Chuyến đi châu Âu của Tổng thống Biden: Tăng cường chiến lược với đồng minh và đối mặt với Putin

20:27 | 09/06/2021

|
(PetroTimes) - Báo New York Times, Reuters 9/6/2021 đưa tin Thứ Tư, 9/6 Tổng thống Mỹ Biden lên đường sang châu Âu, bắt đầu chuyến thăm nước ngoài đầu tiên từ khi trở thành Tổng thống. Chuyến đi kéo dài trong 8 ngày, nhằm củng cố liên minh xuyên Đại Tây Dương và tái định hình quan hệ với Nga. Đây cũng là phép thử với khả năng của Tổng thống Biden hàn gắn với các đồng minh quan trọng ở châu Âu sau các thất vọng của họ với chính quyền Trump, đặc biệt là việc rút khỏi các hiệp ước quốc tế và áp thuế thương mại với châu Âu.
Tổng thống Biden phát biểu về châu Âu, hành động hướng về Trung QuốcTổng thống Biden phát biểu về châu Âu, hành động hướng về Trung Quốc
Chuyến đi châu Âu của Tổng thống Biden: Tăng cường chiến lược với đồng minh và đối mặt với Putin
Tổng thống Biden bắt đầu đi chuyến đi châu Âu, chuyến đi quốc tế đầu tiên. Ảnh: Oliver Contreas/The New York Times.

Điểm dừng chân đầu tiên của Tổng thống Biden là St. Ives, Cornwall, Anh, nơi diễn ra Thượng đỉnh G7. Tổng thống Biden sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Anh Boris Johnson vào Thứ Năm, 10/6 tại Cornwall, nhằm làm mới lại “mối quan hệ đặc biệt Mỹ-Anh” sau khi Anh rời khỏi EU.

G7 sẽ tập trung vào ngoại giao vắc-xin, các vấn đề thương mại, khí hậu, “Sáng kiến Xanh và Sạch” về xây dựng cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển, một sáng kiến được xem là nhằm đối trọng với “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Tại G7, Tổng thống Biden có thể phải hành động nhiều hơn nữa so với cam kết chia sẻ 20 triệu liều vắc-xin tuần qua. Vừa qua, các Bộ trưởng Tài chính G7 đã nhất trí với tỷ lệ thuế tối thiểu toàn cầu ít nhất là 15%, cho phép các nước có kinh tế thị trường đánh thuế tới 20% trên lợi nhuận, áp dụng với khoảng 100 công ty lớn, lợi nhuận cao. Nỗ lực của Tổng thống Biden thúc đẩy thuế tối thiểu toàn cầu đối với công ty đa quốc gia gặp sự phản đối ngay ở Mỹ.

Sau 3 ngày thượng đỉnh G7, Tổng thống Biden sẽ tiếp kiến Nữ hoàng Anh Elizabeth, sau đó đi Brussels dự Thượng đỉnh NATO, EU-Mỹ; với chương trình nghị sự về các vấn đề tăng đóng góp của đồng minh cho phòng thủ chung, vấn đề Nga, Trung Quốc. Chuyến thăm sẽ kết thúc tại Geneva với cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Nga, một sự kiện quan trọng dư luận quan tâm.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết chuyến thăm châu Âu sẽ thúc đẩy nền tảng cơ bản của chính sách đối ngoại của Tổng thống Biden là “tăng cường phối hợp, mở rộng mạng lưới, củng cố sự phối hợp trong tất cả các vấn đề quan trọng, đặc biệt là các vấn đề an ninh liên quan đến Trung Quốc, Nga”; hy vọng Thượng đỉnh G7 và NATO sẽ tăng cường tình đoàn kết đồng minh trước cuộc gặp Tổng thống Nga; không kỳ vọng “sự đột phá trong thượng đỉnh Mỹ-Nga”, đây là dịp để Tổng thống Biden đề cập “rõ ràng, có chủ đích” về các vấn đề quan tâm, “thúc đẩy cho các ưu tiên” của Mỹ trong cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Putin.

Dư luận cho rằng đa số ở châu Âu quan tâm các vấn đề liên quan đến Nga và Trung Quốc. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của nhiều nước châu Âu, trong đó, Đức là đối tác thương mại lớn nhất. Đức có quan hệ gần gũi với Nga trong vấn đề năng lượng. Dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy Phương Bắc 2 là “một điểm tắc nghẽn” lớn mà cuối cùng Tổng thống Biden đã quyết định không trừng phạt công ty Đức vì không muốn làm xấu đi quan hệ với một đồng minh châu Âu quan trọng./.

Thanh Bình