Khí đốt Nigeria trong cuộc chiến năng lượng ở Maghreb

20:50 | 03/03/2023

|
(PetroTimes) - Các đối thủ trong cùng khu vực gồm Maroc và Algeria đang tham gia vào hai siêu dự án đường ống dẫn khí cạnh tranh liên kết với Nigeria, nhắm vào thị trường châu Âu. Nhưng EU muốn ngừng sử dụng khí đốt vào cuối thập kỷ này.
Khí đốt Nigeria trong cuộc chiến năng lượng ở Maghreb

Gần đây nhất là Dự án đường ống dẫn khí Nigeria - Maroc (NMGP), dài khoảng 6.000 km, đi qua 13 quốc gia châu Phi dọc theo bờ biển Đại Tây Dương để vận chuyển hàng tỷ mét khối khí đốt từ Nigeria đến Vương quốc Maroc. Do vậy, đường ống sẽ được kết nối trực tiếp vào hệ thống đường ống dẫn khí đốt Maghreb - Châu Âu (GME).

Bộ trưởng Dầu mỏ Nigeria, ông Timipre Sylva, nói với AFP: “Đường ống đang được lên kế hoạch. Chúng tôi đang ở giai đoạn nghiên cứu tính khả thi”.

Vua Mohammed VI đưa ra ý tưởng về dự án này vào năm 2016, trong chuyến thăm Abuja nhằm tăng cường quan hệ đối tác với các nước châu Phi.

Giải thích nguyên nhân của việc kết nối quan hệ là do Algeria - nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hàng đầu châu Phi - vào năm ngoái đã quyết định cắt dòng khí đốt đi vào Rabat bằng cách đóng cửa đường ống dẫn khí đốt Maghreb-Europe (GME). Đường ống này chuyên vận chuyển khí đốt từ Algeria đến Tây Ban Nha và quá cảnh qua Maroc.

Những bất đồng này bị đẩy mạnh do vấn đề gai góc ở Tây Sahara - vùng lãnh thổ mà Rabat tuyên bố chủ quyền trong khi Algeria ủng hộ phe ly khai, Mặt trận Polisario, từ đó tước đoạt nguồn khí đốt từ Algeria mà đáng lý ra Maroc được phép dùng.

Ngoài ra, dự án NMGP được sinh ra trong bối cảnh địa chính trị đặc biệt, đánh dấu bởi giá hydrocarbon tăng vọt kể từ khi chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra.

Bộ trưởng Dầu mỏ Nigeria nhắc lại việc triển khai đường ống dẫn khí đốt khổng lồ này - với mức chi phí ước tính khoảng 23 tỷ euro - vẫn phải có điều kiện là “nhận được sự đồng ý của các quốc gia mà đường ống sẽ đi qua”.

Vào cuối năm 2022, Rabat và Abuja đã ký 7 Biên bản ghi nhớ với Gambia, Guinea-Bissau, Guinea, Sierra Leone, Ghana, Mauritania và Senegal, và một biên bản ghi nhớ khác với Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Đông Âu và Tây Phi (ECOWAS).

Các thỏa thuận “xác nhận cam kết của các bên trong dự án chiến lược này”, Văn phòng Quốc gia về Hydrocacbon và Hầm mỏ của Maroc (ONHYM) hoan nghênh cam kết trên.

Nhà nghiên cứu địa chính trị Maroc Jamal Machrouh nói với AFP rằng Rabat đang dựa vào nguồn dự trữ khí đốt khổng lồ của Nigeria để tạo ra “một thị trường khí đốt ổn định, dự đoán được và cùng có lợi” ở châu Phi, đồng thời nhấn mạnh “lợi ích chiến lược cho châu Âu”.

Khí đốt Nigeria trong cuộc chiến năng lượng ở Maghreb

Nhu cầu tương lai của châu Âu?

Tuy nhiên, loạt câu hỏi nổi lên khi Brussels cho biết họ muốn loại bỏ nhiên liệu hóa thạch trong trung hạn.

“Chúng ta phải tính xem khi nào đường ống dẫn khí đốt sẽ hoàn thành. Liệu chúng ta có còn muốn sử dụng khí đốt hay không?”, Nhà ngoại giao hàng đầu Liên minh châu Âu Josep Borrell đặt câu hỏi gần đây tại Rabat, đồng thời nhấn mạnh Maroc có tiềm năng mạnh mẽ về năng lượng sạch chẳng hạn như hydro, gió và mặt trời.

Việc tăng cường hợp tác giữa Rabat và Abuja trùng hợp với việc khởi động lại Đường ống dẫn khí đốt xuyên Sahara (TSGP) để nối Nigeria với Algeria qua Niger, với chi phí ước tính từ 12 đến 18 tỷ euro.

Tháng 7/2022, Algeria, Abuja và Niamey đã ký một Biên bản ghi nhớ nhằm hiện thực hóa đường ống dẫn khí đốt dài 4.128 km và chưa ấn định ngày khởi công.

Dự án được ra mắt vào năm 2009 với mục đích vận chuyển khí đốt từ Nigeria đến các nước châu Âu, đường ống này sẽ đi qua Algeria thông qua đường ống dẫn khí Trans-med đi từ Algeria đến Ý qua Tunisia.

“Các nghiên cứu kỹ thuật đang được tiến hành”, Bộ trưởng Năng lượng Algeria Mohamed Arkab cho biết vào ngày 18/2 tại Algeria.

Theo chuyên gia Algeria, ông Ahmed Tartar, ba đối tác trên hiện đang “tìm kiếm nhà tài trợ”.

Ông Tartar đảm bảo với AFP: “Chúng tôi ước tính dự án có thể hoàn thành trễ từ 2 đến 3 năm” và “sẽ đáp ứng một phần đáng kể nhu cầu của châu Âu trong tương lai”.

Nhà phân tích Geoff Porter nhấn mạnh “lỗ hổng lớn của dự án là các cuộc tấn công của những phần tử thánh chiến” ở khu vực Sahelian và sự thù địch “của cộng đồng địa phương nếu họ có cảm giác bị lợi dụng trong một dự án mà họ không thu được lợi ích gì”.

Một nhược điểm khác: Châu Âu, vốn đang tìm cách thoát khỏi khí đốt của Nga, có thể không chấp nhận “sự phụ thuộc mạnh mẽ vào một nhà cung cấp duy nhất”, dù là Algeria hay Maroc, theo nhà nghiên cứu Maroc Matrouh.

Tranh chấp khí đốt: Nigeria chấp thuận đóng 200 triệu USD để trì hoãn quyết định của tòa án AnhTranh chấp khí đốt: Nigeria chấp thuận đóng 200 triệu USD để trì hoãn quyết định của tòa án Anh
Savannah Energy tham vọng thống lĩnh thị trường khí đốt NigeriaSavannah Energy tham vọng thống lĩnh thị trường khí đốt Nigeria

Nh.Thạch

AFP