EU áp trừng phạt mới lên Nga, khí đốt châu Á bị ảnh hưởng gì?

08:44 | 22/06/2024

|
(PetroTimes) - Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu hôm thứ Năm đã thông qua các trừng phạt mới đối với ngành khí đốt Nga. Động thái này có thể khiến Nga mất đi hàng trăm triệu USD doanh thu từ nhiên liệu hóa thạch mỗi năm.
EU áp trừng phạt mới lên Nga, khí đốt châu Á bị ảnh hưởng gì?
Một tàu chở LNG của Nga. Ảnh TASS

Các biện pháp trừng phạt mới nhằm ngăn chặn Nga chuyển các lô hàng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) qua châu Âu đến châu Á, nơi có một số khách hàng lớn nhất của nước này.

Gói trừng phạt mới cấm các nước EU nhập khẩu và tái xuất khẩu LNG của Nga tại cảng của họ trong khi trung chuyển. Sau khi được phê duyệt, đây sẽ là gói trừng phạt thứ 14 của EU đối với Nga kể từ khi bắt đầu xung đột ở Ukraine.

Các biện pháp trừng phạt này cũng nhằm vào hạm đội tàu gồm các tàu chở dầu bất chấp trừng phạt vẫn đang xuất khẩu dầu thô của Nga cho người mua với mức giá trên mức trần 60 USD do nhóm G7 đặt ra, đồng thời chặn nguồn tài trợ cho các terminalLNG ở Bắc Cực và Baltic của Nga.

Các biện pháp trừng phạt mới được đưa ra sau nhiều tuần đàm phán kéo dài trong khối, bao gồm cả sự phản đối từ Đức và Hungary, chính phủ Hungary đã kiên quyết phản đối hầu hết các biện pháp trừng phạt năng lượng đối với Nga.

Đức đã ngần ngại trước một biện pháp ngăn chặn lách luật mà các nhà lãnh đạo EU đã đồng ý giảm nhẹ trước đó.

EU đã nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga trong hai năm kể từ khi nước này mở Chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và sau đó là hạn chế hầu hết các nguồn cung cấp khí qua đường ống. Tuy nhiên, LNG của Nga vẫn chiếm 5% lượng tiêu thụ khí của khối vào năm 2023, theo ước tính từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch, một tổ chức tư vấn châu Âu.

Nhóm này ước tính rằng EU đã trả cho Nga khoảng 8,9 tỷ USD vào năm 2023 để nhập khẩu LNG.

Có lẽ đáng kể nhất là lệnh cấm tái xuất khẩu sẽ buộc Nga phải thay đổi mô hình vận chuyển hiện tại để gửi LNG đến những khách hàng lớn nhất ở châu Á.

Theo dữ liệu do CREA tổng hợp, Nga hiện đang vận chuyển nhiều lô hàng của mình tới người mua châu Á thông qua các cảng ở một số nước EU như Tây Ban Nha, Bỉ và Pháp.

Nếu không thể vận chuyển LNG qua châu Âu, Nga sẽ buộc phải gửi phần lớn lô hàng tới châu Á qua Bắc Cực, một chuyến đi dài đòi hỏi phải sử dụng các tàu chở dầu phá băng.

Không giống như tàu chở dầu thông thường, những con tàu phá băng có tính chuyên môn cao và số lượng hạn chế hơn nhiều, khiến tàu dễ bị theo dõi hơn. Loại tàu này cũng nằm trong đợt trừng phạt mới nhất của Hoa Kỳ đối với Nga được công bố vào đầu năm nay.

Doanh thu từ dầu khí của Nga đã tăng lên 126 tỷ USD trong tháng 4, tăng hơn gấp đôi thu nhập so với cùng kỳ năm ngoái và nhấn mạnh sự cấp bách buộc các nhà lãnh đạo phương Tây phải hành động.

Thủ tướng Hungary khẳng định tiếp tục sử dụng khí đốt NgaThủ tướng Hungary khẳng định tiếp tục sử dụng khí đốt Nga
Châu Âu có duy trì được dòng chảy trong đường ống khí đốt Nga-UkraineChâu Âu có duy trì được dòng chảy trong đường ống khí đốt Nga-Ukraine
Rosneft tiết lộ cái giá EU phải trả khi từ chối khí đốt NgaRosneft tiết lộ cái giá EU phải trả khi từ chối khí đốt Nga

Nh.Thạch

AFP