Thiếu nguồn cung khí đốt gây áp lực gì lên ngành phân bón Ai Cập?
![]() |
Toàn cảnh Nhà máy phân bón do MOPCO sở hữu. Ảnh do Trang web MOPCO cung cấp |
Đợt nắng nóng hiện nay ở Ai Cập đã thúc đẩy chính phủ tạm dừng cung cấp khí đốt cho các nhà máy phân bón, để cung cấp cho các nhà máy điện nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng mất điện kéo dài tới 4 giờ mỗi ngày ở một số khu vực.
Công ty phân bón Abu Qir, một trong những nhà sản xuất phân bón và hóa dầu lớn nhất ở Ai Cập, là công ty đầu tiên nói với Sở giao dịch chứng khoán Ai Cập rằng họ đã ngừng sản xuất để ngăn chặn mọi thiệt hại cho các nhà máy, trong bối cảnh đợt nắng nóng đang diễn ra, vượt quá nhiệt độ trung bình dự kiến vào thời điểm này trong năm.
Công ty Sản xuất Phân bón Misr (MOPCO), Công ty Công nghiệp Hóa chất Ai Cập (KIMA) và Công ty Hóa dầu Sidi Kerir (SIDPEC) cũng tạm dừng hoạt động vì lý do tương tự.
Tuy nhiên, SIDPEC đã thông báo tiếp tục hoạt động tại các nhà máy của họ khi nguồn cung cấp khí đốt trở lại, theo một tuyên bố của công ty cho biết cuộc khủng hoảng đã bắt đầu được giải quyết.
Các quan chức của Phân bón Abu Qir và Phân bón Helwan đã từ chối bình luận về vấn đề này.
Tuy nhiên, một nguồn tin giấu tên nói với AO rằng Bộ Dầu khí và Tài nguyên Khoáng sản đã chỉ đạo các công ty không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào với giới truyền thông về cuộc khủng hoảng.
Hành động của Abu Qir
Trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng chưa từng có này, Công ty phân bón Abu Qir cho biết hôm thứ Năm tuần trước rằng, ban Giám đốc của họ đã phê duyệt các thủ tục cho một dự án thay thế một phần khí đốt bằng hydro.
Ngoài ra, công ty sẽ lắp đặt các nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 2,5 MWp để giảm tiêu thụ điện từ lưới điện hoặc các máy phát điện nội bộ.
Một số công ty báo cáo rằng thị trường bắt đầu bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng phân bón vào đầu tháng 6, với giá tăng khoảng 54% lên 20.000 EGP/tấn trên thị trường mở so với 13.000 EGP vào tháng 5.
Cuộc khủng hoảng chỉ ảnh hưởng đến phân đạm
Có 4 loại phân bón: phân lân, phân kali, phân NPK hỗn hợp và phân đạm. Việc sản xuất các loại phân này đã tạm dừng, theo một số nguồn tin của AO.
Các nguồn tin này giải thích rằng cuộc khủng hoảng về phân bón nitơ bắt nguồn từ việc phụ thuộc vào khí đốt làm nguyên liệu thô, không giống như các loại khác chỉ sử dụng khí đốt làm nguồn năng lượng.
Các nhà máy phân bón cung cấp 55% sản lượng của họ cho Bộ Nông nghiệp với mức giá khoảng 5.000 EGP/tấn, trong khi bán 45% còn lại trên thị trường mở hoặc xuất khẩu.
Bảo vệ thị trường khỏi sự thao túng của thương nhân
Trong các thông cáo báo chí, các nguồn tin chính phủ đã kêu gọi tăng cường giám sát thị trường để chống lại mọi hành vi thao túng giá phân bón cho đến khi nguồn cung cấp khí đốt được khôi phục cho các nhà máy.
Tồn kho phân urê ước tính khoảng 600.000 tấn.
Hàng năm, Ai Cập sản xuất 7 triệu tấn phân urê và amoni nitrat, tương đương 22 triệu tấn nitơ với nồng độ 15,5%, nghĩa là sản lượng hàng ngày là 20.000 tấn, hiện đã ngừng sản xuất.
Kỳ vọng cho thấy giá có thể tiếp tục tăng nếu các nhà máy vẫn đóng cửa. Việc đình chỉ các nhà máy phân bón dường như là khủng hoảng lớn đối với chính phủ hiện nay.
AO đang tìm hiểu xem liệu các nhà máy bị dừng hoạt động có thể bù đắp cho thị trường trong thời gian tạm ngừng, để khôi phục lại sự cân bằng của thị trường địa phương và tăng số lượng xuất khẩu nhằm duy trì nguồn thu ngoại tệ mà nền kinh tế Ai Cập cần hay không.
