Dịch Covid-19 và thất bại của OPEC+

Những “cú đánh trời giáng” lên giá dầu

07:22 | 14/03/2020

|
(PetroTimes) - Ngày 9-3-2020, giá dầu thô chạm đáy sau thất bại tại cuộc họp của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đối tác tại Vienna (Áo). Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đang lên kế hoạch giảm nhu cầu dầu thô toàn cầu vào năm 2020 do tác động của dịch Covid-19.

Cuộc họp thất bại

Tháng 12-2019, các nhà sản xuất dầu hợp tác hình thành OPEC+ (các nước thành viên trong OPEC và 10 đối tác không phải là thành viên OPEC, bao gồm cả Nga) đã đồng ý giảm sản lượng dầu gần 1,7 triệu thùng/ngày so với mức sản xuất của tháng 10-2018.

nhung cu danh troi giang len gia dau
Bộ trưởng Dầu mỏ Arập Xêút Abdulaziz bin Salman Al-Saud và Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak tại Vienna

Đối mặt với sự giảm sút của giá dầu do dịch Covid-19 gây ra, OPEC đề xuất với các đối tác cắt giảm thêm 1,5 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm 2020. Nga là nhà sản xuất dầu thô lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ. Một mức đề nghị Nga giảm thêm 500.000 thùng/ngày được các đối tác trong OPEC+ kỳ vọng nhằm hỗ trợ giá dầu trên thị trường. Tuy nhiên, không có thỏa thuận nào đạt được với Nga tại cuộc họp ngày 6-3. Các công ty dầu khí của Nga lo sợ mất thị phần và muốn cạnh tranh với dầu đá phiến của Mỹ.

Việc OPEC+ không đạt thỏa thuận mới đã khiến giá dầu thô giảm mạnh. “Đây là sự kết thúc sau hơn 3 năm hợp tác. Việc hợp tác này ra đời trong bối cảnh giá dầu giảm trong khoảng từ giữa mùa hè 2014 và đầu năm 2016”, ông Francis Perrin, Giám đốc nghiên cứu của Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp (IRIS) nói. Thất bại này đặt ra câu hỏi về tương lai của OPEC+.

Đối mặt với sự phản đối từ Nga, OPEC đã đáp trả bằng cách dỡ bỏ mọi giới hạn đối với sản lượng của họ. Arập Xêút, nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, có kế hoạch tăng sản lượng dầu thô lên hơn 10 triệu thùng/ngày vào tháng 4-2020, Reuters đưa tin ngày 8-3-2020. Các nguồn tin nói với Reuters ngày 7-3 rằng, sản lượng dầu của Arập Xêút trong tháng 4 có thể lên tới khoảng 11 triệu thùng/ngày. Trong những tháng gần đây, vương quốc này đã bơm 9,7 triệu thùng/ngày. Riyadh cũng đã thông báo vào ngày 7-3 rằng, họ đã giảm giá bán dầu thô chính thức trong tháng 4 với tất cả các khách hàng.

Thất bại trong các cuộc đàm phán giữa OPEC và Nga đã khiến Arập Xêút phải từ bỏ chiến lược hỗ trợ giá mà chuyển sang áp dụng chiến lược giữ thị phần, vốn từng được vương quốc này đưa ra trong năm 2014. “Vương quốc Arập Xêút không gây chiến với bất cứ nước nào mà chỉ tuân theo lợi ích riêng. Một khi thỏa thuận hạn chế sản lượng giữa OPEC và Nga hết hạn (vào cuối tháng 3), những nước tham gia ký kết sẽ tăng sản lượng”, một nguồn tin nói với Reuters.

“Chúng tôi hy vọng Arập Xêút, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất và các nước sản xuất lớn khác của OPEC sẽ tăng sản lượng trong thời gian còn lại của năm 2020 nhằm giữ vững thị phần bất chấp giá dầu có hạ thấp” - Edward Bell, nhà phân tích hàng hóa tại Emirates NBD, cho biết - “Chiến lược giữ thị phần gây ra rủi ro đáng kể cho các thành viên OPEC, vì các nước này đang rơi vào tình trạng thâm hụt ngân sách nặng nề và cán cân thanh toán có thể xấu đi. Những nghi ngờ về tính bền vững của chính sách tiền tệ có thể xuất hiện trở lại”.

Sự đổ vỡ của liên minh giữa OPEC và Nga đã dẫn đến giá dầu và thị trường chứng khoán vùng Vịnh sụt giảm mạnh. Cổ phiếu của Aramco đã giảm 9,1% vào ngày 8-3-2020, mức giảm lớn nhất trong một phiên được ghi nhận kể từ tháng 12-2019.

“Sự thay đổi chiến lược để bảo vệ thị phần đã làm giá dầu giảm khoảng 20 USD/thùng trong 1 ngày”, Francis Perrin cho biết. Riyadh hy vọng rằng “cú sốc” tài chính và tâm lý này sẽ khiến Nga quay trở lại bàn đàm phán càng sớm càng tốt, nhưng đó là một “canh bạc” khó lường.

