Những điểm nổi bật trong cơ chế mua bán điện khí của Thái Lan

08:00 | 22/06/2024

|
(PetroTimes) - Kế hoạch phát triển điện lực (PDP) mới được chờ đợi của Thái Lan sẽ được hoàn thành vào Quý II năm nay, nhằm tăng cường năng lượng tái tạo giai đoạn năm 2024-2037.
Những điểm nổi bật trong cơ chế mua bán điện khí của Thái Lan
Ảnh: Báo Thái

Prasert Sinsukprasert, thư ký thường trực của Bộ Năng lượng Thái Lan, gần đây đã nói với giới báo chí rằng PDP mới sẽ phù hợp với mục tiêu về biến đổi khí hậu của Thái Lan nhằm đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050. Kế hoạch này tập trung vào các nguồn năng lượng thay thế thay vì nhiên liệu hóa thạch - với tỷ lệ được đề xuất từ 30-70%.

PDP là một phần của Kế hoạch Năng lượng Quốc gia (NEP) - kế hoạch chi tiết của quốc gia về quản lý năng lượng từ năm 2023 đến năm 2037. PDP bao gồm 5 kế hoạch: kế hoạch phát triển điện lực, kế hoạch phát triển năng lượng thay thế, kế hoạch tiết kiệm năng lượng, kế hoạch dầu mỏ và kế hoạch khí đốt.

Đồng thời, nhà chức trách Thái Lan cũng đang hướng tới sản xuất 50% điện năng ở Thái Lan từ các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2037. NEP mới sẽ cung cấp cho Thái Lan các nguồn năng lượng mới như nhiên liệu hydro và các lò phản ứng hạt nhân nhỏ.

Thái Lan những năm gần đây gia tăng sử dụng khí đốt cho sản xuất điện và đặt mục tiêu nhập khẩu 1,2 triệu tấn LNG mỗi năm để giảm chi phí nhiên liệu cho phát điện, hỗ trợ giá điện, giảm bớt gánh nặng cho người dân.

Điện là hạ tầng quan trọng bậc nhất trong quá trình phát triển đất nước. Đối với Thái Lan, tốc độ tăng trưởng phụ tải điện được dự báo ngang với tốc độ tăng trưởng GDP. Việc đảm bảo nguồn cung điện dồi dào, ổn định và giá cả hợp lý là một thách thức rất lớn.

Nhiệt điện khí LNG có nhiều tiềm năng thay thế cho nhiệt điện than đang dần cạn kiệt. Lợi thế của điện khí là tính sẵn sàng cao, công suất lớn, thời gian đáp ứng nhanh, lượng khí thải thấp hơn so với các nguồn điện khác, giúp giảm tác động của ô nhiễm môi trường… LNG là một nguồn năng lượng linh hoạt, có thể được nhập khẩu từ nhiều nguồn khác nhau, giúp giảm phụ thuộc vào các nguồn năng lượng truyền thống.

Trong cơ cấu nguồn điện của Thái Lan, nhiệt điện (than đá và khí thiên nhiên) là nguồn chính, chiếm tỷ trọng khoảng 56% tổng sản lượng điện. Trong khi đó, thủy điện chiếm tỷ trọng khoảng 24% và năng lượng tái tạo (điện gió và điện mặt trời) chiếm khoảng 19% tổng sản lượng điện năm 2023.

Các nguồn điện này được cung cấp bởi Cơ quan Phát điện Thái Lan (EGAT), các nhà sản xuất điện độc lập lớn (IPP), các nhà sản xuất điện tư nhân nhỏ (SPP) và điện nhập khẩu.

Tại Thái Lan, khí gas sẽ được đưa vào nhà máy tách khí và chỉ còn lại methane để đốt trong nhà máy điện. Các thành phần khí khác thu được sau phân tách được tận dụng làm nguyên liệu đầu vào phục vụ cho các ngành nhựa, điện tử, dệt may…

Methane, được sử dụng làm nhiên liệu chính cho sản xuất điện ở Thái Lan và giá bán methane được chia theo 4 nhóm: Nhà sản xuất điện độc lập (Independent Power Producer – IPP), Nhà sản xuất điện quy mô nhỏ (Small Power Producer - SPP), Sản xuất công nghiệp và Phương tiện giao thông.

