Nhu cầu năng lượng toàn cầu tăng chóng mặt trong năm 2018

14:23 | 09/04/2019

|
(PetroTimes) - Nhu cầu năng lượng cao nhất trong 10 năm qua được Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ghi nhận vào năm 2018. Tiêu thụ năng lượng trên thế giới tăng 2,3% trong năm ngoái, trong đó Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ chiếm 70% mức tăng này.

Hoa Kỳ có sự gia tăng tiêu thụ năng lượng lớn nhất trên thế giới: nhu cầu khí đốt tự nhiên ở nước này đã tăng 10% trong một năm. IEA lưu ý rằng sự gia tăng này ở Hoa Kỳ tương đương với tổng mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên hàng năm ở một quốc gia khá lớn như Vương quốc Anh. Đối với Hoa Kỳ, đây là mức tăng lớn nhất trong lịch sử về nhu cầu khí đốt kể từ năm 1971.

nhu cau nang luong toan cau tang chong mat trong nam 2018
Lượng khí thải carbon dioxide từ hoạt động sản xuất điện vẫn còn cao…

Nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm tỷ trọng cao

Các nguồn nhiên liệu hóa thạch năm ngoái chiếm 70% mức tăng tiêu thụ và chỉ có khí đốt tự nhiên chiếm 45% mức tăng tiêu thụ năng lượng này. Nhu cầu về khí đốt là đặc biệt cao ở Hoa Kỳ và Trung Quốc. Theo tỷ lệ phần trăm, Trung Quốc đã tăng mức tiêu thụ khí đốt trong năm 2018 thêm 18%. Nhu cầu khí đốt tự nhiên trên thế giới trong năm qua tăng 4,6%.

Đối với dầu, trong năm qua, mức tiêu thụ trên quy mô toàn cầu tăng 1,3%. Nhu cầu tăng trưởng này chủ yếu cũng bởi Hoa Kỳ: ngành công nghệ hóa dầu đang phát triển nhanh chóng ở nước này, và việc tiêu thụ các sản phẩm dầu mỏ trong lưu thông hàng hóa đang tăng lên, cũng như sản lượng công nghiệp ở Hoa Kỳ đang tăng trưởng mạnh.

Nhu cầu than thế giới cũng tăng 0,7%, chủ yếu là do việc vận hành các nhà máy nhiệt điện mới chạy bằng than. Tăng trưởng tiêu thụ than đã được ghi nhận ở châu Á, chủ yếu ở Trung Quốc, Ấn Độ cùng một số nước ở Nam Á và Đông Nam Á.

Ngược lại, nhu cầu năng lượng ở các nước lớn ở châu Âu đang giảm xuống. Bất chấp sự tăng trưởng của nền kinh tế, tiêu dùng năng lượng nói chung ở châu Âu chỉ tăng 0,2% trong năm ngoái. Do sự gia tăng hiệu quả trong lĩnh vực sử dụng năng lượng. Đức cho thấy nhu cầu năng lượng giảm 2,2%, trong khi tiêu thụ dầu ở nước này giảm hơn 6%. Các chỉ số thấp về tăng trưởng nhu cầu năng lượng đã được ghi nhận ở Pháp và Anh.

Nhiệt điện than vẫn chiếm ưu thế ở châu Á, điện hạt nhân cầm chừng

Điện được IEA coi là “nhiên liệu của tương lai”. Nhu cầu toàn cầu về điện cho năm ngoái đã tăng 4%, lên 23 nghìn TWh. Như vậy, tỷ lệ điện trong tiêu thụ năng lượng đã tăng lên 20%. Bất chấp sự tăng trưởng hai chữ số trong sản xuất năng lượng mặt trời và năng lượng gió (đáng chú ý là việc công suất các nhà máy năng lượng mặt trời đã tăng 31% trong năm qua), than vẫn giữ vai trò quan trọng trong sản xuất điện. Năm ngoái, khoảng một nửa sự tăng trưởng về nhu cầu năng lượng điện trên thế giới đã được đáp ứng bằng các nguồn năng lượng tái tạo. Năm qua, Trung Quốc, châu Âu và Hoa Kỳ đã đi đầu trong phân khúc năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của các nguồn năng lượng tái tạo này không đủ để buộc than phải bị loại bỏ ra khỏi lĩnh vực sản xuất điện.

Do đó, trong năm qua, lượng khí thải carbon dioxide liên quan đến sản xuất năng lượng tăng 1,7%, lên đến 33 gigatons, trong đó than đá chiếm hơn 10 Gt. Hầu hết các khí thải này xuất phát từ các nhà máy nhiệt điện than mới được đưa vào hoạt động tại các nước đang phát triển ở châu Á. Chính tại các quốc gia châu Á, phần lớn điện được sản xuất bằng than. Ngày nay, rất nhiều nhà máy nhiệt điện than ở châu Á có tuổi thọ đã trên 50 năm nhưng vẫn ì ạch hoạt động để sản xuất điện, dù với hiệu suất rất thấp.

Năng lượng hạt nhân cũng tăng 3,3% vào năm ngoái, đạt đến mức toàn cầu trước khi xảy ra tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân Nhật Bản ở Fukushima. Các nhà máy điện hạt nhân mới đã được đưa vào hoạt động trong năm 2018 tại Trung Quốc, và 4 lò phản ứng cũ đã được tái khởi động tại Nhật Bản. Nhờ đó, trong năm ngoái, các nhà máy điện hạt nhân đã đáp ứng được khoảng 9% mức gia tăng nhu cầu điện toàn cầu.

“Năm 2018 chúng tôi quan sát thấy sự gia tăng bất thường về nhu cầu năng lượng toàn cầu, cho thấy đó là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong thập kỷ này. Năm ngoái có thể được gọi là một năm vàng nữa đối với khí đốt tự nhiên, chiếm gần một nửa mức tăng trưởng của nhu cầu năng lượng toàn cầu. Nhưng, mặc dù việc sử dụng năng lượng tái tạo tăng đáng kể, lượng khí thải carbon dioxide toàn cầu vẫn tiếp tục tăng lên, điều này đòi hỏi sự cần thiết phải hành động ngay lập tức trên tất cả các mặt trận: phát triển các giải pháp năng lượng sạch, giảm phát thải, cải thiện hiệu quả năng lượng, khuyến khích đầu tư và đổi mới, bao gồm nắm bắt, sử dụng và lưu trữ carbon dioxide"- người đứng đầu IEA, Fatih Birol phát biểu.

nhu cau nang luong toan cau tang chong mat trong nam 2018Sức ép lớn về nhu cầu năng lượng tại miền Nam
nhu cau nang luong toan cau tang chong mat trong nam 2018CNPC: Nhu cầu năng lượng của Trung Quốc sẽ tới đỉnh điểm vào năm 2040

Bá Thủy

RT