Giá dầu tuần qua và dự báo tuần này

07:00 | 09/06/2020

|
(PetroTimes) - Giá Brent (tháng 8) trong tuần giao dịch từ ngày 01/06 – 05/06 biến động trong biên độ 37,38 – 42,44 USD/thùng, đóng cửa tuần ở mức 41,97 USD/thùng (tăng 11,3%/tuần).
gia dau tuan qua va du bao tuan nayBản tin Dầu khí chiều 8/6: Ấn Độ tìm mua 24 triệu thùng dầu Mỹ
gia dau tuan qua va du bao tuan nayLibya nối lại việc sản xuất tại mỏ dầu lớn nhất nước
gia dau tuan qua va du bao tuan nay

Nhìn chung, các nhà đầu tư duy trì tinh thần lạc quan của tuần trước, Brent liên tục tăng, duy nhất điều chỉnh giảm 4% xuống 38,78 USD/thùng vào ngày 03/06 và 04/06 do lo ngại thỏa thuận OPEC+ bị xem xét lại và một số quốc gia vi phạm hạn ngạch cắt giảm. Tuy nhiên, sau khi có thông tin cuộc họp OPEC+ sẽ diễn ra vào ngày 06/06, các bên cam kết thực hiện đúng hạn ngạch cắt giảm trong tương lai, tâm lý lạc quan quay trở lại, Brent dễ dàng vượt mốc 40 USD/thùng.

Tín hiệu tốt từ thị trường việc làm Mỹ và gia hạn thỏa thuận OPEC+ là hai yếu tố quyết định đối với giá dầu tuần qua, đặc biệt trong tháng 5, Mỹ đã bất ngờ tạo mới được 2,5 triệu việc làm, trong khi thị trường dự báo sẽ tiếp tục giảm 8,3 triệu, nâng tỷ lệ thất nghiệp lên gần 20% - mức cao nhất kể từ năm 1948. Thực tế, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống 13,3% cùng với tin tốt OPEC+ đã đẩy giá Brent có lúc lên 42,44 USD/thùng.

Những yếu tố tác động tích cực có thể ảnh hưởng tới giá dầu tuần này là:

● OPEC+ thực hiện được 89% hạn ngạch cắt giảm;

● OPEC nhận định nhu cầu dầu thô thế giới đang tăng trở lại, thị trường đã vượt qua đáy;

● EU, Mỹ tiếp tục tung ra các biện pháp hỗ trợ kinh tế;

● Saudi Aramco dự kiến tăng giá bán tháng 7;

● Sản lượng khai thác dầu tại Mỹ tiếp tục giảm 200.000 thùng/tuần, sản lượng trung bình 11,2 triệu thùng/ngày;

● Trữ lượng dầu thương mại Mỹ tiếp tục giảm 2,76 triệu thùng/tuần;

● Nhiều loại vaccine chống Covid-19 đang và sắp được thử nghiệm lâm sàng;

● Kinh tế tích cực mở cửa, nhiều nước có kế hoạch mở cửa biên giới đón khách du lịch, nối lại đường bay quốc tế.

Các yếu tố sau sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới giá dầu tuần này:

● Các công ty dầu đá phiến Mỹ rục rịch nối lại sản xuất;

● Chưa rõ ràng quan điểm KSA, UAE, Kuwait, Oman tăng sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày từ 01/07;

● Căng thẳng quan hệ Mỹ - Trung có dấu gia tăng;

● Biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc lan rộng khắp nước Mỹ và cả sang châu Âu, Úc, Canada.

Theo chúng tôi nhận định, giá Brent trong tuần sẽ giao động trong biên độ 39 - 45 USD/thùng.

Bên cạnh đó các vấn đề chính trị, xung đột quân sự cũng có thể khiến giá dầu có những thay đổi bất ngờ. Can thiệp chính trị ngoại bang của Mỹ có xu hướng đuối sức do dàn trải và gặp nhiều yếu tố bất lợi trong nội chính. Tuy nhiên do bầu cử Tổng Thống sắp tới, các nỗ lực đưa ra để “make USA great again” sẽ gây thêm nhiều điểm nóng trên thế giới, trong đó có Biển Đông. Những điểm nóng này sẽ phần nào chặn sự phát triển của Trung Quốc nhưng không giải quyết vấn đề của từng quốc gia, Mỹ và các nước đồng minh (G7) đang lôi kéo nhiều nước tham gia vào quá trình này. Dự kiến, vấn đề biển Đông trong thời gian tới sẽ nóng trở lại và khó kiểm soát hơn. Các ổ xung đột lớn quanh Trung Quốc có thể là biên giới Ấn Độ, Bắc Triều Tiên, Đài Loan, Nhật Bản, cũng có chiều hướng phát triển.

Các ca nhiễm COVID-19 trên thế giới với trên 100 nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày và giá dầu vẫn tăng trở lại cho thấy các điểm dịch đang di chuyển khỏi các nước đang phát triển về “thế giới thứ 3”. COVID-19 sẽ không còn là mối lo ngại hàng đầu của các chính phủ trên thế giới mà là sự phát triển kinh tế của từng quốc gia. Trước khi tìm ra các thuốc chữa trị bệnh này thì các nước phải xác định bước ra khỏi trạng thái cách ly và đi vào giai đoạn 2 - chấp nhận mở cửa (có điều kiện), bất chấp dịch bệnh. Việc cắt giảm của OPEC+ hiện nay đang có hiệu ứng tốt và nếu việc cắt giảm được kéo dài đến hết hè thì giá dầu có thể lên trên $50/thùng, bất chấp cả việc dầu đá phiến Mỹ có quay lại trị trường hay không.

Nếu G7 không tách được Nga khỏi sự phụ thuộc vào thị trường Châu Á - TBD, thì cuộc chiến kinh tế (hoặc quân sự) có thể sẽ lây lan sang cả LB Nga. Thế giới còn lại chỉ biết trông đợi vào sự khéo léo các thủ lĩnh các nước lớn để không gây xung đột trong tương lai.

Viễn Đông