Cụ thể, giá bán cho IPP bao gồm các công ty tư nhân đầu tư xây dựng và vận hành các nhà máy điện để bán điện cho lưới điện quốc gia, được giữ ở mức thấp nhất để duy trì chi phí điện thấp.

Trên thực tế, đầu tư vào nhà máy điện khí là khoản đầu tư rất lớn. Do đó, để giúp nhà đầu tư có thể huy động vốn cho dự án, Chính phủ Thái Lan đã ký hợp đồng mua điện với nhà đầu tư với một số điều kiện đi kèm.

Theo đó, giá bán điện sẽ thay đổi theo tỷ giá hối đoái và sự biến động thị trường của giá nhiên liệu đầu vào. Hợp đồng cung cấp điện được ký dài hạn cho phép nhà đầu tư sắp xếp nguồn cung nhiên liệu dài hạn để tránh rủi ro từ sự thay đổi giá nhiên liệu.

Thông thường, các nhà đầu tư sẽ ký hợp đồng mua khí dài hạn trong 20-25 năm để đảm bảo chi phí hợp lý cho kế hoạch đầu tư. Giá mua khí và chi phí logistics tính bằng ngoại tệ (USD) khi thanh toán quy đổi sang nội tệ sẽ mang tới nhiều rủi ro.

Công ty Gulf JP ký hợp đồng bán điện PPA có thời hạn 25 năm với EGAT vào tháng 10 năm 2008. Theo hợp đồng, công ty phát điện sẽ nhận được hai khoản: Tiền thanh toán cho sự sẵn có điện và thanh toán cho sản lượng điện. Tiền thanh toán cho sự sẵn sàng cấp điện chi trả cho chi phí đầu tư cơ bản, chi phí bảo trì cố định, lãi cổ phần, và trả nợ vay. Về ngoại tệ, tiền chi trả cố định, trong đó 50% tiền thanh toán được tính theo USD. Điều khoản này làm giảm rủi ro tỷ giá đối với dự án. Phần chi trả theo sản lượng điện (bao gồm chi phí nhiên liệu, chi phí vận hành và bảo dưỡng - O&M) biến đổi, cung cấp nguyên tắc chuyển ngang giá nhiên liệu, cũng như chi phí O&M biến đổi cho EGAT.

Như vậy, giá bán điện tại Thái Lan sẽ gồm hai thành phần là chi phí công suất cố định và chi phí năng lượng thay đổi, và được thanh toán theo sản lượng điện thực tế đã cung cấp.

Nhằm giảm thiểu những rủi ro không lường trước được, Chính phủ Thái Lan luôn bảo đảm cho nhà đầu tư trong các trường hợp: chính sách pháp luật thay đổi, chính phủ chậm trễ thực thi công việc, hay vấn đề biến động tỷ giá.

Chính phủ Thái Lan đề cao vai trò của huy động đầu tư tư nhân, nhằm chia sẻ gánh nặng đầu tư công và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Kể từ năm 2019, EGAT đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ các nhà sản xuất điện trong nước. Điển hình như việc nhập khẩu LNG với giá cạnh tranh thấp nhất trên thị trường quốc tế và thực hiện các hướng dẫn về tự do hóa kinh doanh khí thiên nhiên để sử dụng tại các nhà máy điện.

Theo Nghị quyết của Ủy ban Điều tiết Năng lượng (ERC) công bố ngày 5/4/2023, EGAT đặt mục tiêu nhập khẩu 1,2 triệu tấn LNG mỗi năm để giảm chi phí nhiên liệu cho phát điện, hỗ trợ giá điện, giảm bớt gánh nặng cho người dân.

Bình An

T/H