho biết “Tổng thống Hoa Kỳ Joseph Biden và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin ghi nhận, ngay cả trong giai đoạn căng thẳng, Hoa Kỳ và Nga đã đạt tiến bộ trong các mục tiêu chung đảm bảo tính dự đoán được trong lĩnh vực chiến lược, giảm nguy cơ xung đột vũ trang và mối đe dọa hạt nhân”. Việc hai bên gần đây gia hạn Hiệp ước START mới cho thấy “cam kết của chúng tôi đối với kiểm soát vũ khí hạt nhân”; tái khẳng định nguyên tắc “không để xảy”, “không thể có chiến thắng” đối với chiến tranh hạt nhân; nhấn mạnh “Mỹ và Nga sẽ tiến hành đối thoại ổn định chiến lược song phương trong thời gian tới một cách có chủ đích và tích cực”, “thông qua đó tìm kiếm nền tảng cho kiểm soát vũ khí trong tương lai và các biện pháp giảm thiểu nguy cơ”.

Về quan hệ song phương, hai bên nhất trí cho rằng cùng chia sẻ “trách nhiệm đặc biệt” quản lý quan hệ giữa hai nước một cách ổn định và dự đoán được, hợp tác trong các lĩnh vực hai bên có lợi ích chung.

Hai bên nhất trí đưa Đại sứ Nga và Mỹ quay trở lại và nối lại dịch vụ lãnh sự giữa hai nước. Đại sứ hai nước đã rời nhiệm sở một thời gian do căng thẳng trong quan hệ song phương. Đại sứ Mỹ tại Liên bang Nga John Sullivan sẽ quay lại Nga vào tuần tới. Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov sẽ quay lại Washington cùng thời gian. Các dịch vụ lãnh sự cũng sẽ được nối lại.

Về an ninh mạng, hai bên nhất trí bắt đầu các cuộc thảo luận về an ninh mạng, chỉ đạo các chuyên gia mạng nghiên cứu về các trường hợp cụ thể. Mỹ đưa ra danh sách 16 lĩnh vực của Mỹ “nằm ngoài giới hạn”, cuộc tấn công mạng gây thiệt hại vào các lĩnh vực đó có thể coi là “tấn công vũ trang” vào nước Mỹ. Đó là lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, dịch vụ tài chính, thông tin viễn thông, cơ sở công nghiệp quốc phòng và các ngành công nghiệp khác.

Mặc dù có các ý kiến trái chiều, nhìn chung dư luận quốc tế đánh giá Thượng đỉnh Mỹ - Nga “là cuộc gặp lịch sử”, với triển vọng tích cực. Tổng thống Thụy Sĩ Guy Parmelin cho rằng việc hai Đại sứ quay trở lại Thủ đô Nga và Mỹ “đã là một tín hiệu tích cực”.

Thanh Bình