Thị trường dầu mỏ sẽ “bình lặng” sau cơn bão Covid-19?

15:13 | 28/12/2020

|
(PetroTimes) - Một năm đầy biến động sắp đi qua đối với ngành công nghiệp dầu khí toàn cầu và sẽ còn được ghi nhớ trong một thời gian dài với nhiều kỷ lục chưa từng có như nhu cầu tiêu thụ giảm 25%, cạn kiệt các kho chứa dầu thô và lần đầu tiên trong lịch sử giá dầu giảm xuống mức âm.
Thị trường dầu mỏ năm 2021: Những cú sốc nhu cầu đã ở phía sau?Thị trường dầu mỏ năm 2021: Những cú sốc nhu cầu đã ở phía sau?
Khủng bố dầu mỏ - công cụ để tác động đến thị trườngKhủng bố dầu mỏ - công cụ để tác động đến thị trường
Thị trường dầu mỏ sẽ “bình lặng” sau cơn bão Covid-19?

Trong cuộc phỏng vấn của hãng tin Ria Novosti, các chuyên gia dầu khí đều bày tỏ sự lạc quan trong năm 2021 và tin rằng, thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ gặp nhiều thuận lợi trong năm tới. Giá dầu thô sẽ duy trì trong vùng 45-55 USD/thùng và thậm chí có thể tăng lên 60 USD/thùng.

Đánh giá về tình hình thị trường trong năm 2020, các chuyên gia nhận định, đại dịch Covid-19 bùng phát từ Trung Quốc đã gây ra sự hỗn loạn chưa từng có, làm giảm mạnh nhu cầu dầu mỏ toàn cầu. Ngay trong quý I/2020, giá dầu thô Brent đã sụt giảm mạnh từ mức 70 USD/thùng xuống mức 50 USD/thùng. Liên minh OPEC+ vốn từng cứu thị trường dầu mỏ trước đây lần này khiến tình hình trầm trọng hơn. Trong điều kiện hoàn toàn không chắc chắn, các thành viên của liên minh đã không thể thống nhất về việc cắt giảm thêm sản lượng dầu. Do sự đổ vỡ của thỏa thuận, KSA bắt đầu tăng sản lượng dầu khai thác, gây ra cuộc chiến giá dầu với Nga. Hậu quả là giá dầu tiếp tục giảm 24%, tương đương 21 USD/thùng trong tháng 3/2020. Giới truyền thông đánh giá quý I/2020 là quý tồi tệ nhất trong vòng 20 năm của ngành dầu mỏ.

Tuy nhiên, những bất ổn của thị trường chưa dừng lại ở đó mặc dù vào đầu tháng 4, OPEC+ đã đạt được thỏa hiệp để tiến tới thỏa thuận cắt giảm sản lượng mới. Một vụ sụp đổ khác của thị trường đã xảy ra: do nhu cầu yếu và tình trạng thiếu hụt cơ sở lưu trữ dầu thô toàn cầu, giá dầu Brent đã có lúc giảm xuống còn 15 USD/thùng và giá dầu WTI (20/4) lần đầu tiên trong lịch sử “rơi” xuống mức âm.

Kể từ tháng 5/2020, sản lượng khai thác dầu thô của OPEC+ bắt đầu giảm trên quy mô lớn 9,7 triệu thùng/ngày, giúp cải thiện tình hình đối với các cơ sở lưu trữ. Thỏa thuận OPEC+ mới cũng giúp ổn định giá cả trên thị trường. Giá dầu thô Brent đã tăng lên 35 USD/thùng và sau đó là 40 USD/thùng vào giữa quý II/2020. Tuy nhiên, sau kỳ nghỉ hè tạm lắng, sự bất ổn đã quay trở lại thị trường dầu mỏ. Giá dầu quay đầu giảm trong mùa thu khi làn sóng thứ hai của đại dịch Covid-19 ập tới. OPEC+ buộc phải thừa nhận rằng, các biện pháp hạn chế, đóng cửa lần này tuy “nhẹ nhàng” hơn so với mùa xuân, song đang trì hoãn sự phục hồi nhu cầu tiêu thụ.

Do đó, liên minh đã phải điều chỉnh các điều khoản của thỏa thuận. Theo đó, từ tháng 1/2021, các thành viên sẽ cắt giảm tổng cộng 7,2 triệu thùng/ngày thay vì 5,8 triệu thùng/ngày như kế hoạch. Hành động phối hợp của liên minh, cũng như những tin tức về việc thử nghiệm thành công vacxin chống Covid-19 đã giúp giá dầu thô Brent tăng lên trên 50 USD/thùng vào những ngày cuối năm.

Các chuyên gia kỳ vọng với nhiều sự lạc quan, thị trường sẽ bước sang năm 2021 với giá dầu thô Brent duy trì ổn định trong khoảng 45-55 USD/thùng. Các chuyên gia phân tích thị trường của Otkrytie Broker cho biết, các yếu tố gồm: thỏa thuận OPEC+ điều tiết hiệu quả thị trường, 60-70% dân số toàn cầu sẽ được tiêm chủng đến cuối năm 2021, dịch bệnh được kiểm soát, ngừng lây lan sẽ hỗ trợ tích cực cho thị trường. Nhu cầu đối với các sản phẩm xăng dầu đang dần hồi phục về mức 97-99% của năm 2019.

Công ty đầu tư BCS World of Investments cho biết, kịch bản lạc quan có nhiều khả năng xảy ra trong năm sau, đồng thời dự báo giá dầu thô sẽ tăng trong suốt năm 2021 và đạt mức trung bình 60 USD/thùng trong quý IV/2021. Giá dầu thô Brent trung bình sẽ nằm trong khoảng từ 47-50 USD/thùng trong trường hợp đại dịch Covid-19 được kiểm soát trong nửa đầu năm 2021 và thỏa thuận OPEC+ tiếp tục được duy trì.

Mặc dù thị trường dầu mỏ kết thúc năm 2020 đầy khó khăn với tâm lý khá tích cực, song tình hình vẫn chưa thực sự ổn định và tiềm ẩn những rủi ro. Một số chuyên gia đánh giá, trong kịch bản bi quan, giá dầu có thể quay đầu giảm xuống biên độ 35-45 USD/thùng. Rủi ro sẽ đến từ nguy cơ sụp đổ của thỏa thuận OPEC+, sự tăng trưởng không kiểm soát sản xuất dầu khí, quá trình tiêm chủng chống Covid-19 đạt hiệu quả thấp hoặc các biện pháp kích thích kinh tế từ các ngân hàng trung ương.

Các chuyên gia cũng cho rằng, một yếu tố tiêu cực khác đối với thị trường là khả năng tăng trưởng sản xuất của Iran (khả năng tăng hơn 1 triệu thùng/ngày) nếu phía Mỹ quyết định quay trở lại thỏa thuận. Ngoài ra, một rủi ro khác sẽ đến từ tốc độ phục hồi của các nhà sản xuất dầu khí Mỹ. Trong bối cảnh giá dầu WTI khá ổn định, các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ có thể khôi phục nhanh sản lượng.

Viễn Đông