Hậu quả của dịch Covid-19

Theo IEA, trong bối cảnh giá dầu đang chịu nhiều biến động thì dịch Covid-19 lại mang tới một mối nguy đặc biệt nghiêm trọng mới. Sự gián đoạn lớn trong giao thông vận tải và thương mại quốc tế ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu dầu thô và giá cả. Ngoài ra, dịch Covid-19 tấn công Trung Quốc, quốc gia chiếm 80% nhu cầu dầu mỏ trên toàn thế giới vào năm 2019, Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết.

nhung cu danh troi giang len gia dau
Giá dầu giảm sâu sau khi OPEC+ không đồng thuận giảm sản lượng

Lần đầu tiên kể từ năm 2009, trong báo cáo Oil 2020, IEA dự kiến mức tiêu thụ dầu trên thế giới sẽ giảm. Trong kịch bản trung tâm, nhu cầu thị trường được ước tính là 99 triệu thùng/ngày vào năm 2020, giảm 90.000 thùng/ngày so với mức của năm 2019 (trong báo cáo hằng tháng trước đó vào tháng 2-2020, IEA dự báo nhu cầu dầu thế giới tăng 825.000 thùng/ngày vào năm 2020). IEA cũng đưa 2 kịch bản thay thế. Kịch bản 1: Dự báo lạc quan hơn, sự tiến triển của Covid-19 sẽ nhanh chóng bị kiểm soát ở cấp độ toàn cầu, trong trường hợp này nhu cầu dầu thế giới vẫn có thể tăng 480.000 thùng/ngày vào năm 2020. Kịch bản 2: Bi quan hơn, dự báo nhu cầu sẽ giảm 730.000 thùng/ngày.

Về ngắn hạn, “vì tác động tiêu cực của dịch Covid-19, cộng thêm sự thất bại trong cuộc họp của OPEC và các đối tác ở Vienna, sự thay đổi trong chiến lược của Arập Xêút, tình hình thị trường dầu mỏ và nhiên liệu sẽ ảm đạm”, ông Francis Perrin cho biết. Nhưng nhu cầu dầu sẽ tiếp tục tăng trong trung hạn sau khi ngăn chặn được dịch Covid-19 vì nhu cầu dầu của các nước phát triển và đang phát triển ngày càng tăng, cũng như tầm quan trọng của các nước này trong nền kinh tế thế giới.

“Thế giới vẫn không thể làm gì nếu không có dầu vì vai trò chính của nhiên liệu này trong lĩnh vực vận tải và tầm quan trọng của nó như một nguyên liệu thô cho ngành công nghiệp hóa dầu. Dịch Covid-19 tác động mạnh lên nền kinh tế trong thời gian ngắn nhưng không làm thay đổi cục diện trong trung và dài hạn, cũng giống như tác động từ sự gia tăng sản lượng dầu phi truyền thống của Mỹ từ khoảng 12 năm qua”, ông Francis Perrin nói thêm.

Theo dữ liệu cập nhật mới nhất từ IEA, nhu cầu dầu thế giới từ năm 2019 đến năm 2025 có thể tăng 5,7 triệu thùng/ngày (Trung Quốc và Ấn Độ chiếm một nửa mức tăng này). Khả năng sản xuất sẽ tăng mạnh hơn, tăng 5,9 triệu thùng/ngày trong khoảng từ năm 2019 đến năm 2025 và tạo ra sự mất cân bằng mới trên thị trường dầu mỏ.

Theo thông tin mới nhất, ngày 10-3-2020, Nga đã có một cử chỉ cởi mở nhỏ đối với Arập Xêút khi nêu ra khả năng đổi mới sự hợp tác với OPEC sau quyết định bung mạnh nguồn cung dầu của Arập Xêút ra thị trường để giữ thị phần.

“Cánh cửa hợp tác vẫn chưa đóng” - Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak nói ngày 10-3 - “Nếu thỏa thuận giảm sản lượng hiện tại giữa OPEC và các đồng minh không được gia hạn vào cuối tháng 3, điều đó không có nghĩa là trong tương lai chúng ta sẽ không còn có thể hợp tác giữa các nước trong vào ngoài OPEC để ổn định thị trường”.

Ông Alexander Novak cũng nhấn mạnh đến sự đoàn kết của Nga với các nhà sản xuất OPEC trong cơn bão giảm giá hiện nay, đồng thời khẳng định rằng Moscow đã sẵn sàng gia hạn thỏa thuận giảm sản xuất (có hiệu lực đến hết tháng 3-2020) trong quý II/2020, giảm 1,7 triệu thùng/ngày so với mức của tháng 10-2018.

Nhưng Bộ trưởng Nga cũng cảnh báo rằng, trong ngắn hạn, Nga có thể tăng sản lượng thêm 200.000-300.000 thùng/ngày, tiềm năng tăng 500.000 thùng/ngày trong tương lai gần.

Theo IEA, nhu cầu dầu thế giới từ năm 2019 đến năm 2025 có thể tăng 5,7 triệu thùng/ngày (Trung Quốc và Ấn Độ chiếm một nửa mức tăng này). Khả năng sản xuất sẽ tăng mạnh hơn, tăng 5,9 triệu thùng/ngày từ năm 2019 đến năm 2025 và tạo ra sự mất cân bằng mới trên thị trường dầu mỏ.

S.Phương