Sự can thiệp của chính phủ
Theo Thủ tướng Mostafa Madbouly, Ai Cập đã công bố phân bổ 1,18 tỷ USD để mua số lượng sản phẩm dầu mỏ cần thiết, bao gồm mazut và khí đốt.
Ông Madbouly cũng thông báo tình trạng mất điện sẽ chấm dứt hoàn toàn vào tuần thứ ba của tháng 7 và các cửa hàng thương mại sẽ đóng cửa lúc 22h bắt đầu từ tháng 7.
Xuất khẩu phân bón
Theo báo cáo ngoại thương của Cơ quan Thống kê và Huy động Công Trung ương (CAPMAS), xuất khẩu phân bón của Ai Cập đạt 546,24 triệu USD trong quý đầu tiên năm 2024.
Trước khi đóng cửa các nhà máy, người đứng đầu Hội đồng xuất khẩu hóa chất và phân bón Khaled Abul-Makarem cảnh báo các nhà xuất khẩu có thể mất thị trường do thiếu khí đốt cho các nhà máy phân bón, hóa dầu, gây ra sự bất thường trong sản xuất và hạn chế khả năng đáp ứng các hợp đồng xuất khẩu, theo trang Facebook của hội đồng.
Theo dữ liệu từ Phòng Công nghiệp Hóa chất, xuất khẩu phân bón vào năm 2023 tăng 250% so với số liệu của năm 2020, đạt 7 triệu USD.
Theo số liệu của Bộ Công thương, xuất khẩu ngành hóa chất và phân bón đã đạt 1,5 tỷ USD trong quý 1 năm 2024.
Trong khi đó, hội đồng báo cáo rằng xuất khẩu của lĩnh vực này đã vượt quá 2 tỷ USD trong bốn tháng đầu năm 2024.
Lợi nhuận tăng và giảm
Lợi nhuận ròng của công ty phân bón Abu Qir trong quý 1 năm 2024 là khoảng 8,1 tỷ EGP, tăng 44,6% so với cùng kỳ năm 2023, ghi nhận 5,6 tỷ EGP.
Tuy nhiên, lợi nhuận trong 9 tháng của năm tài chính 2023/2024 đã giảm xuống còn 12,1 tỷ EGP, giảm 3,16% so với cùng kỳ năm tài chính 2022/2023, đạt 12,5 tỷ EGP, theo AO.
Lợi nhuận của MOPCO đã tăng khoảng 95% trong quý 1 năm 2024, ghi nhận 7,6 tỷ EGP so với 3,9 tỷ EGP cùng kỳ năm 2023.
SIDPEC cũng chứng kiến lợi nhuận tăng khoảng 7,7%, đạt 5,6 tỷ EGP vào năm 2024, so với cùng kỳ năm 2023.
Trong khi đó, lợi nhuận của KIMA giảm khoảng 91% trong quý 1 năm 2024, ghi nhận 102,3 triệu EGP, so với 1,1 tỷ EGP cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu nông sản tươi không bị ảnh hưởng
Phát biểu với AO, Người đứng đầu Hội đồng Xuất khẩu Cây trồng Nông nghiệp Abdel-Hamid Demerdash loại trừ mọi tác động của việc đóng cửa các nhà máy phân bón đối với xuất khẩu của ngành, với điều kiện không kéo dài quá một tháng, vì mùa xuất khẩu kết thúc vào tháng 8.
Mùa xuất khẩu mới bắt đầu vào cuối tháng 9, khiến việc tạm dừng hiện tại không ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu sắp kết thúc của mùa này.
Tuy nhiên, nếu việc tạm ngừng kéo dài trong hai hoặc ba tháng, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất không quá 10%, phản ánh xuất khẩu nông sản tăng 8-10% tùy theo các loại rau củ và trái cây.
Xuất khẩu rau quả tươi đặc biệt nhạy cảm với những thay đổi về khí hậu và vận chuyển, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tổng xuất khẩu năm nay. Nó có thể tăng 10% hoặc duy trì giá trị xuất khẩu năm 2023 ở mức 3,5 tỷ USD.
Chợ Obour là một trong những chợ bán rau, trái cây và cá lớn nhất của Ai Cập. Hatim El-Naguib, người phát ngôn chính thức của Chợ Obour, nói với AO rằng khả năng tăng giá đối với các loại rau và trái cây trong mùa tới, được trồng vào tháng 7 và tháng 8, phụ thuộc vào thời gian ngừng sản xuất phân bón.
Tuy nhiên, tỷ lệ tăng giá khó xác định dựa trên cung và cầu, cách nông dân quản lý cây trồng, cúp điện ảnh hưởng đến máy bơm nước và thay đổi khí hậu ảnh hưởng đáng kể đến việc trồng trọt, ông El-Naguib nói thêm.
Nh.Thạch
AFP